Năm học 2021- 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc; năm học 2022-2023 vừa qua, số giáo viên nghỉ việc là 9.295 người. Nguyên nhân giáo viên nghỉ việc trong những năm gần đây thì nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân cốt lõi nhất là thu nhập hàng tháng của một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay quá thấp so với thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, tại các trường học, khoảng cách về lương của giáo viên cũng đang có sự chênh lệch khá lớn. Với cách tính lương hiện nay, có nhiều giáo viên có thâm niên lâu năm có mức thu nhập gấp gần 3 lần giáo viên đang hưởng lương bậc 1. Trong khi, nếu không kiêm nhiệm chức vụ thì định mức giảng dạy của giáo viên cùng cấp học đều có số tiết giống nhau.
Tận tụy, tâm huyết hay làm tàng tàng hết ngày đầy công nếu không bị kỷ luật thì 3 năm cũng đều tăng 1 bậc lương. Nhiều giáo viên năng nổ, nhiệt huyết thậm chí còn bị ghét nên nhiều giáo viên cũng nản chí dần và thu mình lại.
Chính vì thế, tình trạng giáo viên nghỉ việc trong những năm gần đây có thể có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là chế độ tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng đã dẫn đến tình trạng giáo viên làm đơn ra khỏi ngành để đi tìm công việc mới có thu nhập xứng đáng với công sức, tâm huyết mà họ bỏ ra.
Ảnh minh họa. |
Rút ngắn khoảng cách về lương giáo viên sẽ hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc
Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên cả nước đang chiếm hơn một nửa số lượng những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc nhiều trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy, mức lương, phụ cấp của một giáo viên mới vào ngành so với một giáo viên có thâm niên trên 20 năm đang có sự chênh lệch quá lớn. Thế nhưng, phân công giảng dạy theo định mức số tiết giống nhau: tiểu học dạy 23 tiết; trung học cơ sở dạy 19 tiết; trung học phổ thông dạy 17 tiết.
Bất cập thể hiện ở chỗ nhiều lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn có mức lương thấp hơn nhiều những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ vì kém năm công tác.
Lấy một ví dụ nhỏ: một giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở cấp trung học cơ sở có 15 năm công tác đang hưởng lương bậc 5 sẽ có hệ số 3.66, cộng với phụ cấp đứng lớp 30% và 13% phụ cấp thâm niên. Sau khi trừ đi các loại tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công đoàn phí, đảng phí… thì mỗi tháng sẽ nhận khoảng gần 9 triệu đồng.
Một giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ có thời gian công tác 30 năm nếu so với thu nhập của một tổ trưởng chuyên môn có 15 năm công tác sẽ có sự chênh lệch khá lớn. Bởi, những giáo viên này đã được hưởng lương vượt khung và phụ cấp thâm niên là 28% nên mức lương thực nhận mỗi tháng là 14 triệu đồng.
Một giáo viên vào nghề được 10 năm, đang hưởng lương bậc 3 mỗi tháng sẽ nhận 6,5 triệu đồng; giáo viên vào nghề được 4 năm, đang hưởng lương bậc 1, chưa có phụ cấp thâm niên sẽ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng…
Rõ ràng, với cách trả lương như hiện nay đối với giáo viên công lập đang có sự chênh lệch khá lớn. Nhìn vào bảng lương của mỗi đơn vị, mỗi tổ chuyên môn, những nhà giáo có số tiền cao nhất là những người có thâm niên nhiều nhất chứ không phải là những người có chức vụ cao nhất hay có chuyên môn trội nhất, nhiều thành tích nhất.
Vì thế, cho dù trong trường có nhiều chức vụ quản lý, đoàn thể khác nhau nhưng phụ cấp chức vụ, trách nhiệm hiện nay rất ít nên cho dù là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường, tổ trưởng chuyên môn nhưng có năm công tác ít vẫn thua xa giáo viên có năm công tác nhiều. Trong khi, mức độ công việc phức tạp, khó thì rõ ràng giáo viên ít hơn.
