Để học ngành Năng lượng tái tạo, sinh viên cần hành trang những gì?

23/09/2023 06:39
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với ngành Năng lượng tái tạo, các trường đại học định hướng đào tạo sinh viên kiến thức cơ bản, năng lực kỹ thuật tốt và cơ hội thực tập ngay tại doanh nghiệp.

Nhận thấy được tiềm năng của ngành Năng lượng tái tạo với cuộc sống, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và chủ trương của Nhà nước trong xu thế phát triển năng lượng sạch, nhiều trường đại học đã đào tạo ngành Năng lượng tái tạo.

Cập nhật đổi mới để phù hợp với doanh nghiệp, xã hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Viên – Trưởng bộ môn Năng lượng tái tạo – Khoa Cơ khí Động lực - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trường có truyền thống lâu đời về đào tạo kỹ sư công nghệ, đây là ưu thế của sinh viên khi theo học ngành Năng lượng tái tạo.

Bắt đầu đào tạo ngành này từ năm 2018, nhà trường định hướng tập trung đào tạo, phát triển cho sinh viên dựa theo hướng kỹ sư phát triển chuyên môn về điện mặt trời, điện gió, kiểm toán và tiết kiệm năng lượng, kinh tế và quản lý năng lượng; mở rộng định hướng đào tạo về tích trữ năng lượng (năng lượng Hydro) trong thời gian tới.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực hành tại xưởng. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực hành tại xưởng. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào việc đào tạo kỹ thuật công nghệ nên máy móc trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư tốt giúp sinh viên có thể kết hợp vừa học lý thuyết vừa học thực hành.

Về công tác tuyển sinh của ngành, thầy Viên chia sẻ: “Sinh viên ngành Năng lượng tái tạo có điểm đầu vào khá cao, không chỉ có sinh viên là nam giới học ngành này mà hiện nay, nhiều phụ huynh cũng rất mong muốn con em mình là nữ giới học ngành Năng lượng tái tạo”.

Năm 2022, ngành Năng lượng tái tạo của trường tuyển sinh hệ đại học chính quy là 60 chỉ tiêu, trong đó có 10 sinh viên nữ. Đến năm 2023, ngành tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy lên 100 người, số sinh viên nữ trúng tuyển nhập học là 21 em.

Thực tế, sinh viên có điểm đầu vào khá cao, chất lượng học tập tốt, vì vậy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trước hạn chiếm khoảng 20-30% tổng sinh viên.

Cũng là cơ sở đào tạo ngành Năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên – Giám đốc Chương trình đào tạo Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, ngành Năng lượng tái tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội đào tạo bằng tiếng Anh, kiến thức chuyên sâu định hướng nghiên cứu nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường doanh nghiệp trong và ngoài nước làm việc tại Việt Nam hoặc trên thế giới.

Hiện nay, chương trình đào tạo hệ thống điện định hướng năng lượng tái tạo đang được các trường trên thế giới tích cực cập nhật, dựa trên các chương trình đào tạo về năng lượng, điện. Với mục đích tạo ra đội ngũ nhân lực mới, nắm được các vấn đề phát sinh mới của vận hành hệ thống điện với tỉ trọng ngày càng cao của các nguồn năng lượng phi truyền thống, có độ bất định cao.

Đại học Bách Khoa Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành Năng lượng tái tạo năm 2020, đến nay là năm thứ 3. Khóa đầu tiên, ngành tuyển đạt gần 100% chỉ tiêu, khóa tiếp theo tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu và đến năm 2023, ngành tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu với chất lượng đầu vào rất tốt.

Lý giải về sự chênh lệch số sinh viên trúng tuyển của ngành qua các năm, thầy Tuyên cho biết, do tình hình tuyển sinh của Đại học Bách Khoa Hà Nội nói chung và ngành Năng lượng tái tạo trong xã hội có dấu hiệu chững lại.

Sinh viên Đại học Bách khoa tham dự sự kiện nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng tại UNDP 2023. Ảnh: NTCC

Sinh viên Đại học Bách khoa tham dự sự kiện nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng tại UNDP 2023. Ảnh: NTCC

“Tuy nhiên, sau những sự kiện xã hội về điện năng thiếu hụt và các cam kết của Chính phủ về năng lượng xanh, chuyển đổi xanh và xu hướng quốc tế thì nhìn nhận của xã hội về ngành Năng lượng tái tạo đã có sự chuyển biến rõ nét hơn và tác động tích cực đến công tác tuyển sinh.

Hiện nay, công tác tuyển sinh của trường nói chung và ngành Năng lượng tái tạo nói riêng đều rất chuyên nghiệp và có chiều sâu. Về phía chương trình tiên tiến, chúng tôi đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên đang theo học và luôn tin tưởng vào tình hình tuyển sinh và cơ hội việc làm cho các em sắp ra trường sẽ ngày một tốt hơn”, thầy Tuyên nói.

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao khi Việt Nam cùng với các nước trên thế giới tiến tới sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo, bên cạnh đào tạo bổ sung kiến thức cho nguồn nhân lực giảng dạy trước đó, trường cũng chuẩn bị nguồn nhân lực giảng dạy mới, soạn giáo trình mới, bổ sung các môn học mới, cải thiện trình độ tiếng Anh cho các giảng viên.

