Nếu thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, GVMN sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

03/08/2023 06:41
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đưa GVMN vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại giúp giáo viên có thêm phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách,...

Vừa qua, tại Diễn đàn người lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội xem xét, đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Điều này đã nhận được sự đồng tình từ nhiều giáo viên mầm non, lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo trên cả nước.

Được biết, khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi như sau:

Nghỉ phép năm: Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ phép hằng năm 14 ngày hưởng nguyên lương.

Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:

- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);

- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);

- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

Chế độ hưu trí: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thanh Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, việc xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là rất hợp lý.

Bởi, nhìn nhận từ thực tế hiện nay, giáo viên mầm non là ngành nghề có đặc thù vất vả, nặng nhọc nhưng mức lương lại chưa tương xứng.

Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong giờ học ngoài trời (Ảnh: Website nhà trường).

Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong giờ học ngoài trời (Ảnh: Website nhà trường).

Theo ông Lê Thanh Kính, tại khu vực nông thôn như địa bàn huyện Châu Đức, phụ huynh thường làm nông, hay công nhân xí nghiệp nên họ phải gửi con từ rất sớm và cũng khó có thể đón con tan học đúng giờ. Do đó, bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học trong giờ cho trẻ, giáo viên mầm non còn thường xuyên phải đi sớm về trễ nên rất vất vả.

Thế nhưng, theo quy định hiện hành, giáo viên mầm non có chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng nên dù có trình độ đại học hay cao hơn thì mức lương vẫn xếp ở mức thấp nhất so với giáo viên các cấp học khác.

Đây cũng là lý do khiến thời gian gần đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng giáo viên mầm non trẻ tuổi nghỉ việc, đặc biệt là ở những giáo viên trẻ mới vào nghề được 1-2 năm.

Mặc dù số lượng này chưa nhiều, tuy nhiên, nếu không có những chính sách, đãi ngộ hỗ trợ, động viên kịp thời để ghi nhận những cống hiến của họ trong ngành nghề, tình trạng này chắc chắn sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng. Bởi, hiện nay có nhiều công việc nhàn hơn mà mức thu nhập lại cao hơn so với giáo viên mầm non.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo, nuôi dạy lớp trẻ mầm non của đất nước. Vì ngoài việc chăm sóc, đặc thù của mầm non là trẻ cần được tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi, văn nghệ,... đòi hỏi cần có giáo viên trẻ để có khả năng vận động, hoạt bát, thị phạm các hoạt động này cho các em.

Chính vì vậy, ông Lê Thanh Kính tin rằng, việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp ngành có thể “giữ chân” được giáo viên đang làm nghề do được hưởng thêm các quyền lợi, chính sách hỗ trợ như có thêm phụ cấp nghề nặng nhọc, độc hại, hay tuổi nghỉ hưu được thấp hơn,…

Từ đó, có thể bù đắp được sự hi sinh, vất vả của các cô với công việc. Không những vậy, việc có thêm những quyền lợi, chính sách đó cũng sẽ thu hút, lôi cuốn được nhiều người trẻ vào nghề hơn.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, một chuyên viên phụ trách mầm non tại một phòng giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, nếu đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại sẽ giúp giáo viên mầm non được hưởng những chế độ, chính sách phù hợp hơn hiện tại và góp phần hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non trầm trọng hiện nay.

Theo vị này, hiện nay, trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non nghiêm trọng theo Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, với số lượng thiếu khoảng hơn 100 người.

Tuy nhiên, khi tuyển dụng, mặc dù tỉnh Tiền Giang đã có những chế độ thu hút như những giáo viên trẻ ở vùng sâu vùng xa mới vào làm sẽ có thêm phụ cấp hỗ trợ,... nhưng số lượng đăng ký tuyển dụng giáo viên mầm non còn rất hạn chế, huyện cũng không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Không những vậy, với mức lương thấp, không đáp ứng được nhu cầu sống mà công việc lại nặng nhọc, vất vả, nhiều giáo viên mầm non đã phải xin nghỉ việc.

Do đó, nhiều giáo viên mầm non hiện nay vốn đã vất vả lại càng thêm vất vả khi phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc; những lớp trẻ cần có 2 giáo viên nhưng chỉ có 1 giáo viên nên các cô rất thiệt thòi, thời gian làm việc lại kéo dài hơn các giáo viên cấp học khác,…

Tường San