Hiệu trưởng trường vùng cao Yên Bái lo lắng vì không tuyển được giáo viên

07/07/2023 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những năm học gần đây, trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng không tuyển được giáo viên và nhân viên.

Trong quãng thời gian nghỉ hè, nhiều trường học đã và đang mua sắm cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên, tuyển sinh... cho năm học mới. Với trường ở vùng cao, những năm học gần đây, có trường không tuyển được giáo viên bởi nhiều lý do.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Bá Ngọc (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Yên Bái) cho hay, năm học 2023-2024 nhà trường vẫn đứng trước nguy cơ thiếu giáo viên và nhân viên.

Nhà trường hiện có 4 lớp thuộc khối Trung học cơ sở và 10 lớp khối Tiểu học. Cả hai khối có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 13 giáo viên Tiểu học, 7 giáo viên Trung học cơ sở, 3 cán bộ quản lý và 1 nhân viên.

"Nhà trường thiếu ít nhất 8 người, gồm 2 giáo viên Trung học cơ sở, 2 giáo viên Tiểu học, 1 Tổng phụ trách đội. Đối với nhân viên, theo quy định đơn vị có thể bổ sung 5 người, nhưng nếu tuyển được thêm 3 người là tốt lắm rồi", thầy Ngọc chia sẻ.

Lãnh đạo nhà trường cho biết thêm, năm học 2020-2021, thầy về trường công tác, khi đó đơn vị cơ bản là đủ giáo viên, nhân viên với 28 người. Tuy nhiên, kể từ năm học 2021-2022, 2022-2023, đơn vị luôn thiếu giáo viên.

Lý do, có trường hợp giáo viên quê ở Nam Định công tác tại nhà trường đã được biên chế viên chức lại bỏ về quê bởi chồng thấy vợ làm xa nhà, không chăm lo được cho gia đình. Ngoài trường hợp này, cũng có một số trường hợp khác tương tự.

"Có trường hợp được đơn vị tuyển dụng nhưng điều kiện kinh tế - xã hội trên đây khó khăn, nên họ đã bỏ về", thầy Ngọc nói.

Thầy Ngọc chia sẻ, mức lương giáo viên công tác trên vùng cao khoảng 8-9 triệu đồng nhưng kèm theo nhiều chi phí tốn kém. Ví như do đường sá đi lại khó khăn, một năm giáo viên phải thay một đôi lốp, nhông xích xe vài tháng là phải thay thế, một bình xăng đi từ nhà lên trường và quay về là hết.

Khuôn viên trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng (Ảnh: TTXVN)

Khuôn viên trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng (Ảnh: TTXVN)

Bởi vậy, có giáo viên lên vùng cao công tác nhận thấy quá vất vả, khi đặt chân xuống đường lớn ở vùng xuôi, họ hạnh phúc đến nỗi, nói lớn "Ôi sống rồi".

Về nguyên nhân không tuyển dụng được giáo viên, thầy Ngọc cho biết, ngoài nguyên nhân điều kiện kinh tế - xã hội ở nơi đây khó khăn, còn là vấn đề liên quan đến bằng cấp khi giáo viên giảng dạy tại trường phải đáp ứng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng nằm ở trung tâm xã, từ trường tới trung tâm huyện khoảng 60 cây số. Người dân phải đi cung đường huyện Văn Chấn (Yên Bái), thị xã Nghĩa Lộ mới đến nơi, đường đi quanh co, khúc khuỷu khó đi.

Đối với những giáo viên lên công tác tại nhà trường nhưng chưa có nhà ở, được đơn vị tạo điều kiện cho ở tại nhà công vụ.

Ngoài việc giáo viên giảng dạy trên trường, họ cũng phải trực tại trường vào buổi tối nhưng được ban giám hiệu tạo điều kiện để một người trực một buổi một tuần, để mọi người có thể về với gia đình.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm học 2023-2024, thầy Ngọc nói, do đơn vị là trường liên cấp nên công tác tuyển sinh dễ dàng, thuận lợi.

"Đối với việc tuyển sinh lớp 1, cuối năm học vừa qua, nhà trường đã bàn giao, nghiệm thu học sinh mầm non cho năm học tới. Vì vậy, công tác tuyển sinh của đơn vị dễ dàng, thuận lợi", lãnh đạo trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng nói.

Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, thầy Ngọc chia sẻ, vẫn như các năm học trước, khi có thông báo về sách giáo khoa, nhà trường cũng nhắn tới các phụ huynh mua sách cho con em. Năm học tới, do quy mô trường lớp không tăng nên đơn vị không xây dựng thêm cơ sở hạ tầng.

"Chúng tôi chỉ mong được đầu tư thêm phòng chức năng như phòng học bộ môn, phòng làm việc của nhà trường", thầy Ngọc chia sẻ.

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới, cô Kiều Thị Nguyệt (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đà Bắc, Hòa Bình) cho hay, nhà trường đang làm công tác tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh với cả hai cấp là 90 em.

Theo đó, theo quy định với khối trung học phổ thông tại đơn vị, chỉ có một lớp gồm 30 em (tối đa là 35 em) nên chỉ tuyển đủ số lượng này. Còn lại là chỉ tiêu với khối trung học cơ sở.

Cô Nguyệt chia sẻ về khó khăn trong việc tuyển sinh lớp 6, 2/3 số học sinh khi học Tiểu học không được học Tiếng Anh do nhiều trường không lựa chọn môn học này. Vì vậy, giáo viên Tiếng Anh cũng vất vả, trong việc kèm cặp các em.

Về đội ngũ giáo viên, cô Nguyệt cho hay, những năm về trước, nhà trường trở thành trường liên cấp và đơn vị điều động giáo viên khối Trung học cơ sở lên dạy Trung học phổ thông, để khắc phục việc thiếu giáo viên.

Nhà trường cũng có đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc bổ sung giáo viên và Sở cũng có kế hoạch trình Sở Nội vụ để bổ sung biên chế.

"Nếu thuận lợi đúng bộ môn, đúng cơ cấu thì việc tuyển dụng được nhanh. Đến nay, nhà trường cũng đã tuyển đủ giáo viên cho hai cấp học với 25 giáo viên/330 học sinh", cô Nguyệt nói.

Về cơ sở vật chất, trong những năm học vừa qua, nhà trường được xây thêm lớp học, chỗ ở. Năm nay, nhà trường chuẩn bị lên trường chuẩn, về tiêu chí giáo viên, đơn vị cũng đã đáp ứng được, còn về cơ sở vật chất sẽ được cơ quan liên ngành thẩm định chất lượng. Trước, đó, đơn vị phải chờ phân bổ ngân sách để xây dựng.

Mạnh Đoàn