Theo chia sẻ của lãnh đạo một số phòng giáo dục và đào tạo huyện, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp đội ngũ giáo viên mầm non hưởng thêm chế độ, chính sách để bù đắp những hi sinh, vất vả trong thời gian làm nghề.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Trung Thủy – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) vui mừng trước thông tin này.
“Thông qua lắng nghe tâm tư nguyện vọng về việc xem xét đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại cho thấy, giáo viên mầm non đều đồng tình và mong muốn quy định sớm được ban hành”, thầy Thuỷ chia sẻ.
Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai |
Lý giải nguyên nhân giáo viên mầm non nên là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, theo thầy Thuỷ, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa như huyện Ngân Sơn, có những giáo viên 50 tuổi vẫn hàng ngày phải trèo đèo, lội suối đến điểm trường, chăm sóc trẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, địa hình đường xá hiểm trở nên tiểm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra mất an toàn, nhất là khi trời mưa bão, mùa đông lạnh giá. Thậm chí, nhiều điểm trường chưa có đèn, điện, sóng điện thoại,… giáo viên mầm non dạy học trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Có giáo viên phải mang con theo khi đi dạy vì không có ai trông nom.
Chưa kể, ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo viên mầm non còn phải giáo dục trẻ như dạy múa, hát,… nên những giáo viên trên 50 tuổi sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thêm nữa, các cháu nhỏ thích giáo viên trẻ, năng động, hoạt bát hơn giáo viên lớn tuổi.
Do đó, nếu giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, các cô có thể nghỉ hưu sớm theo khoản 3 Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
“Các cấp học khác có tiếng trống để tập hợp học sinh vào lớp đúng giờ nên giáo viên không cần đi sớm để đón các em. Còn đối với giáo viên mầm non, các cô phải đến lớp sớm hơn thời gian quy định để đón trẻ. Đặc biệt, có gia đình đi làm nương, lên rẫy vào sáng sớm nên giáo viên thường phải có mặt ở trường lúc 6 rưỡi để các em vào lớp.
Có phụ huynh đi làm về muộn, 18 giờ mới đón trẻ nên giáo viên phải chờ phụ huynh đến đón con. Trả trẻ xong, giáo viên ở lại lớp để dọn dẹp, sắp xếp đồ chơi, chuẩn bị đồ dùng cho buổi học hôm sau rồi mới được ra về.
Với tính chất công việc như vậy, tôi rất đồng tính với việc đưa giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại”, thầy Thuỷ cho biết.
Huyện Ngân Sơn có 11 trường mầm non, chưa tính các điểm trường lẻ. Trong năm học 2022-2023, huyện có 4-5 giáo viên mầm non trẻ nghỉ việc. Nguyên nhân do giá cả các mặt hàng tăng lên trong khi thu nhập giáo viên chưa được cải thiện nhiều nên còn khó khăn trong đời sống sinh hoạt.
Đặc thù ở huyện Ngân Sơn không có khu công nghiệp do đó, giáo viên mầm non khi nghỉ việc thường sẽ lựa chọn đi xuất khẩu lao động.
“Nếu giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp các thầy, cô có thêm phụ cấp nhằm động viên, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển dụng giáo viên mầm non”, thầy Thuỷ chia sẻ thêm.
Cùng chia sẻ với phóng viên, cô Đàm Huế - Chuyên viên phụ trách mầm non Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại vô cùng cần thiết, đáp ứng được mong mỏi của tập thể giáo viên mầm non.
Theo đó, việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp giáo viên được hưởng các chế độ chính sách, chế độ phụ cấp nghề nghiệp phù hợp với thời gian, công sức cũng như áp lực công việc. Từ đó, giúp phần nào bù đắp vào những hi sinh, vất vả của giáo viên mầm non khi làm nghề.
"Ví dụ, công nhân làm việc trong nhà máy phải chịu nhiều áp lực về năng suất, sản lượng, hay có thể phải tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại, thì giáo viên mầm non cũng chịu áp lực trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ như: thường xuyên nghe tiếng ồn do trẻ nô đùa, khóc, nhất là những trẻ mới đi lớp, chưa quen bạn bè nên hay quấy nhiễu”, cô Huế chia sẻ.
Bên cạnh đó, đối với giáo viên mầm non huyện Sóc Sơn nói riêng và giáo viên mầm non thành phố Hà Nội nói chung, hiện nay khó khăn lớn nhất là chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp thấp (theo hệ số, thâm niên,...); không có chế độ khi làm việc 2 buổi/ngày dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên chán nản, nghỉ việc, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Do vậy, theo cô Huế, bên cạnh việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, cần thực hiện thêm những chính sách hỗ trợ về chế độ làm việc 2 buổi/ngày cho giáo viên mầm non.
Đồng thời, có hỗ trợ chính sách tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ nhân viên bảo vệ, kế toán, nuôi dưỡng, y tế,... hỗ trợ độc hại cho nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non hiện nay.
Thầy Đàm Trung Thủy chia sẻ thêm, theo khoản 1 Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.
Tuy nhiên, thầy Thuỷ nêu quan điểm: chế độ nghỉ phép năm đối với giáo viên mầm non khi là ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ không dễ thực hiện ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, có điểm trường chỉ 1 giáo viên/lớp hoặc 2 giáo viên/lớp, nếu giáo viên nghỉ phép năm thì không có người để bố trí, cân đối công việc, nhất là hiện đang thiếu giáo viên.