Giám đốc Sở GD Bắc Kạn nêu lý do khiến GV không mặn mà với hai chữ “biệt phái”

23/08/2023 06:32
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực tế cho thấy chế độ giáo viên biệt phái còn những bất cập. Nhiều thầy cô không mặn mà với hai chữ "biệt phái" vì đây là nhiệm vụ khó khăn.

Trong những năm qua, nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao đã thực hiện phương án biệt phái giáo viên để giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Quy định về biệt phái giáo viên đã giúp các địa phương gỡ khó trong vấn đề phân công, bố trí đội ngũ trong từng năm học.

Đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên cho sự nghiệp giáo dục vùng khó

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, biệt phái giáo viên là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta trong việc sử dụng, quản lý đội ngũ viên chức; đảm bảo đúng số lượng, chuyên ngành đào tạo và năng lực chuyên môn; phù hợp với yêu cầu của các đơn vị và cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, biệt phái viên chức góp phần thuận lợi trong việc động viên đội ngũ đi công tác tại đơn vị mới, do thời hạn biệt phái viên chức tối đa là 03 năm nên viên chức có cơ hội để quay lại công tác tại đơn vị trước khi đi biệt phái.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: PM

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: PM

Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trong bối cảnh thiếu giáo viên của tỉnh Bắc Kạn thì việc cử giáo viên đi biệt phái giải quyết được tình trạng thừa/thiếu giáo viên theo bộ môn, theo cấp học.

Biệt phái vẫn là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết tình thế trong việc giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên.

Biện pháp này không chỉ góp phần “chia lửa” với vùng khó, nơi thiếu giáo viên mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, trong những năm qua, việc cử giáo viên đi biệt phái chủ yếu thực hiện tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo do tình trạng thừa/thiếu giáo viên theo bộ môn.

Cụ thể năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cử đi biệt phái 13 người; năm học 2022-2023 cử đi biệt phái 03 người.

Việc thực hiện biệt phái đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về sử dụng, quản lý viên chức; dựa trên tình trạng thừa/thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Đối với giáo viên được cử đi biệt phái, cơ bản các thầy cô đều mang tinh thần tình nguyện hoặc được chọn cử công khai, rõ ràng, không gây ra phản ứng trái chiều trong đội ngũ.

Giáo viên đi biệt phái có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại nơi được cử đến biệt phái đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời đội ngũ đi biệt phái đều được đảm bảo chế độ, chính sách; tạo mọi điều kiện về chỗ ở, sinh hoạt, sắp xếp công việc, thời khóa biểu phù hợp... để đội ngũ này yên tâm công tác.

Về hiệu quả trong việc triển khai công tác biệt phái giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn khẳng định, giải pháp này giúp giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên theo môn học tại các trường. Đồng thời, đảm bảo số giáo viên có mặt so với số biên chế được giao, định mức giáo viên theo môn học.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, từ tình hình thực tế, theo báo cáo từ các phòng giáo dục và đào tạo, năm học 2023-2024, tỉnh Bắc Kạn sẽ không phải thực hiện biệt phái giáo viên.

Thầy cô không mặn mà với hai chữ “biệt phái”

Bàn về những khó khăn trong việc thực hiện biệt phái giáo viên, thầy Sơn cho rằng: “Dù đạt được kết quả đáng trân trọng nhưng thực tế cho thấy chế độ giáo viên biệt phái còn đó những bất cập.

Dù thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, giáo viên được cử biệt phái đến miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ nhưng tình hình chung, thầy cô không mặn mà với hai chữ “biệt phái” vì đây là nhiệm vụ khó khăn.

Cơ sở giáo dục có giáo viên biệt phái đi, những người ở lại cũng chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì chưa có cơ chế chính sách quy định về hỗ trợ chi trả tiền làm thêm giờ để thay thế cho đội ngũ được cử đi biệt phái, do kinh phí cấp theo biên chế.

Còn trường có giáo viên đến biệt phái cũng nhiều tâm tư, vì giáo viên đến công tác chỉ trong thời gian ngắn, biết việc rồi đi, nhân sự thiếu sự ổn định, bền vững để bảo đảm chất lượng”.

Nhiều địa phương chọn phương án biệt phái giáo viên nhưng thực tế, chế độ giáo viên biệt phái còn những bất cập. Ảnh minh hoạ: Trần Phương

Nhiều địa phương chọn phương án biệt phái giáo viên nhưng thực tế, chế độ giáo viên biệt phái còn những bất cập. Ảnh minh hoạ: Trần Phương

Để giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng giải pháp về chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2023-2024.

Thứ nhất, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng: Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước thì ưu tiên đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định, thực hiện bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu;...

Tập trung thực hiện rà soát, xây dựng phương án đối với giáo viên Tin học, tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để bố trí đủ giáo viên cho những trường còn thiếu. Cụ thể như: thực hiện tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên nhằm đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025 và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đại trà các mô đun tại tỉnh theo đúng kế hoạch.

Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các trường đại học thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, Sở phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan thực hiện: Tăng cường công tác tuyển dụng nhằm đảm bảo đủ giáo viên theo đúng số biên chế đã được giao, đáp ứng việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục theo từng cấp học, môn học.

Tiến hành rà soát đội ngũ, thông báo hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ trong khi đợi thực hiện tuyển dụng năm 2022, 2023 để đảm bảo giáo viên năm học 2023-2024.

Rà soát, thống kê số sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp ngành sư phạm có trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và một số ngành không phải sư phạm như tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật để xác định nguồn tuyển dụng giáo viên cho địa phương.

“Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức thông báo, niêm yết công khai nhu cầu tuyển dụng giáo viên của Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến học sinh, học viên đang theo học cấp trung học phổ thông, đặc biệt là học sinh khối 12; thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp đối với ngành đào tạo giáo viên, đặc biệt là các môn học còn thiếu và gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng vì không có nguồn tuyển.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện hợp đồng giáo viên để đảm bảo đội ngũ giảng dạy trong thời gian chờ bổ sung biên chế giáo viên hoặc thực hiện tuyển dụng” Thầy Sơn chia sẻ.

Phạm Minh