Đào tạo thanh nhạc của một số cơ sở giáo dục đang ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, hiện còn nhiều băn khoăn liên quan đến chuyên môn giảng viên, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học ngành Thanh nhạc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai – Chủ nhiệm khoa Khoa Thanh nhạc (Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội) cho biết, Khoa Thanh nhạc là một trong những Khoa gắn liền với sự phát triển của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hiện Khoa đang đào tạo 3 bộ môn gồm: Thính phòng, Hát dân gian và Nhạc nhẹ.
Đối với đào tạo Thanh nhạc (hệ trung cấp chuyên nghiệp), năm 2023, nhà trường có điểm trúng tuyển 24,25 điểm.
Khoa có 16 cán bộ giảng viên (100% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên). Trong đó, nhiều giảng viên được cử đi học tại các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao chuyên môn, gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ trong và ngoài quân đội. Đồng thời, góp phần phát triển liên kết đối ngoại, tạo hiệu quả xây dựng và phát triển nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước.
Khoa Thanh nhạc đào tạo đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phục vụ xã hội và trong quân đội. Tổ chức lớp học cho học viên Khoa Thanh nhạc có đặc thù theo cá nhân (1 thầy – 1 trò) nên người học có sự ảnh hưởng nhất định từ chính giảng viên của mình. Do đó, trong nhiều thế hệ giảng viên của Khoa qua các thời kỳ luôn xác định nhiệm vụ đào tạo, giữ được tình yêu nghề để truyền cho học viên.
"Giảng viên giảng dạy thanh nhạc của trường là tấm gương về nghề nghiệp, đời sống tinh thần đối với học viên.
Do đó, trước nhiệm vụ đào tạo “chiến sĩ – nghệ sĩ” đáp ứng yêu cầu mà quân đội và xã hội cần, giảng viên của Khoa phải chắt lọc và cập nhật kiến thức theo sự phát triển của văn hoá văn nghệ, đặc thù chuyên môn, nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi có sự du nhập của nhiều luồng văn hoá nghệ thuật quốc tế.
Điểm mấu chốt trong đào tạo của Khoa trong tình hình mới là giảng viên phải đổi mới tư duy âm nhạc, phong cách biểu diễn, chuẩn mực phát ngôn trước công chúng và trong quân đội. Theo tôi, đây là yêu cầu quan trọng để giảng viên nhìn nhận lại, trau dồi mọi mặt về người nghệ sĩ phục vụ trong quân đội, làm tấm gương phản chiếu một phần đối với học viên của mình”
_Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai_
Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đỗ Hương Giang – Trưởng khoa Khoa Piano và Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, Khoa đào tạo 3 bộ môn: Piano, Thanh nhạc chuyên ngành và Thanh nhạc sư phạm.
Trong đó, Thanh nhạc chuyên ngành và Thanh nhạc sư phạm thuộc ngành Thanh nhạc. Thanh nhạc chuyên ngành phụ trách các học phần của ngành Thanh nhạc; Thanh nhạc sư phạm chỉ phụ trách một học phần của môn thanh nhạc dành cho ngành Sư phạm âm nhạc.
Ngành Thanh nhạc của Khoa đến nay tuyển sinh 11 khóa. Những năm đầu, số lượng thí sinh đăng ký ngành Thanh nhạc chưa nhiều. Gần đây, ngành thu hút thí sinh hơn. Năm 2023, số lượng thí sinh nhập học vào ngành là 50. Trước đó, có năm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi hơn 300, trong khi chỉ tiêu chỉ 60-70. Tỷ lệ chọi của ngành Thanh nhạc chỉ xếp sau ngành Thiết kế đồ hoạ của trường.
Cũng giống như hình thức tổ chức lớp học 1 thầy – 1 trò như Khoa Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, tổ chức lớp học của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng 1 thầy – 1 trò, có khi 2 thầy – 1 trò.
“Dù hiện nay sinh viên có thể tự học ở trên mạng nhưng thanh nhạc là môn trừu tượng, đào tạo thiên về kỹ năng nên nếu không được giảng viên có chuyên môn hướng dẫn thường xuyên và trực tiếp thì sinh viên khó đạt tới một trình độ nhất định. Thực tế có các nghệ sĩ dù đã thành danh nhưng đằng sau họ vẫn cần có sự hỗ trợ của người thầy để học hỏi ”, cô Giang chia sẻ.
Khó khăn trong nghiên cứu khoa học ngành Thanh nhạc
Bàn về hoạt động nghiên cứu khoa học, theo cô Giang, chương trình đào tạo của ngành Thanh nhạc có môn học về nghiên cứu khoa học – tập trung cho sinh viên vừa thực hành, vừa nghiên cứu để đưa ra được các kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, nhận thức.
Những năm qua, nhà trường tổ chức hội thảo mời giảng viên có chuyên môn về trao đổi với sinh viên. Tuy nhiên, khó khăn do đặc thù ngành học khiến sinh viên phải làm thực hành nhiều, các em gần như chỉ chú trọng thực hành nên khả năng hành văn không được như sinh viên các ngành khác.
