Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 648 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề xuất đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.
Trong đó, có hai ứng viên phó giáo sư trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1990 (33 tuổi). Hai ứng viên này đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành Kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhâm là một trong hai ứng viên phó giáo sư trẻ nhất. Hiện cô Nhâm là giảng viên cơ hữu của Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, Tiến sĩ có 8 năm làm giảng viên cơ hữu tại Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo Bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, ứng viên Nguyễn Thị Hồng Nhâm sinh ngày 06/07/1990, quê gốc ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
|
52 bài báo khoa học tập trung 3 hướng nghiên cứu
Theo phần tự khai theo tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, các hoạt động nghiên cứu khoa học của cô Nhâm đều bám sát chuyên ngành được đào tạo về Kinh tế học, tận dụng được lợi thế về phương pháp nghiên cứu định lượng. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của cô Nhâm còn gắn liền với chuyên ngành đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn người học tại Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu của cô Nhâm tập trung 3 hướng chính. Cụ thể, nghiên cứu thị trường tài chính và các rào cản tài chính tiền tệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp là chủ đề xuyên suốt từ khi cô Nhâm bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học đến nay. Đóng góp của nghiên cứu này là xây dựng được khung lý thuyết và xác định đầy đủ các yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn vay tín dụng, giảm các chi phí tài chính khác.
Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hướng thứ nhất, cô Nhân nhận thấy rào cản bên ngoài từ thị trường tài chính cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường vốn vay tín dụng của doanh nghiệp. Do đó, một số công trình gần đây của cô Nhâm đi sâu hơn vào nghiên cứu thị trường tài chính: lãi suất, tỷ lệ an toàn vốn, mức độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng thương mại; thị trường trái phiếu quốc tế, mối liên hệ giữa dầu thô, vàng, chứng khoán và tiền điện tử…
Kết quả của hướng nghiên cứu này được thể hiện qua 17 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế uy tín; 02 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; 03 sách tham khảo; hướng dẫn 02 học viên cao học; và một số công trình tiêu biểu.
Hướng nghiên cứu thứ hai của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhâm là hiệu quả doanh nghiệp và quản trị tài chính. Mục tiêu của các công trình nghiên cứu là nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả tài chính với kiểm soát sự tự động của nhiều yếu tố, gắn kết tương quan giữa sự tác động, khả năng tạo ra lợi nhuận và duy trì khả năng sinh lời bền vững của doanh nghiệp.
Các kết quả nghiên cứu theo hướng thứ hai được thể hiện qua 22 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế có uy tín, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế có phản biện. Trong đó có 03 bài báo do ứng viên làm tác giả chính; chủ nhiệm 01 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở; đồng chủ biên 01 sách tham khảo; hướng dẫn 02 học viên cao học và đã nhận bằng thạc sĩ.
Với hướng nghiên cứu thứ ba về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa gắn với phát triển bền vững, cô Nhâm tiếp tục mở rộng nghiên cứu mối liên hệ giữa toàn cầu hóa kinh tế, chất lượng môi trường và tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; vai trò của số hóa trong thúc đẩy hiệu suất đổi mới môi trường… Nghiên cứu này cũng gắn với xu thế phát triển chung của đất nước theo định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Các kết quả nghiên cứu theo hướng thứ ba thể hiện qua 13 bài báo khoa học công bố, trong đó, cô Nhâm là tác giả chính của 05 bài báo; làm chủ nhiệm, thành viên thực hiện 03 đề tài khoa học công nghệ các cấp; tham gia biên soạn 01 chương sách tham khảo và một số công trình nghiên cứu điển hình
Với ba hướng nghiên cứu chính, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhâm có tổng 52 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế uy tín, các kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có phản biện.
Trong đó, có 14 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI/ Scopus như: Technological and Economic Development of Economy (SSCI, Scopus Journal), Technological Forecasting & Social Change (SSCI, Scopus Journal), Technology in Society (SSCI, Scopus Journal), Journal of Economics and Business (SSCI, Scopus Journal), Journal of Risk and Financial Management (Scopus Journal). Trong số này cũng có 08 bài báo khoa học mà cô Nhâm là tác giả chính.
Cũng theo tự đánh giá của ứng viên trong hồ sơ, trong quá trình công tác, cô Nhâm luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo và luôn hoàn thành tốt chức trách và các nhiệm vụ của giảng viên đại học. Tính đến nay, cô Nhâm có 10 năm 9 tháng thực hiện nhiệm vụ đào tạo; tổng hướng dẫn 04 học viên cao học. Cô Nhâm cũng được cấp 02 bằng độc quyền sách chế, giải pháp hữu ích.
Hiện tại, cô Nhâm đang làm thư ký khoa học của 01 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, chủ nhiệm 01 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh.
Một số thành tích của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhâm:
+ Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh về giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao năm 2021 (Quyết định số 970/QĐ-ĐHKTQTNNL ngày 14/04/2022);
+ Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh về giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao năm 2022 (Quyết định số 213/QĐ-ĐHKTQTNNL ngày 09/02/2023);
+ Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh về thành tích xuất sắc trong hoạt động hướng dẫn nghiên cứu khoa học sinh viên giai đoạn 2020 – 2022 (Quyết định số 367/QĐ-ĐHKT-QTNNL ngày 23/02/2023);
+ Danh hiệu Top 12 Giảng viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023;
+ Danh hiệu Giảng viên xuất sắc trong nhiều năm.