ĐBQH: Phải đảm bảo chế độ chính sách, mới động viên được giáo viên đi biệt phái

26/08/2023 06:40
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đi biệt phái, GV gặp khó trong sinh hoạt, công tác, thậm chí lỡ dở cơ hội xét thăng hạng CDNN. ĐBQH cho rằng cần đảm bảo chế độ chính sách cho GV biệt phái.

Góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ về tình hình biệt phái giáo viên những năm qua tại địa phương.

Cụ thể, đối với các huyện, thị, thành phố (khối huyện) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện chủ động xây dựng phương án điều động, biệt phái giáo viên.

Đối với các đơn vị trực thuộc Sở (gồm các trường trung học phổ thông; trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên kỹ thuật tổng hợp):

Số lượng giáo viên thực hiện biệt phái trong 03 năm (từ 2020 đến 2022) là 187 giáo viên, trong đó: năm 2020: 72 giáo viên; năm 2021: 62 giáo viên; năm 2022: 53 giáo viên. Dự kiến số lượng giáo viên biệt phái năm 2023 khoảng 60 người.

Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Theo đó, thời gian biệt phái đã được thống nhất trong toàn tỉnh ở các cấp học theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Biệt phái trong huyện là 3 năm, biệt phái ra ngoài huyện là 2 năm.

Vị đại biểu cũng thông tin thêm: “Những tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn giáo viên biệt phái những năm qua:

Ngày 22/7/2019 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 9343/UBND-VX về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường trung học phổ thông và trường trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2019-2020. Theo đó, đã quy định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn giáo viên biệt phái cho năm học 2019-2020.

Các năm học sau, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn các đơn vị trực thuộc vận dụng linh hoạt các tiêu chí tại Công văn số 9343/UBND-VX ngày 22/7/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và hoàn cảnh thực tế của giáo viên để lựa chọn giáo viên biệt phái. Việc xem xét biệt phái giáo viên phải đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ; phát huy tinh thần chia sẻ, đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ”.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Trần Văn Thức cũng đánh giá về hiệu quả của công tác biệt phái: “Việc biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu những năm qua đã góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các cấp học, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong điều kiện biên chế còn thiếu so với nhu cầu theo định mức quy định của tỉnh và của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Còn một số vướng mắc khiến giáo viên biệt phái chưa yên tâm công tác

Bên cạnh những tác động tích cực, biệt phái giáo viên tại địa phương cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Trần Văn Thức chỉ ra: “Nhiều giáo viên trong diện biệt phái trong những năm qua do phải công tác xa nhà nên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công tác. Một bộ phận giáo viên chưa thật sự yên tâm công tác tại nơi biệt phái.

Một số cơ sở giáo dục có số giáo viên biệt phái hằng năm còn nhiều, nên ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn và chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Chia sẻ về tình hình biệt phái giáo viên tại địa phương, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho biết: “Biệt phái giáo viên là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên, nhất là đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa... Tại Quảng Trị, trong những năm qua, vẫn thực hiện công tác biệt phái giáo viên, tuy nhiên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo dõi các năm học vừa qua, biệt phái giáo viên ở đồng bằng lên miền núi rất hạn chế, chủ yếu là cử các nam giáo viên đi, còn nữ giáo viên thì rất ít”.

Nữ đại biểu chỉ ra một số khó khăn: “Bên cạnh việc phải thay đổi môi trường làm việc một cách đột ngột, điều khiến giáo viên ngại đi biệt phái chính là do những quy định về chế độ chính sách chưa được cụ thể hóa, tạo bất cập trong thực tiễn triển khai. Chính vì những vướng mắc ấy, nên rất khó huy động giáo viên đi biệt phái để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Qua tiếp xúc cử tri và theo dõi một số thông tin được phản ánh trên báo chí, tôi thấy vẫn có những vướng mắc khiến giáo viên diện biệt phái chưa thực sự yên tâm công tác. Một số thầy cô chia sẻ, mặc dù thay đổi môi trường làm việc, phải đi làm xa hơn, nhưng không được hỗ trợ thêm chi phí đi lại, không được hỗ trợ nơi ăn chốn ở... Như thế là không phù hợp, và không thể động viên được giáo viên tham gia biệt phái.

Giáo viên biệt phái ở một số địa phương cũng băn khoăn về bất cập trong khoản thanh toán tiền lương dạy thêm giờ. Theo tôi, nên bổ sung quy định về tiền lương dạy thêm giờ phải được chi trả bởi cơ sở giáo dục tiếp nhận giáo viên biệt phái. Dù thời gian giáo viên được cử đi biệt phái là 1 học kỳ hay 1 năm, hay 3 năm, thì cũng phải quy định rõ để đảm bảo chế độ cho giáo viên biệt phái.

Phải như thế thì các cơ sở mới không còn phải băn khoăn, lúng túng, bởi, thậm chí có nơi không thể xếp giáo viên biệt phái dạy thêm giờ chỉ vì không có chính sách chi trả.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: H.B.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: H.B.

Cũng có thầy cô vì đi biệt phái mà lỡ dở cơ hội xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, phải chờ hết thời hạn, trở về cơ sở giáo dục cũ, mới được xét. Đã đi biệt phái, mà lại không được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ở đơn vị mới như giáo viên sở tại thì giáo viên phải chịu rất nhiều thiệt thòi”.

Đảm bảo chế độ chính sách mới động viên được giáo viên đi biệt phái

Từ những phân tích về khó khăn, vướng mắc được phản ánh, Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: “Phải quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên biệt phái. Cụ thể, cần điều chỉnh chính sách hiện nay để khi cử giáo viên đi thực hiện nhiệm vụ biệt phái từ địa phương này qua địa phương khác, tạo thuận lợi một cách tuyệt đối về chính sách, thì mới tạo được động lực để giáo viên xung phong, tình nguyện tham gia.

Đặc biệt, khi trở về cơ sở giáo dục, cũng cần phải có quy định ưu tiên, có thể được cân nhắc bổ nhiệm, thì mới có thể thu hút, khuyến khích giáo viên thực hiện nhiệm vụ biệt phái”.

Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã thực hiện các giải pháp nhằm từng bước khắc phục những khó khăn.

Cụ thể: Tuyên truyền trong cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ những khó khăn chung của ngành trong tình trạng còn thiếu nhiều giáo viên các cấp học để có sự đồng thuận cao trong công tác biệt phái. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Đại biểu Trần Văn Thức cũng chia sẻ một số kiến nghị, đề xuất: “Thứ nhất, đối với tỉnh: Chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng làm giáo viên hết chỉ tiêu biên chế được giao để bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu.

Chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định số lượng chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP để các địa phương chủ động trong việc hợp đồng lao động làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Phối hợp với Bộ nội vụ và các ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015); đồng thời giao biên chế cho các tỉnh phù hợp với nhu cầu biên chế của các tỉnh trên địa bàn toàn quốc và việc thực hiện tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi định mức học sinh/lớp để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng đáp ứng yêu cầu triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, đối với Chính phủ: Hiện nay, toàn ngành giáo dục Thanh Hóa đang còn thiếu nhiều giáo viên theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thiếu 19%). Nhưng lộ trình đến năm 2026 lại tiếp tục giảm biên chế so với năm 2021.

Vì vậy, đề nghị trong thời gian tới, Trung ương cần bổ sung thêm biên chế cho tỉnh để phân bổ cho các địa phương, giúp các địa phương có điều kiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tỉnh”.

Ngân Chi