Thêm nữa, ngành Thanh nhạc khá trừu tượng, định lượng không cụ thể, khó khái quát bởi mỗi cá nhân lại có một phương pháp học tập, phương pháp giảng dạy khác nhau. Ví dụ, phương pháp giảng dạy của giảng viên, mẫu luyện thanh này có thể phù hợp với sự phát triển của sinh viên này nhưng chưa hẳn đã phù hợp với tất cả sinh viên khác.
Tiến sĩ Đỗ Hương Giang. (Ảnh: website nhà trường). |
“Giảng dạy cho mỗi sinh viên ngành Thanh nhạc là một giáo án, lộ trình khác nhau. Mỗi sinh viên có thể mạnh, sở trường riêng nên khó có chuẩn chung, cụ thể. Điều này cũng khiến hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, sinh viên gặp nhiều khó khăn”, cô Giang cho biết.
Trăn trở trong đào tạo thanh nhạc, cô Giang nói: “Cây muốn tốt thì gốc phải tốt, cơ sở đào tạo trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng thanh nhạc cơ bản – đây chính là gốc rễ để sinh viên phát huy và sáng tạo”.
Đào tạo ngành Thanh nhạc luôn phải có sự thay đổi, đưa vào các học phần về kỹ năng như: kỹ thuật diễn viên (giúp giải phóng hình thể, tác phong trình diễn tác phẩm, kiến thức trả lời phỏng vấn báo chí,…); được thực tập nghề nghiệp thông qua liên kết đoàn nghệ thuật (như đoàn nghệ thuật Bộ đội biên phòng, Phòng không không quân), các nhà hát;… để sinh viên trải nghiệm công việc.
"Sau mỗi kỳ biểu diễn, sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều. Ở trường, có thể sinh viên nghĩ việc lên biểu diễn trước giảng viên cũng giống như một hình thức trả bài, “con hát mẹ khen hay”. Nhưng khi va chạm thực tế, được làm việc cùng nghệ sĩ, các em ở vào vị trí như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, từ đó thêm yêu ngành học, thích làm nghề”, cô Giang chia sẻ.
“Lao động nghệ thuật là lao động nghiêm túc và đòi hỏi phải kỷ luật cao. Muốn có học trò giỏi, bản thân giảng viên trước hết phải đạt trình độ chuyên môn nhất định, phải đặt tâm của mình vào trong quá trình dạy, bởi nếu không có nhiệt huyết, đạo đức sư phạm sẽ rất khó đào tạo nhân tố nghệ thuật mới cho xã hội.
Ngoài ra, ngành Thanh nhạc đòi hỏi có sự tương tác giữa thầy và trò, nên nếu trò không tin tưởng thầy cũng rất khó để dạy và học”
_Tiến sĩ Đỗ Hương Giang_
Cũng theo cô Giang, sinh viên ngành Thanh nhạc đi du học giúp các em tiếp cận với nền âm nhạc đỉnh cao của thế giới một cách nhanh nhất. Trước đây, các học bổng cho sinh viên, giảng viên khối nghệ thuật được nhà nước tài trợ nhưng nay để có học bổng cho sinh viên, giảng viên đi học ở nước ngoài khá khó khăn.
Thực tế có sinh viên tốt nghiệp ngành Thanh nhạc xin được học bổng thạc sĩ. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nhận học bổng ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường còn ít.
Cũng có sinh viên ngành Thanh nhạc đi du học tự túc vì có điều kiện. Điều đáng tiếc là trong số đó có sinh viên năng lực chưa cao, trong khi những sinh viên ngành Thanh nhạc năng lực rất tốt lại không có điều kiện, học bổng để học nâng cao trình độ
Nhà trường có mời chuyên gia của các nước về đào tạo cho sinh viên nhưng không nhiều. Do đó, cô Giang mong nhà trường, nhà nước có thêm học bổng cho giảng viên, sinh viên; hoặc có dự án âm nhạc để giảng viên, sinh viên tham dự, cập nhật xu hướng âm nhạc mới của thế giới.
Chia sẻ thêm trước tình trạng xuất hiện nhiều lò luyện thanh nhạc, cô Giang cho rằng bởi vì nhu cầu học thanh nhạc của xã hội tăng dẫn đến số lượng trung tâm mở ra nhiều. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với các trung tâm luyện thanh nhạc phải quán triệt hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo thanh nhạc.
Trung tâm luyện thanh nhạc uy tín thể hiện qua đội ngũ giảng viên chuyên môn cao nên có khả năng đào tạo ra người học tố chất tốt, là nguồn thí sinh thi vào trường, học viện âm nhạc. Còn những trung tâm đáng lo ngại về chất lượng có thể là nơi nhận sinh viên vào làm giảng viên (vì chưa tốt nghiệp nên chưa đủ chuyên môn giảng dạy).