Nếu không đăng 3 công khai trong 5 năm, kiến nghị nhà nước ngừng cấp ngân sách

15/10/2023 06:42
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đăng tải báo cáo ba công khai là cần thiết, nhất là công khai về tài chính để xã hội được giám sát mọi hoạt động của trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thay thế cho Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Về thời gian công khai các hoạt động của cơ sở, Dự thảo nêu: "Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai".

Trong khi đó, theo Thông tư 36 hiện hành các trường cần "công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm đồng thời niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo thuận tiện để xem xét. Thời gian thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết".

Đăng tải báo cáo 3 công khai: Liệu có dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh?

Nghiên cứu dự thảo này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

Việc đăng tải báo cáo ba công khai là cần thiết, nhất là công khai về tài chính để xã hội được giám sát mọi hoạt động của trường.

“Có một thực tế là khi công khai xã hội mới biết rõ nguồn thu của các trường đại học của Việt Nam chủ yếu đến từ học phí. Đó là một gánh nặng đè lên vai người học. Trong khi, ngoài học phí ra các trường cũng cần có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác với doanh nghiệp và các dịch vụ khác thì mới thể hiện đúng sứ mệnh của mình.

Các trường không chỉ thuần túy giảng dạy mà còn phải thu lại lợi ích từ hoạt động nghiên cứu khoa học thay vì chỉ đăng bài trên tạp chí quốc tế để tính điểm lên thứ hạng. Chính vì thế, việc công khai tài chính giúp xã hội nắm được rõ những hoạt động của trường đại học đang diễn ra như thế nào”, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, công khai là yêu cầu về thực hiện trách nhiệm giải trình của các nhà trường. Tuy nhiên, cần xem xét lại nội dung công khai vì có những thông tin sẽ tác động đến chiến lược hoạt động của từng trường, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh nếu chúng ta suy xét dưới góc độ, giáo dục bậc cao là một dạng thị trường.

“Hiện tại, thành phần tham gia thị trường giáo dục đã tương đối đầy đủ về loại hình sở hữu, bao gồm cả công lập, dân lập, nước ngoài. Giám sát xã hội phải được hiểu đầy đủ là gồm cả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng xã hội và nội bộ.

Tùy thuộc vào loại hình công lập, dân lập hay nước ngoài, giám sát xã hội sẽ có những chú trọng về nội dung, phương thức, chủ thể giám sát, đối tượng giám sát, nội dung giám sát khác nhau. Do vậy, tùy theo loại hình sở hữu, giám sát xã hội sẽ có những cách thức phù hợp. Vậy nên, cách công khai hiện nay cần phải cải biến hợp lý hơn”, thầy Châu nhấn mạnh.

Được biết, Trường Đại học Điện lực đã thực hiện đăng tải nội dung báo cáo ba công khai từ năm học 2018-2019 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ báo cáo ba công khai của 6 năm học vẫn được niêm yết đầy đủ trên website nhà trường.

Liên hệ với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng - một trong những trường đã thực hiện đầy đủ việc đăng tải báo cáo ba công khai và niêm yết nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục cho hay: Việc đăng tải báo cáo ba công khai là cần thiết và hết sức quan trọng.

Thứ nhất, đây là kênh giúp nhà trường chủ động công khai minh bạch các thông tin về chất lượng đào tạo thực tế, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất... với cơ quan quản lý nhà nước, với xã hội trong đó có người học, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khác.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Việc công khai này giúp các đơn vị liên quan phản hồi ý kiến, đánh giá nhà trường một cách thực chất và có cơ sở khoa học. Đồng thời giúp các cơ sở giáo dục có thể đối sánh kết quả, đánh giá chất lượng đào tạo, nguồn lực về con người và vật chất của đơn vị mình.

“Tuy nhiên, hiện nay do nhà trường chưa có một phần mềm quản lý thông tin hoàn thiện nên việc tổng hợp dữ liệu mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số đơn vị thực hiện việc này nên nhiều thông tin dữ liệu chưa chuẩn xác.

Các đơn vị thanh/kiểm tra thông tin công khai chưa xác thực được tính chính xác của thông tin, chủ yếu kiểm tra các đơn vị có thực hiện hay không, có đúng biểu mẫu hay không”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Hồng khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Hồng, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cần có chế tài xử lý với các trường không thực hiện

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng cần có chế tài xử lý cụ thể để các trường nghiêm túc chấp hành. Bởi nếu đã yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các trường vẫn không làm thì sẽ không có tác dụng. Cơ quan quản lý cần có biện pháp ngược lại về tài chính vì các trường công lập hiện vẫn được cấp ngân sách. Nếu trường không thực hiện thì ngưng cấp nguồn kinh phí này. Như vậy các trường mới có áp lực về việc phải công khai một cách minh bạch.

Đối với các trường công khai theo kiểu đối phó thì cần có biện pháp thanh tra về tài chính, chất lượng đào tạo, tổ chức nhân sự....

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hiện nay một số trường không thực hiện đăng tải báo cáo ba công khai thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.

“Đầu tiên là các Sở Giáo dục, các Phòng giáo dục, thứ hai là lãnh đạo tỉnh, huyện ở địa phương của cơ sở giáo dục đó. Nếu các trường không công khai thì cần kỷ luật Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hay chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện.

Nhiều trường đại học không công khai hoặc công khai không đúng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có hệ thống IMIDS sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát nội dung các trường công khai có đúng hay không”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nguyên Phương)

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, về tài chính nhà trường cần công khai nguồn thu từ học phí, nghiên cứu khoa học, nguồn thu từ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn thu khác. Đây là quá trình thực hiện dân chủ cấp cơ sở, trường học. Với các trường đại học thì đây là trách nhiệm của Hội đồng trường cần giám sát việc trường có công khai đúng hay không.

Theo dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở giáo dục công bố công khai nội dung theo quy định trước ngày 30 tháng 6 hằng năm. Trường hợp nội dung công khai có thay đổi hoặc đến ngày 30 tháng 6 hằng năm chưa có thông tin do nguyên nhân khách quan hoặc do quy định khác của pháp luật thì phải được cập nhật, bổ sung chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi thông tin hoặc từ ngày có thông tin chính thức.

Nhật Lệ