Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Trong văn bản, Bộ Giáo dục nêu thông tin về điểm mới của Nghị định là bổ sung thêm đối tượng học sinh được hưởng chính sách học sinh bán trú.
Theo đó, học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo thường trú ở các xã khu vực I, khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đáp ứng các điều kiện về khoảng cách được hưởng chế độ học sinh bán trú.
Theo nội dung Dự thảo, học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở tại thôn đặc biệt khó khăn đáp ứng tiêu chuẩn về khoảng cách giao thông đi lại khó khăn sẽ được hưởng chế độ bán trú. (Ảnh: cắt màn hình) |
Đồng thời Dự thảo cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú, học viên bán trú (so với Nghị định số 116/2016/NĐ-CP) cho phù hợp với thực tiễn, bao gồm: hỗ trợ tiền ăn (tăng từ 720 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng/tháng/học sinh), hỗ trợ tiền nhà ở...
Tham gia góp ý nội dung Dự thảo, Hội đồng dân tộc đề xuất nên thay việc hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú bằng tiền mặt do việc bảo quản ảnh hưởng đến chất lượng.
Nội dung góp ý của Hội đồng dân tộc về việc hỗ trợ gạo. (Ảnh: cắt màn hình) |
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Anh Quý (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Hoa, Tuyên Quang) cho hay, học sinh trong nhà trường đa phần là ở khu vực đặc biệt khó khăn (khu vực III), tổng số học sinh của nhà trường là 278, trong đó có 146 học sinh ở bán trú.
"Theo quy định, số lượng học sinh đăng ký ở bán trú vượt 45% là nhà trường tổ chức bán trú", thầy Quý nói.
Thầy Quý cho hay, nhà trường chỉ có vài trường hợp học sinh là dân tộc Kinh, các em theo bố mẹ từ địa phương khác tới đây để làm ăn. Những em này không được hưởng chính sách như bạn bè là con em dân tộc thiểu số học cùng lớp, cùng trường. Điều này là rất thiệt thòi với các em, nếu như các em đáp ứng được tiêu chí về khoảng cách và được hưởng chính sách bán trú sẽ tạo điều kiện, sự khích lệ cho các em rất nhiều.
Đối với học sinh ở bán trú trong nhà trường hiện được hưởng 720 nghìn đồng/tháng tiền ăn, bên cạnh đó các em được hưởng hỗ trợ chi phí học tập tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP là 140 nghìn đồng/tháng.
Khu vực nhà ăn của học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Về đề xuất nâng tiền ăn cho các em, bữa ăn của học sinh sẽ được tăng khẩu phần ăn.
"Hiện tại, học sinh học bán trú sẽ ăn học tại nhà trường từ thứ Hai đến hết thứ Bảy. Nguồn kinh phí cho 3 bữa ăn được trích từ 720 nghìn đồng/tháng của học sinh, gia đình không phải đóng góp do hoàn cảnh khó khăn", thầy Quý nói.
Chia sẻ về nguồn lương thực thực phẩm cho các em, vị Hiệu trưởng cho hay, trong năm học (tháng 11 và tháng 3), nhà trường nhận gạo hỗ trợ (theo Nghị định 116) để phục vụ cho việc nấu ăn tại trường và số gạo còn lại cấp phát cho mỗi em là khoảng 15kg gạo/đợt.
Về đề xuất thay vì hỗ trợ gạo, chuyển sang hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, thầy Quý đồng tình với đề xuất này. Bởi lẽ, gạo được cấp phát cho nhà trường là loại gạo đã được xử lý sơ chế, nhưng việc bảo quản gạo cũng hỏi sự cẩn thẩn, để tránh ẩm mốc, mối mọt.
Đối với nguồn cung cấp thực phẩm cho nhà trường, thầy Quý cho biết, nhà trường nhập thực phẩm từ các đại lý và có hợp đồng mua bán, đến thời điểm thanh toán sẽ được xuất hóa đơn.
