Có học sinh di chuyển gần 200km để đi học, trường mong có thêm nhà bán trú

30/08/2022 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, phòng học tạm cũng là nỗi lo còn nhiều thử thách đối với các trường vùng cao, biên giới khó khăn.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất và mức đầu tư cho giáo dục hạn chế là khó khăn điển hình của hầu hết các trường vùng núi, biên giới. Năm học mới cận kề, bên cạnh chuyện thiếu giáo viên, nỗi lo thiếu phòng học đang tạo thêm gánh nặng đối với nhiều trường. Mong mỏi chung của thầy, trò vùng cao là sớm chỉnh trang trường học, mở thêm lớp và xây dựng ký túc xá, để không còn cảnh học sinh thuê trọ ngoài hay di chuyển hơn 200km mới đến trường.

3 khối, 21 lớp, nhưng gần 10 năm chỉ có 2 giáo viên môn Lịch sử

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cho biết, mặc dù đã được quan tâm của các cấp, ngành về phát triển giáo dục, song nhiều năm nay, trường vẫn phải đối mặt với thực trạng thiếu phòng học.

“Bên cạnh bài toán thiếu giáo viên, nhà trường còn đang đối mặt với tình trạng thiếu lớp học, nhà bán trú cho học sinh ở xa trường.

Hiện tại, trường chỉ có 21 phòng học, rất ít nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu học tập thực tế của địa phương. Dù rất muốn mở thêm phòng học nhưng trường gặp khó đủ đường.

Mỗi mùa tuyển sinh, trường phải đạt tối thiểu 8 lớp/khối (tương đương 24 lớp trong toàn trường) thì mới đáp ứng được nhu cầu của người học tuy nhiên, hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào trường chưa đạt 60% đồng thời căn cứ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hạ tầng kiến trúc hiện có thì trường chỉ có 21 lớp học”, thầy Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Nhiều năm nay, nhà trường phải trưng dụng 1 lớp học để làm phòng làm việc cho Ban Giám hiệu. Ngoài ra, 1 phòng đang thực hiện 3 chức năng: phòng thư viện vừa là nơi phòng sinh hoạt chung vừa là phòng chờ cho giáo viên nên hiệu quả hoạt động chuyên môn không cao.

“Vị trí biên chế nhân viên y tế học đường bị cắt nên trường không có phòng y tế hơn 1 năm nay. Trong trường hợp tai nạn, dịch bệnh COVID-19 phát sinh thì trường chủ trương sử dụng phòng bảo vệ, phòng thực hành để thay thế. Không đủ phòng học, phòng chức năng khiến trường gặp nhiều điểm khó trong việc sắp xếp các hoạt động giáo dục và các hoạt động khác liên quan”, thầy Đinh Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Cũng theo thầy Phó Hiệu trưởng, năm học 2022-2023, tính theo định mức, nhà trường đang thiếu 6 giáo viên các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh và Công nghệ. Ngoài ra, 4 giáo viên nghỉ theo chế độ thai sản nên tổng cộng trường thiếu 10 giáo viên trước thềm năm học mới.

“Hiện tại, nhà trường mới chỉ nhận thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ biệt phái 3 giáo viên về trường. Từ nay đến năm học mới bắt đầu, nếu không đủ giáo viên thì chỉ có một cách duy nhất đó là tăng tiết dạy. Tuy nhiên, điều này rất khó vì các thầy cô vốn đã phải dạy vượt số tiết từ lâu.

Đơn cử, môn Lịch sử, gần 10 năm qua, trường chỉ có 2 giáo viên. Năm nay, 2 giáo viên này tiếp tục gồng mình để dạy cho cả 3 khối, mỗi khối 7 lớp. Hơn nữa, môn Lịch sử là môn bắt buộc đối với khối 10 chương trình giáo dục phổ thông mới nên giáo viên không chỉ quá tải mà còn áp lực hơn”, Phó Hiệu trưởng chia sẻ về những khó khăn.

Sông Mã thuộc huyện vùng cao, biên giới trải rộng nên hệ thống các điểm trường tương đối lớn, học sinh nhà cách xa trường phải thuê nhà trọ hoặc ở bán trú. Theo thống kê, toàn huyện Sông mã còn khoảng 70 phòng học tạm đến nay chưa được tu sửa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Học sinh di chuyển gần 200km để đến trường

Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) chia sẻ: “Để chuẩn bị năm học mới, đối với lớp 10, nhà trường thông báo đến học sinh, phụ huynh chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa theo các đầu sách. Còn lớp 11 và 12, trường vận động thực hiện “khóa trước ra trường tặng sách khóa sau”, các giáo viên chủ nhiệm làm chủ đầu mối thu nhận và phát sách cho học sinh. Đến thời điểm hiện tại, chuẩn bị sách giáo khoa là nhiệm vụ khó nhất thì nhà trường đã cơ bản hoàn tất.

