Đi biệt phái nhưng chế độ không có gì thay đổi
Mường Nhé là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Trong những năm học gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé luôn trong tình trạng thiếu giáo viên nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chính vì vậy việc biệt phái giáo viên giữa các trường là một trong những biện pháp giải quyết trước mắt tình trạng này.
Cô giáo Đoàn Thị Hòa – Giáo viên Ngữ văn của trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Leng Su Sìn vừa thực hiện nhiệm vụ biệt phái 1 năm tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch cho biết:
“Thực hiện nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo giao, tôi được phân công về dạy tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch 1 năm.
Về trường mới biệt phái, bản thân tôi cũng được anh chị em đồng nghiệp tại trường giúp đỡ nhiều từ chỗ sinh hoạt, ăn ở, giảng dạy…
Thầy trò trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch. Ảnh minh họa: LC |
Trước khi tôi về dạy, trường Huổi Lếch có 1 giáo viên dạy Ngữ văn, sau khi tôi về biệt phái thì trường có 2 giáo viên dạy Ngữ văn. Vì chỉ có 2 giáo viên nên chúng tôi phải dạy Ngữ văn cho cả 4 khối lớp của trường với khối lượng giảng dạy là 18 – 19 tiết/tuần. Ngoài ra, tôi còn tham gia nhiều tiết dạy như hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, ôn thi học sinh giỏi…”.
Khi được hỏi về chế độ khi đi biệt phái, cô giáo Hòa cho biết, chế độ không có gì thay đổi, biệt phái chỉ là thay đổi tạm thời chỗ làm việc còn lương, chế độ khác đều nhận từ trường cũ.
Nói về việc biệt phái, cô Hòa cho biết, biệt phái giáo viên là giải pháp tình thế để các trường thiếu giáo viên có thể giải quyết tạm thời. Tuy nhiên, là giáo viên ai cũng muốn ổn định tại ngôi trường làm việc để có thể yên tâm công tác.
Dù sang trường khác anh chị em đồng nghiệp cũng hết sức giúp đỡ, tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm làm việc cũng khiến gia đình có xáo trộn, phải sắp xếp.
Với bản thân cô Hòa có 19 năm công tác tại Mường Nhé nên việc biệt phái cũng coi như là một nhiệm vụ chung khi giáo dục Mường Nhé còn đang thiếu giáo viên.
Thầy giáo Phạm Văn Quynh – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Huổi Lếch cho biết:
“So với định mức, trường đang thiếu đến 6 – 7 giáo viên. Trường có một phó hiệu trưởng nhưng cũng đang được trưng tập lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm việc. Do vậy, mấy năm nay, năm nào nhà trường cũng phải làm đề xuất xin giáo viên.
Như năm học trước, cả trường chỉ còn mỗi 1 giáo viên Ngữ văn. Bước vào năm học, trường đề xuất xin thêm giáo viên, nhưng khi vào năm học mới có giáo viên biệt phái về.
Năm học mới 2023- 2024 đang cận kề, hiện nay, về cơ sở vật chất, nhà trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng. Duy chỉ có giáo viên vẫn thiếu. Năm nay trường lại tiếp tục đề xuất xin giáo viên, không biết trước khi vào năm học mới có đầy đủ đội ngũ hay không?”.
Huyện lo lắng vì thiếu nguồn tuyển
Nói về việc phải điều chuyển giáo viên nhiều năm qua, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết:
“Trong những năm học gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé luôn trong tình trạng thiếu giáo viên nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, do thu nhập thấp, cán bộ, giáo viên tại các trường học trên địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn (Nậm Vì, Mường Toong, Huổi Lếch, Pá Mỳ, Quảng Lâm) chuyển công tác ra khỏi huyện, bỏ việc nhiều nên Phòng phải tham mưu cho huyện biệt phái, hợp đồng giáo viên để thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị này.
Cụ thể, năm học 2021-2022, Phòng thực hiện biệt phái nhiệm vụ 34 người và hợp đồng 7 giáo viên; năm học 2022-2023: biệt phái thực hiện nhiệm vụ 13 người và hợp đồng 40 giáo viên.
Đến năm học 2023-2024, dự kiến biệt phái thực hiện nhiệm vụ 21 người”.
Đánh giá về việc cử giáo viên đi biệt phái, ông Chùy cho biết:
“Việc biệt phái giáo viên giúp các cơ sở giáo dục được biệt phái đến tạm thời có đủ số lượng giáo viên tối thiểu để duy trì các hoạt động giáo dục trong năm học, vận động, duy trì được số trẻ trong độ tuổi đến trường đảm bảo kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, việc biệt phái giáo viên cũng có những khó khăn nhất định. Trong đó, khoảng cách địa lý giữa các trường xa nhau, giao thông đi lại không thuận lợi nhất là mùa mưa lũ (phải đi bộ đến trường, các điểm trường lẻ); giáo viên đi biệt phái không đi về trong ngày, không có điều kiện chăm sóc gia đình, con nhỏ.
Bước vào năm học mới, Mường Nhé lại phải lo bài toán thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: LC |
Tại đơn vị biệt phái đến thiếu nhà công vụ, các điểm trường xa nhau, giao thông không thuận lợi nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc.
Giáo viên phải căng mình thực hiện nhiệm vụ, có giáo viên phải giảng dạy gấp 2 lần định mức quy định nhưng không được thanh toán tiền tăng giờ (hoặc nếu có thì số tiền rất ít ỏi) nên giáo viên rất áp lực”.
“Việc đưa giáo viên đi biệt phái đối với Mường Nhé hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn, các trường đều không muốn cho giáo viên đi biệt phái vì bản thân đơn vị đang thiếu giáo viên (tính đến thời điểm hiện tại thiếu 266 giáo viên, gồm: 133 giáo viên mầm non, 92 giáo viên tiểu học, 41 giáo viên trung học cơ sở)”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết thêm.
Để việc hạn chế việc phải biệt phái giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé kiến nghị:
“Ngành Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé rất mong Ủy ban nhân dân huyện sớm tuyển đủ số lượng giáo viên đã được giao năm 2023 (121 biên chế) cho các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024;
Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh giao đủ số lượng biên chế theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện cấp ngân sách để chi trả chế độ tăng giờ, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ, giáo viên”.