Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Hồ: Có GV xin miễn, lùi thời gian đi biệt phái

27/08/2023 06:34
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên được cử đi biệt phái, dạy học tăng cường cho rằng đây là nhiệm vụ khó khăn, cần có nhiều chế độ tốt hơn cho thầy cô.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, biệt phái giáo viên hay bố trí giáo viên dạy tăng cường liên trường, liên cấp là những giải pháp mà nhiều địa phương vẫn đang áp dụng.

Có thể thấy, với những giải pháp này, thực trạng thiếu giáo viên đã tạm thời được khắc phục; dẫu vậy, khi được cử đi biệt phái hay dạy tăng cường ở một cơ sở giáo dục mới, các thầy cô đều gặp phải nhiều khó khăn.

Nhiều tâm tư của giáo viên biệt phái, dạy tăng cường

Cô Nguyễn Thanh Lan (nhân vật đã được đổi tên) đang là giáo viên tiếng Anh công tác tại một trường tiểu học thuộc tỉnh Lào Cai với định mức 23 tiết mỗi tuần đối với trường không có bán trú.

Thế nhưng, năm học 2022 - 2023, trường trung học cơ sở liền kề không có giáo viên dạy tiếng Anh để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên giáo viên tiểu học như cô Lan và một số thầy cô ở các đơn vị khác phải đến tăng cường từ 3 - 6 tiết mỗi tuần. Vì vậy mà số tiết của cô Lan trong năm học vừa rồi dù là giáo viên tiểu học nhưng cũng lên đến 30 tiết/tuần.

Ở các địa phương vùng cao, biệt phái giáo viên giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo việc dạy và học cho các trường. Ảnh minh hoạ: Trần Phương

Ở các địa phương vùng cao, biệt phái giáo viên giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo việc dạy và học cho các trường. Ảnh minh hoạ: Trần Phương

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lan cho biết quá trình đi tăng cường ở cấp trung học cơ sở đối với giáo viên tiểu học như cô còn một số điểm chưa thực sự hợp lý, khiến các thầy cô gặp nhiều khó khăn.

Đầu tiên về khoảng cách địa lý, có nhiều thầy cô phải phải di chuyển quãng đường rất xa từ 30 km - 40 km. Việc phải đi lại giữa 2 trường thực sự rất vất vả.

“Như trường tôi công tác và trường trung học cơ sở tôi được cử đến tăng cường là 2 đơn vị ở sát nhau thì có thể đi lại thuận tiện. Nhưng nhiều thầy cô khác phải di chuyển quãng đường rất xa để đến giúp đơn vị trường bạn. Có hôm trong 1 buổi sáng phải đi lại giữa 2 trường, chưa kể những ngày trời mưa, đường trơn trượt, rất gian nan”, cô Lan nói.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, bất cập, cô Lan cho hay, thời lượng mỗi tiết học của tiểu học là 35 phút, còn với cấp trung học cơ sở là 45 phút/tiết. Sau khi dạy xong một tiết bên trung học cơ sở, phải di chuyển về tiểu học dạy ngay tiết tiếp theo khiến các thầy cô gặp khó về mặt thời gian. Vì vậy, việc chuẩn bị và sắp xếp cho tiết học sau cũng bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với phóng viên, cô N.T. H - một giáo viên tiểu học ở tỉnh Nghệ An cho biết, cô được biệt phái công tác 3 năm từ năm 2018 - 2021 tại một trường tiểu học cách nhà 20 km. Dẫu khoảng cách xa là thế, cô vẫn đi về mỗi ngày để có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Cô H chia sẻ: “Thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng nếu mưa bão thì rất nguy hiểm, chưa kể có những khi phải ở lại tham gia các hoạt động của công đoàn, đến tối muộn mới được về.

Thành thật mà nói, tôi không muốn phải đi công tác xa nhà, đi lại vất vả như thế. Nhưng đây là nhiệm vụ được giao, nên tôi đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất trong thời gian công tác”.

Khi được cử đi biệt phái, hay dạy tăng cường ở các trường học khác, với nhiều thầy cô là khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, chế độ lương thưởng, phụ cấp vẫn là điều khiến các giáo viên băn khoăn vì chưa thực sự thỏa đáng đối với khối lượng công việc phải hoàn thành.

Chia sẻ về chế độ dành cho giáo viên, cô Thanh Lan có nói rằng, cô được thông báo chế độ dành cho những giáo viên tăng cường là được thanh toán theo 2 chế độ: chế độ thừa giờ (nhưng không quá 200 tiết/ tuần) và chế độ thỉnh giảng.

