"Đại học" có được ưu tiên hưởng ngân sách nhiều hơn "trường đại học" không?

07/02/2023 06:42
Anh Trang (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngay sau khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành đại học, nhiều người lo ngại tình trạng các trường đại học "ồ ạt" chuyển thành đại học.

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành đại học. Cùng với đó, thông tin từ một số trường đại học khác như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,... cũng đang trong lộ trình phê duyệt để lên đại học càng khiến dư luận lo ngại về một "cuộc đua", sự “ồ ạt” chuyển từ trường đại học thành đại học.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: AN

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: AN

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, giữa hai khái niệm “Trường đại học” và “Đại học” có sự khác biệt như thế nào. Xin Tiến sĩ giải thích rõ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật Giáo dục đại học 2018 quy định rõ, trường đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung (Điều 4). Sự khác biệt giữa hai mô hình tổ chức giáo dục đại học còn được quy định rõ tại các điều 14, 15, 16, 18, 32... và một số quy định khác.

Để lý giải rõ hơn về sự khác biệt giữa hai khái niệm này, có thể căn cứ vào một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, về chức năng, nhiệm vụ, trường đại học đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng trong nhiều ngành, có thể trong nhiều lĩnh vực. Còn đã là đại học thì phải thực hiện các chức năng trên trong nhiều lĩnh vực.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, trường đại học có hội đồng trường; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; khoa, phòng chức năng và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học. Còn ở đại học có hội đồng đại học; giám đốc, phó giám đốc đại học; trường đại học thành viên; ban/phòng chức năng, khoa… và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học. Điều khác biệt nhất là trong đại học bắt buộc phải có ít nhất 03 trường đại học thành viên hoặc 03 trường trong cơ cấu tổ chức mà loại hình trường thành viên này không có trong trường đại học.

Thứ ba, về cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ chủ chốt thì ở trường đại học công lập do cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng trường. Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học.

Còn ở đại học công lập thì cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng đại học. Hội đồng đại học quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm giám đốc đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó giám đốc đại học trên cơ sở đề xuất của giám đốc đại học (trừ Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm).

Đối với trường thành viên của đại học: Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học.

Thứ tư, về quyền tự chủ, trường đại học được tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ phù hợp với quy định của pháp luật; được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đạt kết quả kiểm định chất lượng.

Đại học được tự chủ xác định mục tiêu, sứ mạng, nhiệm phù hợp với quy định của pháp luật nhưng trường đại học thành viên phải thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của đại học và mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ của trường mình, phù hợp với quy định của pháp luật và của đại học. Đại học được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, về quy mô, hiện không có quy định bắt buộc đối với trường đại học nhưng đại học thì bắt buộc phải có ít nhất 03 trường đại học thành viên hoặc có: 03 trường thuộc trường đại học, có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

Như vậy, có thể nói rằng đại học là mô hình tổ chức giáo dục đại học có chức năng, nhiệm vụ rộng lớn hơn, mang tính đa lĩnh vực và liên ngành; có quy mô lớn hơn, cơ cấu đồ sộ hơn, được thừa nhận năng lực tự chủ và quyền tự chủ cao hơn. Còn trường đại học thì thực hiện chức năng nhiệm vụ ở mức đa ngành, trong một hoặc một số lĩnh vực, quy mô và cơ cấu đơn giản hơn, quyền tự chủ phụ thuộc vào năng lực tự chủ mà một trong những điều kiện đó phải thể hiện thông qua kết quả kiểm định chất lượng.

Phóng viên: Theo Tiến sĩ, nguyên nhân nào khiến các trường đại học phấn đấu chuyển thành đại học? Khi đã thành mô hình đại học sẽ có những quyền lợi, ưu tiên gì trong hoạt động đào tạo, hưởng ngân sách?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Nguyên nhân cơ bản và chính đáng để các trường đại học phấn đấu thành đại học là những lợi thế về cơ hội trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành về cơ hội được đầu tư phát triển và quyền tự chủ.

Ngoài ra, còn có thể là các nguyên nhân khác như tính hiệu quả của quá trình quản trị, quản lý thống nhất kết hợp với sự phân cấp, phân quyền hợp lý để không phân mảnh nguồn lực thành nhiều đầu mối phân tán, kém hiệu quả; sự cộng lực giữa các khoa, trường trong đại học cũng nâng cao tính cạnh tranh, tạo thành thương hiệu mạnh, có thể có thứ hạng cao trong bản đồ các cơ sở giáo dục Việt Nam và thế giới; có cơ hội hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, kết hợp nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả; sinh viên có thêm nhiều cơ hội được học liên ngành, song ngành...

Còn về việc ưu tiên hưởng ngân sách, theo Luật Giáo dục đại học 2018 thì các đại học hầu như không được ưu tiên hơn các trường đại học trong việc hưởng ngân sách. Điều 12 Luật này quy định: “Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác…Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Như vậy, rõ ràng là không có ưu tiên cho bất cứ cơ sở nào căn cứ vào mô hình đại học hay trường đại học.

