Ngành Kiến trúc khó mời chuyên gia uy tín, có danh tiếng tham gia vào giảng dạy

15/09/2023 09:11
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam cùng nhu cầu về cái đẹp ngày càng nâng cao khiến sức hút ngành Xây dựng, Kiến trúc càng thêm nóng.

Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng là hai cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc uy tín tại khu vực miền Trung.

Sinh viên học ngành Kiến trúc có lo thất nghiệp?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Minh, Phó Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế cho biết, chỉ tiêu hàng năm của khoa Kiến trúc khoảng 100 sinh viên.

Thầy Minh nhận định, Kiến trúc là một ngành đặc biệt với cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Sinh viên học ngành Kiến trúc, ngoài trở thành một Kiến trúc sư, người học sẽ có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm đa dạng các ngành nghề khác nhau trên cơ sở kiến thức nền được trang bị trên giảng đường.

Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trong giờ thực hành tại xưởng thiết kế. Ảnh: NVCC

Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trong giờ thực hành tại xưởng thiết kế. Ảnh: NVCC

“Ngày nay, đào tạo Kiến trúc gắn với ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin để thực hành nghề, do vậy tỷ lệ thất nghiệp hay không có việc làm hầu như không có. Sinh viên ra trường có thể làm nhiều vị trí khác nhau như kiến trúc sư, thiết kế nội thất, quy hoạch, thiết kế cảnh quan, các lĩnh vực về công nghệ số như đa phương tiện, kỹ thuật cơ sở hạ tầng, thiết kế đồ họa,...”, thầy Minh nói.

Vị Phó Trưởng khoa cho biết, sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế có khoảng 80% các em tốt nghiệp ra làm đúng ngành nghề, 10% sinh viên làm các ngành gần và khoảng 10% còn lại chuyển sang các hướng mới hoàn toàn như khởi nghiệp, ra nước ngoài,...

Những năm gần đây, Khoa đã có nhiều cải tiến về chương trình đào tạo, trong đó chú trọng nhiều đến kỹ năng thực hành, trải nghiệm làm việc bên ngoài nhiều hơn so với cách đây 3 năm. Đơn cử như tăng cường cho sinh viên tham quan thực tế, mời chuyên gia nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo,....

“Kiến trúc là ngành học đặc thù với sự kết hợp cả nghệ thuật và kỹ thuật. Muốn theo đuổi Kiến trúc, trước tiên người học cần có năng khiếu về hội họa cùng tư duy mỹ thuật khá chắc. Bên cạnh đó, phải không ngừng trau dồi sáng tạo trong tư duy, thiết kế. Kiến trúc là ngành đòi hỏi phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, do đó sinh viên cũng phải năng động hơn”, thầy nhấn mạnh.

Cũng cho rằng cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Kiến trúc đa dạng và phong phú, theo Phó giáo sư - Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Kiến trúc hiện đang là một ngành hot được nhiều bạn trẻ quan tâm. Thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, thầy Tuấn nhận thấy các đơn vị hiện nay rất “khát” nhân lực, tuy nhiên nguồn cung ở các cơ sở đào tạo vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu.

“Kiến trúc là ngành có mức độ đào thải nghề nghiệp rất mạnh. Sinh viên học ở giảng đường là một chuyện, nhưng ra làm việc thực tế có đáp ứng được hay không lại là một câu chuyện khác, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc, có thể phải chuyển hướng sang lĩnh vực gần.

Trong quá trình đào tạo, ngành Kiến trúc sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức chuyên ngành và liên ngành rộng, nhiều kỹ năng do đó khi ra trường các kiến trúc sư có thể có rất nhiều lựa chọn nghiệp như: Thiết kế kiến trúc, nội thất, quy hoạch, kinh doanh bất động sản, thiết kế đồ họa,...”, vị Trưởng khoa chia sẻ.

Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tham gia hỗ trợ triển khai giải pháp tôn tạo kiến trúc cảnh quan Làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tham gia hỗ trợ triển khai giải pháp tôn tạo kiến trúc cảnh quan Làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Theo thầy Tuấn, chương trình đào tạo ngành Kiến trúc ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chú trọng đến các kiến thức chuyên sâu và đảm bảo tỷ lệ người học/giảng viên, thay vì duy trì số lượng đào tạo đông. Bên cạnh đó, việc mời những Kiến trúc sư lành nghề, các doanh nghiệp thiết kế nổi tiếng tham gia vào quá trình giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu với sinh viên cũng được Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa chú trọng.

