Thu nhập của giảng viên Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cao nhất 22 triệu đồng/tháng

21/08/2023 06:38
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo công khai tài chính năm học 2022-2023, mức thu nhập hàng tháng của giáo viên cao nhất là 22 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 8 triệu đồng/tháng.

Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường nêu rõ, sứ mệnh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có trụ sở tại số 59, ngõ 230, đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có trụ sở tại số 59, ngõ 230, đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Quy mô đào tạo hàng năm dao động khoảng trên dưới 1400 sinh viên chính quy

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở giáo dục chỉ đào tạo 1 ngành duy nhất là ngành Luật với 2 chuyên ngành luật kiểm sát và luật thương mại. Thí sinh phải qua sơ tuyển (về học lực, sức khỏe, tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi) thì mới được đăng ký xét tuyển vào Trường.

Theo kết quả thống kê từ báo cáo ba công khai của đơn vị, nhìn chung quy mô đào tạo hàng năm của trường dao động trong khoảng trên dưới 1400 sinh viên chính quy. Thống kê năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường là 1.311 sinh viên, số lượng học viên cao học là 101 người.

Mỗi năm, trường tuyển sinh dao động từ 300-400 chỉ tiêu sinh viên chính quy. Cụ thể, năm 2019 và 2020, trường tuyển sinh 300 chỉ tiêu sinh viên ngành luật, chuyên ngành luật kiểm sát.

Từ năm 2021, trường đào tạo thêm chuyên ngành luật thương mại, nâng tổng chỉ tiêu hàng năm lên hơn 300 sinh viên: năm 2021, chỉ tiêu 300 sinh viên ngành luật - chuyên ngành luật kiểm sát, 65 chỉ tiêu sinh viên ngành luật - chuyên ngành luật thương mại.

Năm 2022, chỉ tiêu về cơ bản giữ nguyên, riêng chuyên ngành luật thương mại giảm 5 chỉ tiêu, còn 60 sinh viên. Năm 2023, số lượng chỉ tiêu tăng cả 2 chuyên ngành, lần lượt là 350 và 100 chỉ tiêu cho chuyên ngành luật kiểm sát và luật thương mại.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khoảng 85% (Thống kê khóa sinh viên năm 2017, tốt nghiệp năm 2021).

Trong đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được tính theo công thức: ((Số lượng sinh viên có tốt nghiệp việc làm + số lượng sinh viên có tốt nghiệp đang học nâng cao)/tổng số sinh viên tốt nghiệp được khảo sát)*100.

Thu nhập của giảng viên cao nhất 22 triệu đồng/tháng

Trình độ giảng viên 2022-2023 2021-2022 2020-2021 2019-2020
Giáo sư 0 0 0 0
Phó giáo sư 3 2 2 1
Tiến sĩ 24 23 19 15
Thạc sĩ 53 56 63 70
Đại học 2 2 2 2
Tổng 82 83 86 88

Số lượng giảng viên của trường trong những năm qua không có sự biến động quá lớn. Theo đề án tuyển sinh năm 2023, hiện toàn trường có 82 giảng viên, trong đó có 3 giảng viên trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ là 24 giảng viên, 53 giảng viên trình độ Thạc sĩ, 2 cử nhân đại học. Không có giảng viên trình độ Giáo sư.

Theo công khai tài chính năm học 2022-2023, mức thu nhập hàng tháng của giáo viên cao nhất là 22 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 8 triệu đồng/tháng, mức bình quân chung là 11 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập hàng tháng của cán bộ quản lý cao nhất là 32 triệu đồng/tháng, thấp nhất 13 triệu đồng/tháng, bình quân chung 16 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập này ghi nhận có sự tăng khá mạnh so với năm học 2021-2022. Theo đó, năm 2021-2022, mức thu nhập hàng tháng của giáo viên cao nhất chỉ đạt 12,78 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 4,44 triệu đồng/tháng, mức bình quân chung là 7,11 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập hàng tháng của cán bộ quản lý cao nhất là 14,45 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3,12 triệu đồng/tháng - thấp hơn thu nhập của giảng viên, bình quân chung 5,66 triệu đồng/tháng.

Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0 đồng

Tổng nguồn thu hợp pháp của trường năm 2022 theo đề án tuyển sinh công khai là khoảng 43,19 tỷ đồng (chính xác là 43.185.704.206 đồng), trong đó ngân sách Nhà nước là 15,87 tỷ đồng, thu từ học phí là 18,53 tỷ đồng, thu từ sự nghiệp khác là 8,79 tỷ đồng.

Được biết, các nguồn thu chính của một trường đại học bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nguồn thu hợp pháp khác.

Thống kê nguồn thu của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2018-2022), tổng nguồn thu của Trường dao động khoảng từ 39 tỷ đồng - 43,2 tỷ đồng. Trong đó, không có nguồn thu nào hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Thống kê nguồn thu hàng năm của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (đơn vị: tỷ đồng):

Năm 2022 2021 2020 2019 2018
Ngân sách nhà nước 15,87 17,25 16,567 18,062 19,5
Học phí 19,78 18,2 16,654 14,855 14,459
Nguồn thu hợp pháp khác 7,54 7,62 10,273 12,101 5,039
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 0 0 0 0 0
Tổng thu 43,19 43,7 43,494 45,018 38,988

Năm 2018, ngân sách nhà nước chiếm 50% tổng thu của nhà trường (khoảng 19,5 tỷ đồng/tổng thu gần 39 tỷ đồng năm 2018) và con số này giảm dần qua các năm. Đến năm 2022, nguồn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 36,76% tổng nguồn thu của trường - giảm khoảng 13% qua 5 năm, như vậy trung bình mỗi năm, ngân sách nhà nước giảm khoảng 2,6%. Trong khi đó, nguồn thu từ học phí, năm 2018 chiếm 37,08% tổng nguồn thu, đến năm 2022, con số này tăng lên 45,8%.

Nhìn từ những con số thống kê, nguồn ngân sách từ Nhà nước có dấu hiệu bị cắt giảm qua từng năm, và khoản bù lại nguồn ngân sách bị cắt giảm chủ yếu dựa vào nguồn thu từ học phí (minh chứng là nguồn thu từ học phí hầu hết tăng đều qua các năm).

Trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động hợp pháp khác của trường chiếm tỷ lệ khá nhỏ và không ổn định qua các năm. Năm 2018, nguồn thu từ hoạt động này chỉ chiếm hơn 10% tổng nguồn thu, đến năm 2019, 2020, nguồn thu từ hoạt động này lại chiếm tới hơn 20% tổng nguồn thu. Hai năm gần đây, năm 2021, 2022, con số này lại giảm xuống chỉ còn trên 17%.

Tuy nhiên, ghi nhận mức thu học phí hàng năm của trường không quá cao. Năm 2020, trung bình học phí mỗi năm sinh viên phải đóng là 9,73 triệu đồng. Năm 2020, 2021, học phí giữ nguyên 9,8 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí cho đào tạo Thạc sĩ cũng giữ nguyên mức 14,7 triệu đồng/năm/học viên trong vòng 3 năm qua (từ năm 2020-2022).

Bắc Sơn