Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2018-2020, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học đạt từ 0,25-0,27% GDP, tương ứng 13.640-16.700 tỷ đồng. Nhưng con số thực tế có thể thấp hơn, khoảng 0,18%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức chi của các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học đề xuất nhà nước tăng mức chi cho giáo dục đại học lên 0,5% GDP nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại Hội thảo Giáo dục 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh đánh giá việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là điều cần thiết:
"Đây cũng không phải là khoản đầu tư quá lớn. Nhưng nó có thể đạt hiệu quả rất cao", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cái khó nhất là tăng vào cái gì, tăng như thế nào? [1]
THỐNG KÊ MỨC CHI CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (GDĐH) TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA | ||||||
Quốc gia | Chi cho GDĐH theo % GDP | Mốc thời gian | Chi GDĐH trên tổng chi NSNN cho Giáo dục | Mốc thời gian | Chi NSNN/SV (ĐV: triệu đồng) | Mốc thời gian |
Malaysia | 1,13% | 2015 | 21,30% | 2018 | 62,3 | 2018 |
Singapore | 1% | 2015 | 35,28% | 2015 | 274,9 | 2015 |
Thái Lan | 0,64% | 2013 | 15,60% | 2013 | 26 | 2013 |
Hàn Quốc | 0,86% | 2016 | 20,50% | 2016 | 103,9 | 2016 |
Việt Nam | 0,18% | 2020 | 4,10% | 2020 | 6,8 | 2020 |
Kết quả thống kê của nhóm tác giả GS. TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Đại học Bách khoa Hà Nội, đăng tại kỷ yếu Hội thảo Giáo dục 2023 |
Đề xuất có chính sách đào tạo đặt hàng đối với nhân lực ngành nông nghiệp
Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiên Giang cho biết, tự chủ là một chủ trương lớn và quan trọng để phát triển giáo dục đại học. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn khi tự chủ, đặc biệt tự chủ về tài chính.
“Tự chủ đại học không có nghĩa là tự lo. Các trường đại học khi tiến hành tự chủ vẫn rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ nhà nước để phát triển”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh, và đề xuất nhà nước đẩy mạnh chính sách đầu tư cho các trường đại học theo hướng đặt hàng đào tạo.
Trong đó, nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cả trong quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, lãnh đạo Trường Đại học Kiên Giang đề xuất nhà nước cần có chính sách đào tạo đặt hàng đối với nhân lực ngành nông nghiệp.
Giờ thực hành của sinh viên ngành Khoa học cây trồng (Trường Đại học Kiên Giang) tại nhà lưới. Ảnh: website nhà trường |
Khi chính sách đặt hàng chưa được triển khai, thầy Khanh đề xuất nhà nước cần có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, khuyến khích sinh viên theo học các ngành nông - lâm - ngư nghiệp để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững cho các địa phương.
“Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm ưu thế. Song, nhiều năm gần đây, người học không còn mặn mà với các ngành học liên quan đến nông nghiệp. Điều này khiến các cơ sở đào tạo nhân lực ngành này gặp không ít khó khăn”, lãnh đạo Trường Đại học Kiên Giang trăn trở.
Ngoài ra, thầy Khanh đề xuất nhà nước cần tiếp tục đầu tư các điều kiện về cơ vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biệt, nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ các trường thực hiện nghiên cứu khoa học.
“Chất lượng đào tạo giáo dục đại học gắn chặt với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, kinh phí từ học phí để bù đắp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu. Vì vậy, cần có khoản ngân sách xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học.
Nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp là con đường có lợi nhất để đào tạo ra nguồn nhân lực nhất cho sự phát triển kinh tế bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh khẳng định.
Trước đó, trong buổi gặp gỡ giữa các nhà giáo với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vào hồi giữa tháng 8, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhận định, một trong những điểm nghẽn ở các trường đại học hiện nay là về cơ sở vật chất.
“Bức tranh chung về hệ thống đại học là nghèo về cơ sở vật chất. Bao giờ chúng ta "thoát nghèo" về cơ sở vật chất thì các trường đại học mới có cơ hội phát triển mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.[2]
Cần có giải pháp thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học
Mặt khác, lãnh đạo Trường Đại học Kiên Giang cũng cho rằng, các trường đại học tiến tới tự chủ cần hướng đến đa dạng hóa nguồn thu, tránh lệ thuộc vào nguồn thu từ học phí. Thầy Khanh đề xuất cần có giải pháp thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học, giúp giảm gánh nặng chi ngân sách nhà nước.
“Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế mở để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại các trường đại học. Đơn cử như kinh phí doanh nghiệp đóng góp cho đào tạo/nghiên cứu khoa học thông qua dự án, hoặc sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng thì kinh phí này được khấu trừ thuế cho doanh nghiệp”, thầy Khanh đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, cần tập trung tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước phát triển.
Ngoài ra, Giáo sư Đặng Ứng Vận đề xuất cần thay đổi cách phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học theo hướng cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói nhằm tạo điều kiện để các trường công được tự chủ hơn.
Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Ứng Vận nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tạo cơ chế mở để các trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Hay nói cách khác chính là sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của các doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/ong-nguyen-dac-vinh-neu-tang-ngan-sach-dau-tu-cho-gddh-thi-tang-vao-cai-gi-post239044.gd
[2]: https://giaoduc.net.vn/du-kien-ca-nuoc-se-co-6-dai-hoc-vung-post237375.gd