Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên.
Ngày 21/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn |
Phải hoàn thành bổ nhiệm lương mới cho giáo viên trong vòng 6 tháng khi Thông tư 08 có hiệu lực
Tại khoản 1, khoản 13 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT điều khoản thi hành có quy định về hiệu lực và thời hạn bổ nhiệm như sau:
“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2023…
13. Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”
Như vậy, hiệu lực của Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/5/2023 và Thông tư 08/2023 quy định việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng tức là triển khai bổ nhiệm lương mới cho giáo viên từ các Thông tư 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT, hạn cuối cùng là 30/11/2023.
Đến thời điểm này đã ở những ngày đầu của tháng 10/2023, chỉ còn khoảng 2 tháng để tất cả các địa phương trong cả nước tiến hành bổ nhiệm lương mới cho giáo viên mầm non, phổ thông.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo tìm hiểu của người viết, nhiều địa phương chưa thực hiện việc bổ nhiệm, một số địa phương đang hiệp thương với Sở Nội vụ (bổ nhiệm từ hạng II trở lên là trách nhiệm của Sở Nội vụ), một số địa phương vẫn đang nghiên cứu các quy định để tiến hành bổ nhiệm lương mới,...
Ở địa phương người viết đang công tác tại một huyện của một tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long thì chưa bổ nhiệm từ hạng IV, III cũ sang III mới cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, do đó dẫn đến nhiều trường hợp có bằng đại học từ năm 2012 đến này là 12 năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng, khiến nhiều giáo viên bức xúc, dù quy định đã có từ rất lâu và không hề có vướng mắc.
Còn việc bổ nhiệm từ hạng II cũ sang II mới thì mới ở giai đoạn rà soát, nên khó kịp tiến độ bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới cho giáo viên đến cuối tháng 11.
Người viết cũng tìm hiểu nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa thực hiện các quy trình, thủ tục bổ nhiệm cho giáo viên từ hạng cũ sang hạng mới.
Bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới có thật sự dễ dàng, thuận lợi?
Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.
Tại khoản 1 Điều 6 của các Văn bản hợp nhất quy định về nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên: “1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.”
Do đó, các địa phương cho rằng việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn ở các Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông trong đó có hướng dẫn khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ các thông tư liên tịch (20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các thông tư (01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT), thì chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm,...
Có thể hiểu đơn giản đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ đào tạo thì 100% sẽ được bổ nhiệm từ hạng III, IV cũ sang hạng III mới, giáo viên hạng II cũ nếu đủ thời gian giữ hạng và tương đương (đủ thời gian công tác) sẽ được bổ nhiệm hạng II mới không cần đạt bất kỳ tiêu chuẩn, thành tích nào khác.
Nên, nếu theo hướng dẫn trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới sẽ không gặp bất kỳ rào cản, vướng mắc nào.
Nếu, theo các hướng dẫn này, các địa phương sẽ tiến hành bổ nhiệm có thể kịp tiến độ theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên, quy trình để bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới nhất là hạng I, II thì sẽ gặp nhiều khó khăn do trách nhiệm thuộc về cấp tỉnh trở lên.
Hiện nay, một số địa phương vẫn ban hành chỉ tiêu các hạng như hạng I, II là 20%, còn lại hạng III nên sẽ gặp vướng mắc khi bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới ở các địa phương có ban hành quy định chỉ tiêu, cơ cấu các hạng.
Bên cạnh đó, tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại Điều 28. Chức danh nghề nghiệp viên chức, đối với giáo viên sẽ có Chức danh nghề nghiệp hạng I; Chức danh nghề nghiệp hạng II; Chức danh nghề nghiệp hạng III.
Tại Điều 30 quy định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp như sau:
“1. Việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới.
2. Viên chức được xét chuyển chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chuyển.
3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp.”
Tại khoản 6 Điều 62. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ về bổ nhiệm, chuyển xếp lương viên chức có quy định:
“6. Có ý kiến với bộ, ngành, địa phương về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I.”
Tại khoản 1 Điều 65. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định:
“1. Quản lý về số lượng, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp; quyết định bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp hạng I sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ; quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I; quyết định hoặc phân cấp việc quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở xuống thuộc phạm vi quản lý.”
Hiện nay, đa số các địa phương phân cấp, ủy quyền bổ nhiệm giáo viên hạng III cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, hạng II do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc ủy quyền cho Sở Nội vụ), đối với bổ nhiệm hạng I phải xin ý kiến của Bộ Nội vụ.
Do đó, nếu các địa phương không quyết liệt, chưa trình các phương án, chưa hiệp thương, xin ý kiến Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ thì rất khó để việc bổ nhiệm giáo viên từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới đảm bảo tiến độ.
Rất mong, các địa phương quyết liệt hơn trong việc bổ nhiệm, xin ý kiến bổ nhiệm giáo viên theo đúng tiến độ, thực hiện hoàn tất trước 30/11/2023.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.