Mới đây, tại Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% GDP (hiện tại mức đầu tư ở nước ta chiếm 0,25%-0,27% GDP).
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% thì mức chi chỉ tăng thêm khoảng 300 triệu đô, tức khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính 20% chi ngân sách cho giáo dục thì tổng ngân sách khoảng 350 nghìn tỷ đồng/ năm. Tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học về cơ bản chỉ là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong giáo dục và đào tạo. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Cần thiết phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định: Để một trường đại học lớn mạnh, cần có ba điều kiện quan trọng, đó là nguồn lực mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao và phương thức quản trị đại học tiên tiến.
Trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cấp cho các trường vẫn còn hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng một phần chi tiền lương và chi thường xuyên. Nguồn chi hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, cho đội ngũ cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo còn thấp.
“Mức thu từ ngân sách cho các trường đại học chưa tự chủ hoặc tự chủ một phần theo phân loại của Nghị định 60/2021/NĐ-CP hầu như chỉ đảm bảo ở ngưỡng dưới 30% chi thường xuyên.
Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ tăng không đáng kể. Đồng thời, nguồn chi cho bảo trì vận hành cơ sở vật chất, cho quỹ lương lại tăng theo lộ trình chung tăng, trong bối cảnh học phí chưa được phép tăng ở mức tương ứng. Chính vì thế, cần thiết phải tăng ngân sách cho giáo dục đại học so với mức chi hiện nay”, thầy Thuật bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: website nhà trường. |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mức tăng là bao nhiêu thì cần phải có những khảo sát, đánh giá tổng thể làm cơ sở cho các dự báo, trước khi xây dựng lộ trình tăng cụ thể theo từng giai đoạn.
Cũng đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng: Việc tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học là cần thiết. Vì đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Người học cũng nhờ đó mà được đào tạo trong điều kiện tốt nhất và tăng cường được tính đổi mới sáng tạo.
“Nguồn nhân lực này sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng giá trị của hàng hóa, dịch vụ. Nguồn đầu tư có thể từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có từ ngân sách nhà nước, và ngân sách nhà nước nên tăng thêm tỷ lệ đầu tư, còn tăng bao nhiêu % ngân sách cần phụ thuộc vào điều kiện thực tế”, thầy Chương nhận định.
Nên tăng ngân sách vào nhiệm vụ khoa học, có ứng dụng thực tiễn
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học cần ưu tiên các nhiệm vụ khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn như: các nghiên cứu đổi mới quản trị đại học, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục…
“Xu thế cần hướng tới là phải đa dạng hóa nguồn thu cho các trường đại học. Do đó, tăng đầu tư cho giáo dục đại học cần ưu tiên các đề án, đề tài, các nhiệm vụ khoa học có khả năng ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, để thông qua đó tăng nguồn thu cho nhà trường, đưa kết quả nghiên cứu phục vụ cộng đồng”, thầy Thuật nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo thầy Thuật cần ưu tiên các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư bồi dưỡng nguồn giảng viên có chất lượng cao, có chính sách thu hút các chuyên gia của từng lĩnh vực tham gia giảng dạy theo đơn đặt hàng của từng cơ sở giáo dục đại học.
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thì nên tăng đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đầu tư cho đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo.
“Hiện nay các trường đại học công lập, với trên 60 năm thành lập đang gặp nhiều khó khăn về điều kiện tổ chức đào tạo như: cơ sở vật chất, các nội dung về thí nghiệm thực hành, thực tập của sinh viên, vì điều kiện diện tích hạn hẹp, trang thiết bị đã cũ… Mặc dù các trường cũng rất cố gắng nhưng để đạt được chất lượng trong khu vực hay vươn ra châu lục thì còn hạn chế. Vì vậy, nên có kế hoạch nâng cấp các trường đại học công lập, là cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo”, thầy Chương nhận định.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: website nhà trường. |
Phân bổ ngân sách dựa trên cạnh tranh theo sứ mạng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật cho rằng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu hiện nay. Mỗi trường đại học cần có những nỗ lực và cách làm khác nhau để thực hiện sứ mạng này. Trong hoàn cảnh nguồn ngân sách hạn chế, cần phải tối ưu hóa nguồn lực từ nguồn ngân sách cho sứ mạng tự chủ đại học của cả hệ thống cũng như cho mỗi trường.
Ngoài việc có cơ chế cạnh tranh nhằm đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực giữa các trường cho mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ cũng như những đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng thì cần có chính sách nhằm phân bổ nguồn lực theo lĩnh vực hoạt động, theo khung thời gian phù hợp.
“Trên quan điểm như vậy, tôi cho rằng phân bổ ngân sách dựa trên cơ chế cạnh tranh theo sứ mạng sẽ tạo động lực buộc các trường phải tự xây dựng sứ mạng cho riêng mình, lựa chọn phương thức quản trị phù hợp và đặc biệt phải chú trọng tới chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học để nâng cao sức cạnh tranh của riêng mình. Có như vậy nguồn lực từ ngân sách mới thúc đẩy tích cực hoạt động của các trường đại học. Tuy nhiên, cần tính tới điều kiện thực trạng của từng trường để có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Trên thế giới, các trường đại học được trao quyền tự chủ rất cao, nhưng phần lớn là tự chủ về triết lý đào tạo, về chuyên môn, về nhân sự, về ngành nghề và lĩnh vực đào tạo… nhưng nhà nước vẫn đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho giáo dục đại học bởi đó là đầu tư cho tương lai”, thầy Thuật nêu quan điểm.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cần coi các trường - đơn vị sự nghiệp công lập, thay mặt cho Nhà nước thực hiện cung cấp các dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cam kết cung cấp cho người dân và xã hội.
Chính vì vậy, theo thầy Thuật, giáo dục, y tế nói chung, giáo dục đại học nói riêng cần được duy trì và tăng ngân sách so với thực tế hiện nay, dựa trên quy hoạch tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực và sức cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học của mỗi cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải hiện nay các trường đại học đa phần đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vì thế, nếu phân bổ ngân sách theo cơ chế cạnh tranh sứ mạng cũng rất khó xác định. Thay vào đó nên có cơ chế đặt hàng của Nhà nước về các lĩnh vực, các ngành truyền thống và có uy tín sẽ cấp thêm ngân sách.
“Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đào tạo đa ngành. Đáng chú ý các ngành mới mở lại tuyển sinh được nhiều hơn các ngành truyền thống. Với các ngành truyền thống này cho dù nhà nước có cấp thêm ngân sách cũng không thể tuyển sinh được. Thay vào đó nên dùng cơ chế đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực mới có thể khắc phục tình trạng này", thầy Chương bày tỏ.