“Tuy nhiên, với chế độ thừa giờ thì giáo viên phải làm hồ sơ thủ tục dài dòng mà quá trình thanh toán vẫn chậm trễ.

Còn với chế độ thỉnh giảng, giáo viên được hưởng 100.000 đồng/ tiết nhưng nơi trường tôi đến tăng cường còn thực hiện ghép 2 lớp vào thành 1, làm cho số lượng đến 60 học sinh/lớp, điều này đồng nghĩa làm giảm số tiết của giáo viên (từ 6 tiết xuống chỉ còn 3 tiết). Thế nhưng, giáo viên lại không được hưởng chế độ lớp ghép”, cô Lan chia sẻ.

Cô Lan bày tỏ mong muốn ban giám hiệu các cơ sở giáo dục cùng các cấp, các ngành quan tâm hơn để động viên tinh thần các giáo viên đã nỗ lực đóng góp cho giáo dục vùng khó, cũng như tạo điều kiện hết sức để thầy cô yên tâm công tác.

Ngoài ra, về việc thưởng theo chế độ cô cũng mong muốn được thanh toán nhanh hơn. Trường hợp giáo viên tăng cường nên có phương án thanh toán sớm khi đã kết thúc năm học, để giáo viên không phải đợi chế độ từ năm học trước sang năm học mới.

Còn đối với một giáo viên được cử đi biệt phái như cô H, cô cũng trăn trở: “Có được hưởng thêm phụ cấp nhưng nhìn chung là chưa thực sự tương xứng với những cống hiến của chúng tôi cũng như những khó khăn mà giáo viên chúng tôi phải trải qua”

Bộc bạch về những tâm tư, nguyện vọng của bản thân, cô H mong muốn có nhiều ưu đãi hơn cho giáo viên biệt phái về thời gian, hoặc nên cử giáo viên có khoảng cách không quá xa để tiện đi lại và cũng nên hạn chế giao nhiệm vụ biệt phái với những giáo viên đã có gia đình.

Cô H nói thêm: “Theo tôi, ngành giáo dục nên được bổ sung thêm biên chế để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cho các trường, như vậy giáo viên như chúng tôi sẽ không phải đi biệt phái, công tác xa nhà nữa”.

Có trường hợp giáo viên xin miễn, lùi thời gian đi biệt phái

Chia sẻ về vấn đề biệt phái giáo viên, thầy Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ (Sơn La) cho rằng đây là một giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường trong địa bàn huyện. Biệt phái giải quyết được nhu cầu trước mắt khi toàn ngành đang trong tình trạng thiếu biên chế giáo viên.

Nói về mức độ hiệu quả khi triển khai, thầy Hải đánh giá: biệt phái giáo viên từ trường thừa giáo viên đến trường thiếu giáo viên giúp đảm bảo được chất lượng giảng dạy và nhu cầu lên lớp của các trường trên địa phương.

Hơn nữa, thực hiện điều phối giáo viên còn giúp các nhà trường đảm bảo được cơ cấu môn học, đảm bảo cả tỷ lệ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ngay cả trước những tình huống phát sinh như có giáo viên nghỉ thai sản hay nghỉ ốm dài hạn.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác biệt phái giáo viên, thầy Phạm Thanh Hải cho biết, việc lựa chọn giáo viên để điều đi biệt phái phải có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng vì toàn ngành giáo dục đang thiếu nhân lực.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn huyện Vân Hồ cũng đang gặp khó vì thiếu nguồn tuyển. Một số môn học như Tin học và Ngoại ngữ không có người ứng tuyển. Do đó, thực hiện biệt phái giáo viên cũng không phải chuyện dễ dàng.

“Thực tế, nhiều giáo viên trong diện cử đi biệt phái có tâm lý băn khoăn, lo lắng.

Có thầy cô đang công tác ổn định tại 1 đơn vị mà biệt phái đến một đơn vị mới, một nơi xa lạ, sẽ ít nhiều gặp khó khăn, xáo trộn trong công tác và cả cuộc sống gia đình. Vì vậy, cũng có trường hợp giáo viên xin miễn, xin lùi thời gian thực hiện việc biệt phái.

Trên những cơ sở thực tế đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ thực hiện biệt phái với thời hạn tối đa là 1 năm học (tùy vào từng tình huống cụ thể) để có thể luân phiên các giáo viên trên địa bàn, đảm bảo khách quan, công bằng, hợp tình hợp lý. Điều này giúp cho giáo viên yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng hành, cống hiến cho giáo dục vùng khó”, Thầy Hải chia sẻ.

Hồng Giang