“Học liệu mới hiện nay được cập nhật rất nhiều, tuy nhiên để tìm hiểu và lồng ghép vào chương trình đào tạo một cách phù hợp cần khá nhiều thời gian và công sức. Nhìn chung, chúng tôi đang làm tốt vì các thầy cô trong nhóm giảng dạy đều có thời gian dài nghiên cứu ở nước ngoài về ngành Năng lượng tái tạo”, thầy Tuyên thông tin thêm.

Về phía người học, ngoài nắm chắc kiến thức chuyên môn, năng lực kỹ thuật tốt, sinh viên theo học ngành này cần trang bị kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc trong môi trường đa lĩnh vực và những chuẩn về năng lực công dân toàn cầu. Đó là khả năng sử dụng tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết) tốt để tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng giúp phát triển chuyên môn.

Đặc biệt, người học nên chuẩn bị một sức khỏe tốt để có thể di chuyển công việc ở nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, nơi các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng và lưới điện hệ thống bao phủ.

Nói về việc đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với giá trị thực tiễn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Viên cho biết: “Mỗi năm, Ngành Năng lượng tái tạo tại Trường Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ 1-2 buổi hội thảo để lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, các doanh nghiệp những điều mà sinh viên mình đang thiếu, cần được đẩy mạnh đào tạo ở những điểm nào.

Từ đó, Khoa cùng bộ môn có những định hướng tốt nhất để thay đổi, cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay”.

Cơ hội thực hành được đặt ưu tiên hàng đầu

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên cho biết, điểm nhấn trong ngành Năng lượng tái tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội là tập trung vào thực hành trong nhận thức và thực hành trong thực tế.

“Chúng tôi cho các em trải nghiệm nhiều bài giảng từ nước ngoài, các buổi hội thảo chuyên ngành, chính sách, tham gia hội thảo khoa học, hướng các em tới khóa trao đổi sinh viên quốc tế và đưa sinh viên đi thực tế tại các nhà máy năng lượng tái tạo trong nước”, thầy Tuyên nói.

Bên cạnh đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có các bài thí nghiệm về năng lượng tái tạo trực quan, hệ thống thí nghiệm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc trực tiếp. Từ đó, hình thành các ý tưởng của riêng mình về ngành nghề chuyên môn.

Đặc biệt, sinh viên ngành Năng lượng tái tạo được định hướng làm các đề tài nghiên cứu khoa học từ rất sớm nhằm giúp người học hoàn thành kỹ năng tổng thể, phục vụ trước mắt cho đồ án tốt nghiệp tiếp theo là công việc sau khi ra trường.

Khóa K66 là lứa đầu tiên sinh viên đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2024, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã sẵn sàng chào đón sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành Năng lượng tái tạo về làm việc.

Tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Xuân Viên chia sẻ: “Trong chương trình đào tạo, số tiết thực hành chiếm từ 10% đến 15% tổng số tiết của toàn khóa, trong đó, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp có thời gian tối thiểu là 2 tháng.

Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi kết thúc thực tập, phía doanh nghiệp đặt vấn đề mong muốn sinh viên có thể ở lại làm việc lâu dài với mức lương kỹ sư”.

Thời gian thực hành tại trường, sinh viên có cơ hội xuống xưởng để thực tập với mô hình và các thiết bị liên quan đến ngành như mô hình thiết bị điện mặt trời, điện gió, đo lường năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thực tập lắp đặt các hệ thống điện mặt trời,… Nhằm đảm bảo kỹ năng thực hành của sinh viên học ngành Năng lượng tái tạo.

Ngành Năng lượng tái tạo của trường mở rộng kết nối, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Vì vậy, người học có cơ hội trở thành thực tập sinh, có môi trường thực tập thực tế hay cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những điều giúp sinh viên hình thành ý tưởng thực hiện đồ án tốt nghiệp.

Theo thầy Viên, thu nhập của sinh viên ngành Năng lượng tái tạo của trường dưới 1 năm kinh nghiệm thường dao động ở một số mức lương như sau: từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (chiếm 45%), từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (chiếm 50%) và từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng (chiếm 5%).

Để sinh viên có cơ hội học hỏi từ mô hình ngay từ phòng nghiên cứu, thầy Viên bày tỏ mong muốn phía Nhà nước, Bộ chủ quản cùng nhà trường đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại hơn để tiếp cận với công nghệ năng lượng tái tạo hiện nay.

Đồng thời, có thêm chính sách gửi giảng viên, cán bộ giảng dạy ngành Năng lượng tái tạo sang các nước tiên tiến để tham gia khóa học ngắn hạn nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm.

Còn về phía Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy Tuyên chia sẻ: “Xu thế chung hiện nay là đào tạo gắn với doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, chương trình tiên tiến rất mong được các Bộ tạo điều kiện tham gia các hoạt động khoa học chuyên sâu. Giảng viên trong trường có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao năng lực, qua đó, giúp sinh viên cùng làm nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, các công ty cần tham gia các hoạt động chung của nhà trường để thấy được vai trò chung sức trong đào tạo nhân lực là việc làm tốt cho chính công ty và xã hội. Việc gắn bó mật thiết giữa công ty, nhà trường và xã hội sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành Năng lượng tái tạo”.

Thảo Ly