Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều bề bộn, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên cục bộ kể cả miền xuôi lẫn miền ngược, đồng bằng lẫn thành phố. Đặc biệt, các tỉnh miền núi thiếu giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học trầm trọng.
Trong bối cảnh của ngành giáo dục như thế, “dự án đưa tiếng Anh lên Mèo Vạc” của trường Marie Curie (Hà Nội) đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và đem lại suy nghĩ tích cực.
Giáo viên Hà Nội dạy trực tuyến phủ sóng các điểm trường vùng cao Mèo Vạc
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng, đây là một tình huống sư phạm đặc biệt trong 50 năm công tác trong ngành giáo dục của mình cũng như với ngôi trường Marie Curie 30 năm tuổi.
Trong ảnh là thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) tiễn đoàn công tác của nhà trường lên đường tới Mèo Vạc hồi tháng 5/2023 |
Cụ thể, ngày 14-15/8/2022, đoàn cán bộ giáo viên và học sinh của Trường Marie Curie từ Hà Nội vượt gần 500 cây số lên Hà Giang để trao tặng hơn 17.000 cuốn sách, truyện do học sinh quyên góp tới 7 trường học ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và giao lưu với thầy trò nơi địa đầu Tổ quốc.
Thời điểm đó chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023 khi tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 mà huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 ở 18 trường tiểu học nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Ở Mèo Vạc dù đã tăng mức lương hợp đồng với giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn không tuyển được.
Trong lúc đang loay hoay, bối rối tìm phương án giải quyết thì ngày 15/8, ông Bùi Văn Thư – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc ngỏ lời đặt vấn đề thông qua một cán bộ của trường gửi tới thầy Khang để nhờ trường Marie Curie hỗ trợ dạy tiếng Anh lớp 3 bằng hình thức trực tuyến cho huyện trong 1 năm.
Khi đoàn về tới Hà Nội, cán bộ đó truyền tải lại lời của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc với thầy Khang.
Quá bất ngờ với đề nghị trên, Hiệu trưởng trường Marie Curie chưa trả lời ngay và nói cần thời gian suy nghĩ.
Cả đêm hôm đó, thầy Khang không thể chợp mắt vì vừa muốn làm nhưng lại rất lo. Nếu thực hiện, chắc hẳn sẽ rất khó khăn vì đây là chương trình học chính khóa lớp 3 của cả một huyện chứ không phải chương trình ngoại khóa bổ trợ.
Sau một đêm suy nghĩ, trưa ngày 16/8, thầy Khang gọi điện cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc để xác nhận nhận lời giúp ngành giáo dục huyện Mèo Vạc thông qua tổ chức dự án giảng dạy môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trên toàn huyện.
Tuy nhiên, do chỉ còn 2 tuần nữa là bước vào năm học mới 2022-2023 nên sau cuộc gọi của thầy Khang thì hàng loạt việc giữa trường Marie Curie với huyện Mèo Vạc phải gấp rút thực hiện.
Cụ thể, Trường Marie Curie thống nhất dạy trực tuyến 3 tiết/tuần. 1 tiết còn lại sẽ do huyện tự thu xếp. Được biết, huyện Mèo Vạc đã điều động giáo viên tiếng Anh cấp 2 xuống tăng cường, chủ yếu làm công tác kiểm tra định kỳ.
Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie có 25 giáo viên, trong đó có 22 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 điều phối viên. |
Công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, từ phòng học, thiết bị máy móc (mic, TV, máy tính, loa, đường truyền Internet)… Các khâu khác cũng được tiến hành khẩn trương trong 2 tuần như: tuyển giáo viên, tập huấn, liên hệ các trường lập thời khóa biểu, chuyển sách giáo khoa, kiểm tra đường truyền…
Vậy là 22 giáo viên trẻ, người đã đi làm, người còn là sinh viên năm cuối ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm tiếng Anh được tuyển vào dự án. Để thực hiện được công việc không dễ dàng, không chỉ "giữ người" bằng mức lương thỏa thuận mà còn bằng sự lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy nhiệt huyết của các thầy, cô giáo trẻ. Nói như thầy Nguyễn Xuân Khang là "cần một trái tim ấm nóng".
Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie có 25 giáo viên, trong đó có 22 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 điều phối viên.