Những giáo viên có thâm niên dưới 10 năm công tác hiện nay lương tương đối thấp, khoảng gần 7 triệu đồng trở xuống. Mức lương này, nếu ở những vùng có điều kiện, rất khó đảm bảo cuộc sống hàng ngày vì giá cả sinh hoạt và mọi mặt hàng đều cao. Nhiều giáo viên còn đang phải trả tiền thuê nhà hàng tháng.
Nếu chưa giải quyết được những bất cập này, tình trạng giáo viên bỏ việc có lẽ sẽ còn nhiều trong thời gian tới đây và chất lượng giảng dạy cũng rất khó tạo ra những đột phá cho ngành, cho từng đơn vị vì làm nhiều, làm ít thì cũng 3 năm lên 1 bậc lương.
Cuối năm, chỉ trừ một số rất ít giáo viên được xét viên chức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” những giáo còn lại đều có một mức chung là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Hiếm khi có trường hợp “hoàn thành” hoặc “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Với cách đánh giá theo kiểu cào bằng như một số trường hiện nay, lương giáo viên xếp theo năm công tác đang tạo ra những hạn chế đối với chế độ tiền lương nhà giáo. Từ đó, động lực phấn đấu, cống hiến của một bộ phận giáo viên dần dần thui chột, không có nhiều bứt phá cho từng đơn vị trường học.
Nhiều giáo viên đang chờ đợi trả lương theo vị trí việc làm và Luật Nhà giáo được xem xét
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh khá nhiều về việc thời gian cải cách tiền lương và dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 7/2024. Theo đó, lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ có 5 bậc lương khác nhau.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành xây dựng Luật Nhà giáo nên nhiều giáo viên cũng chờ đợi chính sách tiền lương của nhà giáo sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Theo Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, chúng tôi thấy phần mục tiêu giải pháp vấn đề và các giải pháp giải quyết vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra khá phù hợp khi: “xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề;
Tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc;
Thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người”. [1]
Những thay đổi về chính sách tiền lương, phụ cấp nhà giáo chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi lớn trong những năm tới đây nhằm hướng tới việc “bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao” sẽ là động lực cho nhiều nhà giáo phấn đấu, cống hiến.
Một khi giáo viên được đãi ngộ xứng đáng với công sức, tâm huyết mà họ bỏ ra, họ không còn cảm thấy những bất cập về tiền lương, không còn phiền muộn việc được giao số tiết giảng dạy như nhau, phong trào được “động viên” làm nhiều hơn nhưng lương chỉ bằng một nửa giáo viên khác, thậm chí chưa bằng một nửa.
Hiện tại, chính sách trả lương theo năm công tác đang trở nên bất cập, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Thời đại kinh tế thị trường nhưng người lao động không được trả lương theo vị trí, năng lực công tác mà trả theo thâm niên đã dẫn đến sức ì khá lớn cho một bộ phận không nhỏ giáo viên.
Nhiều giáo viên chỉ cần vào biên chế hay hợp đồng không xác định thời gian là làm việc cầm chừng, miễn sao không bị vi phạm kỷ luật thì cứ 3 năm “đến hẹn là lên” sẽ tăng 1 bậc lương với hệ số 0.33 lương cơ sở.
Chỉ trừ những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên hoặc Bằng khen của tỉnh, Bộ… thì 5 năm được xét tăng lương trước thời hạn 1 lần (3 tháng; 6 tháng; 9 tháng; 12 tháng, tùy vào danh hiệu). Ngoài ra, những giáo viên không có được các danh hiệu thi đua cao thì tích cực cũng thế, không tích cực cũng vậy.
Việc rút ngắn khoảng cách về lương giữa các nhà giáo và trả lương theo vị trí việc làm, năng lực của người lao động là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta không thể duy trì mãi chính sách phân công giảng dạy số tiết/ tuần của giáo viên cùng cấp học, cùng trường như nhau nhưng lương lại trả khác nhau theo năm công tác.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/du-thao-luat-nha-giao-bo-sung-quy-dinh-ve-tien-luong-phu-cap-doi-voi-thay-co-post230536.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.