Học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số nước ta. Việc thực hiện bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế là một nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng vững chắc hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Với ý nghĩa đó, những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã được triển khai hiệu quả, thể hiện không chỉ ở diện bao phủ tăng mà quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của các em cũng ngày càng được đảm bảo.
Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng nhận thức đầy đủ việc cần tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình. Là một giáo viên tiểu học đã công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm, người viết đã không ít lần phải ra sức vận động phụ mua cho con em mình tấm thẻ bảo hiểm y tế.
Không ít trường hợp là gia đình khó khăn về kinh tế nhưng cũng rất nhiều phụ huynh cho rằng, con họ không cần dùng đến thẻ bảo hiểm y tế vì thế nhất quyết không tham gia. Tuy nhiên, khi bệnh tật ập đến, họ mới thấy suy nghĩ đó là sai lầm. Câu chuyện chia sẻ của một phụ huynh ở Bình Thuận dưới đây được người viết ghi lại, hy vọng sẽ có nhiều phụ huynh suy ngẫm.
Vị phụ huynh này nghiệm ra: "Khi tôi hiểu được ra, bảo hiểm y tế là chiếc “phao cứu sinh” cho những gia đình có con bị bệnh tật hiểm nghèo, là hình thức “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, thì gia đình tôi đã phải mất hàng trăm triệu đồng chữa bệnh cho con".
Nhất quyết không đóng bảo hiểm vì năm nào cũng đóng nhưng có khi nào dùng đến đâu?
Hai con tôi theo học tại một trường tiểu học ở Bình Thuận. Năm ấy, dù giáo viên có vận động cỡ nào, nhà trường cũng mời nói chuyện, động viên nhưng tôi nhất quyết không tham gia đóng bảo hiểm y tế cho con.
Các nhà trường luôn nỗ lực vận động các nhà hảo tâm tặng bảo hiểm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh P.T) |
Lý do tôi đưa ra chỉ là “năm nào nhà tôi cũng tham gia bảo hiểm đầy đủ nhưng có bao giờ phải dùng đến đâu? Con tôi nhức đầu sổ mũi, cảm cúm thì ra hiệu thuốc gần nhà mua vài liều uống là xong”.
Hơn nữa, gia đình tôi cũng thuộc diện khá giả trong vùng nên luôn nghĩ, nếu con có nhập viện cũng không dùng bảo hiểm y tế mà dùng khám tự nguyện cho nhanh gọn và chất lượng.
Thế là, dù ai nói gì, dẫn chứng rồi thuyết phục bằng những câu chuyện lợi ích của bảo hiểm y tế, cũng không thể lay chuyển được suy nghĩ lúc ấy của tôi.
Tai họa bất ngờ ập xuống, gia đình tôi tốn thêm hàng trăm triệu đồng
Vào một ngày, cô giáo bất ngờ gọi tôi lên trường vì con gái tôi bị ngất trong lớp. Những tưởng con bị mệt sơ sơ như bao lần rồi sẽ khỏi. Sau 1 tuần điều trị ở bệnh viện huyện mà không đỡ, con tôi được chuyển viện vào bệnh viện thành phố. Sau rất nhiều cuộc thăm khám, xét nghiệm, vẫn chưa thể tìm ra căn bệnh để điều trị.
Nằm viện hàng tháng trời, ngày nào cũng siêu âm và làm hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác. Rồi bác sĩ thông báo con bị ung thư máu giai đoạn sớm nhưng thời gian điều trị phải khá lâu.
Cứ vài ngày, gia đình nhận được thông báo ứng tiền viện phí. Do phải lên viện chăm con, công việc của tôi dưới quê cũng phải gác lại. Tiền ăn, tiền chi phí viện phí mỗi ngày lên đến vài triệu đồng cũng làm tôi lo nghĩ.
Một số bệnh nhân cùng phòng có con đang nằm viện như con tôi cho biết, do có bảo hiểm y tế chi trả tới 80% nên số tiền điều trị của con họ cũng ít hơn nhiều.
Lúc này tôi mới thấy tiếc, giá tôi đóng mấy trăm ngàn tiền bảo hiểm cho con thì bây giờ đã đỡ một khoản tiền chi phí rất lớn.
Dù muộn còn hơn không nên tôi gọi điện về trường nhờ giáo viên đăng ký đóng bảo hiểm hộ. Tuy nhiên, cô giáo nói, phải sau một tháng mua bảo hiểm mới có hiệu lực áp dụng.
Nhờ có bảo hiểm y tế chi trả, những lần điều trị cho con cũng ít tiền hơn
Với căn bệnh hiểm nghèo như thế, tôi và con phải liên tục đi vào viện. Mỗi lần ở lại điều trị cũng mất gần tháng trời. Con bệnh hiểm nghèo, tôi không đi làm được nên kinh tế gia đình cũng bắt đầu đi xuống.
Cũng may, nhờ có bảo hiểm y tế nên mỗi đợt điều trị của con gia đình tôi cũng chỉ cần lo trên dưới khoảng 10 triệu là đủ. Chẳng bù cho trước đây, phải lo trọn gói từ 30 đến 40 triệu đồng.
Thấy rõ tác dụng của bảo hiểm y tế, tôi không chỉ đóng đầy đủ cho con, mua cho cả nhà mà còn trở thành một cộng tác viên tích cực vận động bà con chòm xóm, người thân của tôi tham gia bảo hiểm đầy đủ.
Tôi hiểu ra rằng, bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội nhân văn. Nhờ tham gia bảo hiểm y tế, gia đình tôi cũng như nhiều hoàn cảnh bị tai nạn, ốm đau có thêm khoản chi phí để điều trị bệnh được hiệu quả hơn.