Ngày 9/9/2022, nhóm thực hiện dự án tổ chức dạy thử, kiểm tra thiết bị điểm đầu (Hà Nội), điểm cuối (các trường tiểu học tại Mèo Vạc), đường truyền. Có một số trục trặc nhỏ về mic, kết nối máy tính với màn hình nhanh chóng được khắc phục.
Ngày 12/9/2022, dự án triển khai đại trà cho tất cả 76 lớp 3 tại 18 trường tiểu học của huyện Mèo Vạc.
Đến ngày 16/9/2022, đoàn của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đi công tác Mèo Vạc, Hà Giang và vào dự tiết học tiếng Anh của dự án xem thực hư thế nào “đến cuối giờ chiều ngày cùng ngày Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nhắn tin cho tôi và nhận xét: “Các tiết học vô cùng thú vị và hiệu quả".
“Tôi không coi đó là lời động viên khích lệ thông thường mà hai từ "thú vị" và "hiệu quả" trong tin nhắn của Vụ trưởng là tiêu chí để thầy cô trong dự án kiên trì trong suốt 1 năm học làm sao học sinh luôn thấy thú vị và việc dạy thực sự có hiệu quả"- nhà giáo Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.
Với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie đã hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 3 các trường Mèo Vạc năm 2022-2023 với tổng số tiết là 7.980 tiết/năm học.
Kết thúc năm học 2022-2023, dự án được đánh giá thành công đặc biệt khi 2.609 học sinh lớp 3 Mèo Vạc hoàn thành môn học theo yêu cầu đề ra, chất lượng này được xác nhận từ cơ quan chuyên môn từ trường, Phòng, Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, trong đó có 4 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang và được thưởng.
Sự thú vị và hiệu quả của dự án còn thể hiện ở chỗ, không chỉ khiến học sinh hào hứng mà còn thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng các nhà trường huyện Mèo Vạc cùng ngồi học tiếng Anh với học trò.
Điều này cho thấy từ một việc hết sức khó khăn nhưng đã được nghiêm túc thực hiện và có kết quả thành công rõ ràng. Chính những điều đó tạo nên niềm vui, động lực, theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: “Hiệu quả của chương trình và sự tín nhiệm của lãnh đạo, thầy trò huyện Mèo Vạc, dự án tiếp tục thực hiện thêm một năm nữa với lứa học sinh này ở lớp 4 trong năm học 2023-2024. Và trong thâm tâm tôi đặt mục tiêu sẽ thực hiện cả lớp 5 cho trọn vẹn một cấp học đối với lứa học sinh này”.
“Lửa cháy” trong trái tim nhiều thầy, cô giáo
Nếu năm 2022 khi bắt đầu dự án rất căng thẳng vì chỉ có 2 tuần chuẩn bị để bước vào năm học mới thì năm học 2023-2024 cả thầy và trò đều ở trạng thái cực kỳ phấn khởi, vui mừng vì năm học qua đã thành công và được xã hội ghi nhận.
Thầy Khang nói: “Nếu năm ngoái tôi nói với toàn bộ thầy cô tham gia dự án rằng tôi có quyết tâm và muốn truyền “ngọn lửa” cho tất cả mọi người thì năm nay ai cũng đã sẵn sàng “ngọn lửa” rồi.
Việc càng khó thì quyết tâm càng lớn và khi đã thành công thì ắt sẽ trở thành động lực vô cùng lớn nên thầy cô nào cũng khí thế ngút ngàn để bắt đầu năm học mới từ ngày 28/8/2023 vừa qua.
Sau 1 năm, giờ đây cô – trò đã vào nề nếp rồi, thiết bị, đường truyền cũng ổn hơn nên nhiều giáo viên nhận nhiều giờ dạy hơn”.
Cụ thể, nếu năm ngoái nhiều giáo viên chỉ dạy part-time tức là ½ ngày thì giờ đây giáo viên chuyên trách hơn, dạy chính khóa 2 buổi/ngày nên một giáo viên có thể dạy ít nhất 18 tiết/tuần còn người dạy nhiều nhất sẽ đảm đương 24 tiết/tuần. Vì lẽ đó nên năm học 2023-2024, dự án chỉ cần tới 12 giáo viên và 3 điều phối viên (tổng 15 thầy cô).