Còn về đội ngũ giáo viên, trường mới chỉ đạt 2,09 giáo viên/lớp, so với quy định trong Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/7/2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập là mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp thì trường hiện vẫn thiếu giáo viên.

Năm nay, trường có 9 lớp 10, trong đó 5 lớp học các môn Khoa học tự nhiên. Nhu cầu thực tế cho thấy các em muốn học nhóm môn Khoa học xã hội nhiều hơn nhưng trường phải dựa trên các điều kiện hiện có như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện tư vấn chọn môn”.

Quang cảnh Trường Trung học phổ thông Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: website nhà trường).

Quang cảnh Trường Trung học phổ thông Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: website nhà trường).

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, dù là trường đạt chuẩn quốc gia nhưng trường ở khu vực miền núi nên vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị. Hiện tại, trường có 22-24 lớp học. Mặc dù trong chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, tầm nhìn đến năm 2025 của trường là phấn đấu đạt 27 lớp. Song, các nguồn kinh phí và dự án đầu tư vẫn chưa phân bổ về trường nên việc thực hiện các mục tiêu về xây dựng, mở rộng lớp học đang gặp khó.

Với tính chất vùng miền, học sinh phần lớn là các dân tộc Thái, Mông, Xinh Mun, đời sống còn muôn vàn thiếu thốn. Nếu không được quan tâm thì đây là những học sinh có nguy cơ bỏ học cao. Vì vậy, việc xây dựng khu bán trú có ý nghĩa quan trọng.

“Năm nay, nhà trường tuyển sinh cho 3 xã, trong đó có 2 xã thuộc danh mục xã, bản đặc biệt khó khăn theo các quyết định của Chính phủ và Ủy ban dân tộc. Nếu như năm trước, trường tuyển sinh 2 xã, đối tượng hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là 100 em, thì năm học này, con số đã tăng vọt lên hơn 300 em do mở rộng tuyển sinh.

Điều chúng tôi mong muốn là củng cố cơ sở vật chất, mở rộng chỗ ở cho học sinh thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, dù đã báo cáo trình Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.

Căn cứ vào số lượng học sinh, nhà trường mong muốn có thêm 36 phòng ở mới, kết hợp cùng với dãy ký túc xá cũ để tất cả học sinh thuộc diện hưởng chế độ chính sách được tham gia ở, nghỉ ngơi tập trung, tạo thuận lợi trong học tập”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Lý giải điều này, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trừ đi số học sinh đã tốt nghiệp, thì hiện trường có 80 học sinh thuộc diện hưởng chính sách đang ở tại trường nhưng còn hơn 300 học sinh dù cũng thuộc diện chính sách phải thuê trọ ở ngoài, trong đó, có học sinh nhà cách xa trường gần 200km. Do đó, rất cần có nhà bán trú để các em yên tâm ở và tham gia học tập. Điều này không chỉ tạo công bằng mà còn nâng cao chất lượng công tác quản lý, hạn chế rủi ro, mất an toàn khi học sinh ở ngoài trường.

Cũng giống như nhiều trường học khác trên địa bàn, nhiều năm liền, trường chưa có nhà hiệu bộ và phải sử dụng trái công năng của một số phòng học.

Về vấn đề này, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, để từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực tài chính để hỗ trợ xây dựng trường lớp.

Đặc biệt, các cấp, ngành cần có giải pháp cụ thể đối với các trường khó khăn về cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu phòng học ở các trường.

“Một trong những khó khăn nữa đối với nhà trường đó là kinh phí để xây dựng thư viện. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhu cầu sử dụng sách giáo khoa mới rất lớn. Tuy nhiên, nhà trường chưa được bố trí kinh phí để bổ sung các đầu sách còn thiếu.

Về công tác tập huấn, trường yêu cầu tất cả giáo viên tham gia để trong trường hợp giáo viên lớp 10 nghỉ có lý do thì giáo viên lớp 11 vẫn có thể dạy thay, tránh đứt gãy nguồn nhân lực, ảnh hưởng quyền lợi học tập của học trò. Trường bố trí mỗi giáo viên một bộ sách giáo khoa tương ứng để phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên, phía nhà sách chưa cung ứng kịp nên tinh thần chung sẽ để thầy cô sử dụng sách điện tử”, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

Trước thềm năm học mới, bên cạnh chuyện thiếu giáo viên, thì thực trạng thiếu phòng học, nhà hiệu bộ, thư viện, khu bán trú cho học sinh... vẫn là vấn đề nan giải đối với hầu hết các trường vùng cao, biên giới khó khăn. Đáng nói, tình trạng này diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được triệt để. Thiết nghĩ, chỉ khi trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, vật chất thì trường học mới thu hút được đội ngũ giáo viên, đời sống ổn định, từ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo mới nâng lên.

Ngọc Mai