Tuy nhiên, nếu các trường đại học phát triển, lớn mạnh thành đại học hoặc liên kết với nhau thành đại học thì có cơ hội cộng các nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất, thế mạnh, đối tác hợp tác... đủ khả năng nhận những nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu liên ngành để phát triển mang tầm khu vực, quốc tế; có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước... Từ đó, sẽ tạo ra cơ hội cao trong nhiều hoạt động và trong việc nhận được những chính sách đầu tư phát triển tương xứng với năng lực của mình.

Về đào tạo, khi đã đảm bảo các điều kiện để trở thành đại học thì cũng có nghĩa là cơ sở giáo dục đại học đó đã lớn mạnh, hoạt động nhiều lĩnh vực với quy mô lớn và trình độ cao. Đồng thời, sự phát triển về nhân lực và năng lực quản trị, quản lý thể hiện trong việc vận hành hiệu quả tổ chức đã được kiểm định chất lượng thì quyền tự chủ của đại học được thừa nhận cao hơn so với trường đại học, phù hợp với năng lực tự chủ của mình.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Tôi lấy ví dụ như đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo mới, liên kết đào tạo với nước ngoài... mà không phải trường đại học nào cũng được thừa nhận quyền đó.

Nói vậy cũng không có nghĩa là tất cả các trường đại học đều phải phát triển thành đại học mới là tốt. Có những trường nhỏ, đơn lĩnh vực nhưng vẫn luôn khẳng định được chất lượng cao trong mọi hoạt động.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, liệu sẽ có một cuộc chạy đua, ồ ạt “lên đại học” không, bởi không loại trừ khả năng một số trường muốn chuyển thành đại học chỉ vì cái tên? Nếu xảy ra trường hợp này thì sẽ tạo ra bất cập gì cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc chuyển trường đại học thành đại học không phải là việc dễ dàng hay hình thức.

Luật Giáo dục đại học sau khi sửa đổi và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có quy định muốn chuyển trường đại học thành đại học phải thoả mãn các điều kiện: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học; có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người và có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc có sự đồng thuận của đa số nhà đầu tư.

Như vậy, việc chuyển đổi không chỉ tạo ra sự thay đổi về tên gọi mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo. Qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Điều đó không thể là thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước.

Từ khi có quy định, hướng dẫn về việc chuyển đổi mô hình tới nay mới có Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyển đổi thành công. Điều này càng chứng minh việc muốn chuyển thành đại học không dễ, hiện tượng ồ ạt “lên đại học” chỉ vì cái tên, không có thực chất khó có thể xảy ra.

Còn nếu sau này, nhiều trường đại học ồ ạt "lên đời", chúng ta có thể tiếp tục nâng bộ tiêu chí đánh giá để kiểm soát chất lượng.

Phóng viên: Tiến sĩ đánh giá thế nào về xu thế chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học ở Việt Nam trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng việc chuyển trường đại học thành đại học sẽ là con đường phù hợp với các trường đại học đã có bề dày hoạt động, đã xây dựng được uy tín, thương hiệu trong xã hội; hoạt động đã bao phủ tới nhiều lĩnh vực và có ít nhất từ 03 lĩnh vực trở lên là thế mạnh của trường; có quy mô đào tạo tương đối lớn, lực lượng giảng viên hùng hậu và có trình độ cao, phát triển đào tạo sau đại học,...

Sắp tới, sẽ không chỉ có Đại học Bách khoa Hà Nội mà chắc chắn sẽ còn một số trường đại học lớn khác sẽ tiếp tục phát triển thành đại học.

Còn đối với những trường nhỏ, nếu muốn phát triển thành đại học thì chỉ có liên kết với nhau là con đường ngắn nhất nhưng cũng rất khó thành công. Vì thực tế, cách này chỉ có thể phù hợp với những trường tư thục thuộc cùng một nhà/tập đoàn/doanh nghiệp đầu tư hoặc các trường công lập thuộc cùng một cơ quan chủ quản (ngành/địa phương).

Theo tôi, quá trình chuyển đổi mô hình không nên nhanh và cũng không thể nhanh. Đây chỉ nên là cơ hội dành cho các trường thực sự lớn và mạnh, thể hiện sự phát triển thực chất, chú trọng chất lượng hoạt động và tính hiệu quả của công tác quản trị, quản lý chứ không chỉ là tên gọi và quan niệm về vị thế một cách hình thức.

Trước mắt, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần phải xác định việc đầu tư nâng cao chất lượng thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho người học và khẳng định mình thông qua những đóng góp cho cộng đồng, góp phần định hướng cho sự phát triển xã hội... mới là con đường phát triển chung cho tất cả các trường.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng!

Anh Trang (thực hiện)