Thêm một điều thầy Khang muốn chia sẻ là các cô tham gia dự án đa số có tuổi đời còn rất trẻ. Các cô đến với học trò bằng nụ cười trong sáng, tấm lòng thương yêu, sự nhiệt huyết của người thầy. Trong các giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến, có một cô giáo tên Nguyên đang học tiến sĩ tại Úc. Năm ngoái, cô Nguyên nằng nặc mong được tham gia dự án để vừa dạy vừa nghiên cứu về chủ đề này dù khoảng cách ở 2 bán cầu.
Năm nay, cô Nguyên tiếp tục đồng hành cùng dự án và đặt mục tiêu sẽ bay về Việt Nam trước Tết để có dịp được lên Mèo Vạc thăm các em học sinh nơi địa đầu Tổ quốc.
Dự án hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho các đơn vị trường học ở Mèo Vạc của Trường Marie Curie là một việc làm rất hay và vô cùng ý nghĩa, nhân văn, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục Mèo Vạc nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung tuy nhiên đây là việc không hề dễ dàng.
Bởi lẽ điều ai cũng hiểu là, muốn làm được thì không chỉ cần tới một tấm lòng bao la mà cần phải có nhân lực và vật lực. Trong bối cảnh ngành giáo dục đang vô vàn thiếu thốn như hiện nay, dự án hỗ trợ dạy học tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc của trường Marie Curie đã, đang san sẻ một phần gánh nặng giúp địa phương giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên và thúc đẩy chuyển đổi số đối với giáo dục nơi đây.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của dự án, nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho trường Marie Curie và thầy Nguyễn Xuân Khang vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023.
Tại lễ khai giảng của trường Marie Curie (Hà Nội), lãnh đạo và đại diện Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ giáo dục Tiểu học và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tập thể trường Marie Curie và cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023 |
Gen Z phải tích cực học tập và áp dụng công nghệ mới
Tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 diễn ra sáng ngày 5/9, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang mở đầu bài diễn văn thông qua dẫn lại quá khứ thông qua các cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi thế giới.
Theo đó, thầy Khang nêu: Thế kỷ 18, phát minh ra máy hơi nước tạo nên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
Thế kỷ 19, phát minh ra động cơ đốt trong là tiền đề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai.
Thế kỷ 20, phát minh ra chất bán dẫn, bóng bán dẫn và con chip, tạo nên máy điện toán và Internet, cuộc cách mạng số - công nghệ thông tin ra đời. Đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Đầu thế kỷ 21 này, dựa trên nền tảng công nghệ số, bao gồm các hệ thống mạng vật lý, Internet kết nối vạn vật, Internet của các dịch vụ, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo… nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghiệp mới, không giống như bất kỳ điều gì mà loài người từng trải qua, có thể thay đổi hoàn toàn cách sống của chúng ta. Đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay ngắn gọn là công nghiệp 4.0.
Người trẻ, Gen Z hay thế hệ Z, được sinh ra từ năm 1995 đến 2012, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Lịch sử đã đặt lên vai các bạn công nghiệp 4.0!
Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi người trẻ phải tích cực học tập và áp dụng công nghệ mới.
Năm học mới bắt đầu, người trẻ Marie Curie đã biết mình ở đâu, biết phải làm gì và làm như thế nào.
Thông điệp thầy muốn gửi đến toàn thể học sinh là: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”.
“Bao giờ cũng vậy, cả học trò, phụ huynh, thầy cô giáo ở các trường đều háo hức chờ đón một năm học mới trong đó có cả thuận lợi, cả khó khăn nhưng rồi mọi người vào cuộc, làm tới đi, khó khăn sẽ có cách khắc phục, thuận lợi sẽ có cách phát huy.
Năm học 2023-2024 là năm thứ 11 thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và đối với giáo dục phổ thông được cụ thể hóa ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi tin rằng không có gì mới toanh mà triển khai trơn tru 100%, đó là quy luật. Do đó, còn 2 năm nữa là xong 1 quy trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, lúc bấy giờ chúng ta bình tĩnh ngồi lại đánh giá xem cái gì được thì tiếp tục phát huy, cái gì chưa được thì cùng nhau khắc phục để hoàn thiện. Một chương trình mang tính quốc gia bao nhiêu công việc do đó đạt được 80-90% là quý lắm rồi, còn 10-20% chưa được thì bình tĩnh cùng nhau chỉnh sửa”, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) nhắn nhủ.