"Nhà trường có thủ kho có vai trò quản lý, cấp phát gạo cho nhà bếp để bảo đảm sự khách quan", thầy Quý nói.
Nhà trường nằm xa trung tâm huyện, đường khó đi do đã bị xuống cấp nên thi thoảng mới có đoàn từ thiện đến tặng chăn màn, quần áo... cho các học sinh.
Khuôn viên sân trường và dãy nhà lớp học, phòng đội, phòng học trực tuyến. (Ảnh: NVCC) |
Đối với đề xuất, học sinh là dân tộc Kinh học tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách của học sinh vùng cao, thầy Quý đồng tình với đề xuất trên.
"Các em học sinh là dân tộc Kinh có nhà ở xa nên cho các em được hưởng chế độ chính sách bán trú để đỡ thiệt thòi. Bởi lẽ gia đình các em nếu khá giả sẽ không bỏ quê đi làm ăn xa", vị Hiệu trưởng nêu quan điểm.
Công tác quản lí học sinh bán trú cũng có một số nội dung bất cập, khi học sinh nội trú được hưởng chế độ chính sách cao hơn bán trú. Dù số lượng học sinh ở bán trú ít hơn với trường nội trú nhưng các hoạt động, sinh hoạt, học tập không khác nhau.
"Học sinh nội trú có chế độ ăn cao hơn và các khoản thanh toán chính sách cũng nhanh hơn. Còn đối với học sinh bán trú thì ngược lại", thầy Quý chia sẻ.
Cũng liên quan đến các nội dung này, thầy Nguyễn Xuân Trường (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Hồ Bốn, Mù Cang Chải, Yên Bái) cho hay, nhà trường có hơn 800 học sinh của hai cấp học, trong đó có 636 học sinh ăn bán trú.
Nếu đề xuất tăng tiền ăn bán trú được thông qua, tôi cảm thấy rất ý nghĩa với gia đình và các em, bởi vì giá cả thực phẩm theo thị trường giờ cũng tăng, kéo theo khẩu phần thức ăn cũng bị giảm.
Các học sinh của nhà trường bị ảnh hưởng bởi lũ quét ngày 5/8/2023 nhận chăn từ các cơ quan đoàn thể trao tặng. (Ảnh: Nhà trường) |
Nhà trường cách trung tâm huyện khoảng 20km, người dân địa phương phần đông là dân tộc Mông.
Hằng ngày, bữa sáng các em được ăn mỳ tôm, xôi, cơm... đến bữa trưa, tối bữa ăn có thịt, trứng, rau đậu...
Đối với đề xuất cấp phát tiền mặt thay vì cấp phát gạo, thầy Trường đồng tình với đề xuất này để tránh việc bảo quản gạo tại trường để lâu ngày bị hư hỏng, hoặc chất lượng gạo bị ảnh hưởng.
Thầy Trường chia sẻ, nếu như được tăng kinh phí quản lý học sinh bán trú, cũng sẽ là nguồn khích lệ động viên cho các thầy cô.
Dự thảo đề xuất các chính sách cho trường phổ thông dân tộc bán trú. (Ảnh: cắt màn hình) |
Đối với các thầy cô giáo dạy tại trường bán trú, cơ sở vật chất như phòng ở, bếp ăn... chưa được đầu tư nhiều, phòng học diện tích chật hẹp, đông học sinh... nên họ thường rất vất vả.
"Một phòng ở của học sinh tại nhà trường là khoảng 60-70 học sinh, còn các thầy cô giáo vừa dạy học vừa phải trực ở trường để quản lý học sinh có khi 2 ngày/tuần.
Hiện tại nhà trường có 35 giáo viên/hơn 800 học sinh, số lượng giáo viên quá ít nên công tác quản lí học sinh cũng vất vả hơn, khi cha mẹ phó thác cho nhà trường", thầy Trường nói và cho biết, đối tượng học sinh nội trú có sự tuyển chọn khắt khe hơn trong đầu vào nên việc quản lý cũng bớt áp lực vất vả hơn.