Tuy nhiên, một thách thức lớn là việc mời các chuyên gia uy tín, có danh tiếng cùng tham gia vào công tác giảng dạy ở trường đại học.

“Dù vậy, chúng tôi cũng nỗ lực mời các chuyên gia có tiếng tăm như Kiến trúc sư Võ Trọng nghĩa, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, các kiến trúc sư nước ngoài... để có những buổi chia sẻ, truyền cảm hứng cho sinh viên. Đây là một trong những công việc quan trọng và trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức, kết nối nhiều hơn với các chuyên gia để công tác đào tạo thực sự gần hơn với thực tiễn”, thầy Tuấn chia sẻ.

Những vấn đề đặt ra trong đào tạo ngành Kiến trúc hiện nay

Là cơ sở đào tạo thuộc khu vực miền Trung, nơi có điều kiện kinh tế nhìn chung vẫn chưa sôi động bằng với khu vực miền Bắc và miền Nam. Đây cũng là những thách thức đối với các cơ sở đào tạo tại đây.

Theo thầy Minh, Huế là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử độc đáo. Tuy nhiên, Huế không phải là môi trường quá năng động, cùng tâm lý sinh viên vẫn còn khá rụt rè nên các trải nghiệm của sinh viên sẽ có phần kém đa dạng hơn.

Đồng quan điểm với thầy Minh, thầy Tuấn cũng cho rằng, các bạn sinh viên thuộc khu vực miền Trung có điểm mạnh là thông minh, cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp, sự dạn dĩ, năng động của các bạn có phần kém hơn sinh viên ở những thành phố lớn khác.

Trong đào tạo ngành Kiến trúc, thầy Minh cho rằng, một trong những điều quan trọng sinh viên cần chú trọng nâng cao là khả năng ngoại ngữ. Đây là chìa khóa quan trọng để tiếp cận công nghệ và có cơ hội mở ra nhiều hướng mới hơn trong công việc.

Bàn về một số vấn đề đặt ra trong đào tạo ngành Kiến trúc hiện nay, vị Phó Trưởng khoa chia sẻ: “Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là khả năng tôi luyện kỹ thuật thực hành của sinh viên Kiến trúc còn khá hạn chế.

Mặt khác, các ứng dụng của công nghệ thông tin hỗ trợ rất lớn cho sinh viên Kiến trúc trong quá trình học tập và thực hành nghề nghiệp; Tuy nhiên, nếu sinh viên không biết làm chủ công nghệ, quá phụ thuộc vào các công cụ sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo của sinh viên rất nhiều. Mà đối với Kiến trúc, khả năng sáng tạo bị hạn chế là điều đại kỵ”.

Ngoài ra, theo thầy Minh, mức sống và môi trường thực hành nghề ở Huế chưa thực sự hấp dẫn cũng là một thách thức.

Để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Kiến trúc, thầy Minh kiến nghị cần chú trọng trang bị nhiều hơn cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành,... cho sinh viên thực hành. Ngoài ra, cần thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ học tập cho sinh viên, đặc biệt các hỗ trợ để khuyến khích nâng cao hơn hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngành Kiến trúc.

Với Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, thầy nhận định rằng vấn đề trăn trở nhất hiện nay trong đào tạo ngành Kiến trúc chính là đội ngũ giảng viên. Theo thầy Tuấn, đội ngũ giảng viên ở nhiều cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc nhìn chung vẫn thiếu rất nhiều nhân sự có trình độ cao và có kinh nghiệm.

Thông tin về thực tế tại Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, thầy Tuấn cho biết hiện đơn vị có 1 Phó giáo sư, 4 Tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh ở nước ngoài, còn lại là giảng viên Thạc sĩ.

“Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ của Khoa hiện có khoảng 30%, so với các cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc trong cả nước thì đây là một tỷ lệ khá. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, nhân lực giảng dạy ở toàn Khoa tất cả đều có trình độ từ Tiến sĩ trở lên. Đây cũng là một trong những chủ trương của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng”, vị Trưởng khoa chia sẻ

Bắc Sơn