Làm sao để SV Nông - Lâm nghiệp có cơ hội “chọn việc” thay vì phải “xin việc”?

24/07/2023 06:39
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhưng chưa được nhiều người biết tới như: ngành Lâm nghiệp, Môi trường, Nông học, Thủy sản, Quản lý đất đai.

Để tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp, một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đào tạo ngành học này đang nỗ lực đổi mới từ chương trình đào tạo đến chính sách học bổng, liên kết doanh nghiệp, tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về thực trạng công tác tuyển sinh của nhà trường trong thời gian qua.

Cụ thể, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đúng chất lượng, nghiêm túc và tuyển được những thí sinh phù hợp với từng ngành/chuyên ngành. Tuy nhiên, sự phân bổ giữa số lượng sinh viên trúng tuyển giữa các ngành/chuyên ngành chưa đồng đều. Một số ngành có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển cao nhưng cũng có ngành còn hạn chế trong việc thu hút sinh viên.

Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

“Nhìn chung, công tác tuyển sinh của trường đáp ứng được chỉ tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng và đúng quy định. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm trúng tuyển với tất cả các phương thức ở mức khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Đặc biệt, một số ngành học hot như Thú y có điểm xét tuyển học bạ là 27.5 điểm/3 môn”, thầy Lý chia sẻ.

Cũng theo thầy Lý, hiện trường đào tạo 36 ngành trình độ đại học, 16 ngành trình độ thạc sĩ và 12 ngành trình độ tiến sĩ. Trong đó, nhu cầu xã hội về các ngành như Chăn nuôi - Thú y, nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, kinh tế,… rất lớn. Tuy nhiên, một số ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhưng chưa được nhiều người biết tới như: ngành Lâm nghiệp, Môi trường, Nông học, Thủy sản, Quản lý đất đai.

Về việc một số ngành chưa thực sự thu hút người học, thầy Lý cho rằng, do một bộ phận học sinh, phụ huynh chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nhóm ngành Nông – Lâm nghiệp, Thuỷ sản nói riêng, ngành Khoa học sự sống nói chung. Hiện nay, thí sinh có xu hướng tập trung lựa chọn các ngành học thời thượng về lĩnh vực khoa học công nghệ, trong khi không cần quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng, sự phù hợp và mức thu nhập sau khi ra trường.

Công tác tư vấn hướng nghiệp đã được chú trọng nhưng chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh. Một số chuyên gia tư vấn hướng nghiệp được trưng dụng từ nhiều lĩnh vực khác nhau nên chưa hiểu hết về các ngành, nghề đào tạo, không đưa ra được dự báo, lời khuyên, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Chưa kể, mạng xã hội phát triển, một số video giới thiệu ngành nghề, hướng nghiệp được xây dựng một cách sơ sài, không có số liệu cụ thể đã làm thí sinh, phụ huynh hiểu sai về tình hình việc làm của các ngành thuộc nhóm Nông – Lâm nghiệp, Thuỷ sản.

Nhằm thu hút sinh viên, theo thầy Lý, nhà trường đã xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn về nông nghiệp để hỗ trợ công tác đào tạo, thực tập và tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có học bổng cho sinh viên ngành Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Công nghệ thực phẩm, Nông học, Chăn nuôi - Thú y. Ngoài ra, có doanh nghiệp cam kết tuyển dụng và trả lương cao đối với sinh viên ngành Chăn nuôi - Thú y của trường sau khi tốt nghiệp.

Song song với đó, nhà trường chủ động cập nhật, thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA (bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá toàn diện chương trình đào tạo trên nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của toàn bộ chương trình đào tạo) nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn đầu ra sao cho sinh viên tốt nghiệp có cơ hội “chọn việc” thay vì phải “xin việc”.

Bên cạnh đó, trường tạo điều kiện để sinh viên được tham gia thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án để vừa nâng cao trình độ, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, trường đào tạo 13 ngành trình độ cao đẳng, 12 ngành trình độ trung cấp, 26 ngành trình độ sơ cấp và 38 chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

“Năm 2022, trường tuyển được 899 học sinh, sinh viên, tăng 18,6% so với năm 2021. Đây là kết quả khả quan và tích cực, nhưng nhìn chung số lượng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của nhà trường”, thầy Huyền chia sẻ.

Để khắc phục những khó khăn trong việc tuyển sinh, thầy Huyền cho biết, về lâu dài, nhà trường đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2023, tầm nhìn năm 2045”. Đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề, cơ sở để phát triển trường ở tất cả các mặt hoạt động, trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó giải quyết bài toán tuyển sinh.

Về trước mắt, thầy Huyền cho biết trong năm 2023, trường đã và đang triển khai một số giải pháp như thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, mở mới một số ngành nghề đào tạo. Thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Phát triển đội ngũ giảng viên gắn với phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề. Đầu tư trang thiết bị dạy học, rèn nghề, sửa chữa ký túc xá, nhà ăn cho sinh viên.

Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện đổi mới, đa dạng hóa phương pháp tuyển sinh. Trong đó, trực tiếp đến các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC).

“Với những giải pháp trên, tôi kỳ vọng kết quả tuyển sinh năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022. Cụ thể, đối với tuyển sinh chính quy, nhà trường đặt mục tiêu tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 15-20%. Riêng đào tạo ngắn hạn, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng tăng từ 2-3 lần so với năm 2022”, thầy Huyền mong muốn.

Cùng với công tác tuyển sinh, liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo, thầy Huyền chia sẻ, trường đang xây dựng Đề án vị trí việc làm để Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi phê duyệt, trường sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng lao động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ đó mới cân đối với nhu cầu và thực trạng giảng viên hiện có, nếu thiếu mới đề xuất tuyển dụng.

“Hiện tại, đối với một số học phần, ngành đào tạo đang thiếu giảng viên, nhà trường thực hiện giải pháp hợp đồng thỉnh giảng.

Song để công tác tuyển sinh, tuyển dụng giảng viên thuận lợi, nhà trường mong muốn sớm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nhà trường và Đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đó làm căn cứ cho sự phát triển lâu dài nhà trường”, thầy Huyền chia sẻ thêm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá thành lập năm 2021 trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá và Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hoá. Sau hơn 2 năm chính thức hoạt động kể từ khi sáp nhập đến nay bên cạnh việc nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ, cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngọc Mai