Chỉ có "thợ dạy" mới cắt xén chương trình trên lớp để ép học sinh học thêm

26/11/2023 07:12
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên chân chính, người thầy đúng nghĩa luôn có lòng tự trọng nghề nghiệp, cắt xén chương trình trên lớp chẳng khác kẻ cắp.

Chuyện dạy thêm, học thêm ảnh hưởng đến từng gia đình học sinh nên thời gian vừa qua được xã hội quan tâm không có gì lạ.

Có ý kiến đề xuất cấm hẳn dạy thêm, học thêm trên cả nước, bên cạnh đó cũng không ít ý kiến đồng ý để dạy thêm, học thêm nhưng phải có biện pháp quản lý phù hợp.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, vấn đề dạy thêm, học thêm cũng được nhiều đại biểu quan tâm nêu lên. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nêu tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ông nêu có những lớp học thêm bên ngoài do giáo viên lách luật, mở lớp, gợi ý địa chỉ cho phụ huynh, rộng cửa đón học sinh chính khóa, bài học trên lớp lửng lơ nửa chừng sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa học thêm và không học thêm khiến cho phụ huynh rất bức xúc.

"Tiền bạc, công sức đưa đón đổ dồn gánh nặng lên mỗi gia đình. Nhiều gia đình quay cuồng với lịch học thêm của con em", đại biểu nêu.[1]

Ý kiến của này của đại biểu lập tức thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Vậy, giáo viên có cắt xén chương trình trên lớp để ép học sinh đi học thêm không?

Là một giáo viên, người viết cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của chính các đồng nghiệp - những người trong cuộc. Đa số đều cho rằng, không có giáo viên chân chính nào cắt xén chương trình trên lớp để ép học sinh đi học thêm cả, chỉ có “thợ dạy” mới làm điều đó.

Giáo viên chân chính, người thầy đúng nghĩa luôn có lòng tự trọng nghề nghiệp, cắt xén chương trình trên lớp chẳng khác kẻ cắp.

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Chuẩn kiến thức, chương trình đã có rồi, chỉ nhìn qua vở ghi của học sinh là biết ngay giáo viên có cắt xén không, nên không mấy ai dại làm điều đó.

Đặc biệt, khi ra đề kiểm tra, học sinh sẽ phản hồi ngay, phần này, kiến thức này của đề ra chưa học, chưa dạy, làm sao giấu được, vì có phải 100% học sinh đi học thêm đâu, lúc đó giáo viên trốn đi đâu?

Cắt xén chương trình trên lớp để ép học sinh đi học thêm chỉ có … thời xa vắng, còn hiện nay, với chương trình mới đâu cần dùng “chiêu” này, học sinh vẫn đi học thêm đầy ra đó thôi”.

Thực tế, chuyện học thêm, dạy thêm diễn ra ở cả thành phố, nông thôn. Mức độ có thể khác nhau nhưng việc dạy thêm, học thêm đều diễn ra không phân biệt cấp học, vùng miền.

Thậm chí, ở các khu đô thị, khu công nghiệp, học sinh mầm non đến giờ tan trường nhưng chưa đến giờ tan ca của bố mẹ, đành phải nhờ cô giáo đưa về nhà, dạy thêm, chờ bố mẹ tan ca đến đón con về.

Ở tiểu học, cấm dạy thêm với đối tượng học sinh học 2 buổi/ngày, nhưng thực tế, học sinh vẫn đi học thêm, vì học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, phụ huynh.

Một đồng nghiệp của người viết, có con học lớp 4 chia sẻ: “Thật lòng mà nói, mình cho con đi học thêm là do mình muốn nghỉ ngơi, chứ giờ đi làm cả ngày, tối về lại cặm cụi học với con nữa thì mệt lắm.

Ngoài ra, khi hướng dẫn con học, có lúc con nó lại phản ứng, cho rằng cách giải của mẹ là sai rồi.

Mỗi tháng chi thêm 500.000 đồng cho con học thêm, mình được nghỉ ngơi, có thể làm thêm, kiếm thêm nhiều hơn, nên cho con học thêm là tốt nhất”.

Một phụ huynh có con học lớp 4 chia sẻ với người viết: "Tôi đi làm thợ hồ, trình độ đâu mà bày cho cháu học.

Nếu tối không gửi cô học thêm, nó lại chơi điện thoại, chẳng chịu học hành gì, bố con lại cãi nhau, phiền phức lắm.

Mình ráng làm thêm vài giờ là có tiền cho con đi học rồi, đơn giản hơn nhiều so với việc cho con ở nhà mà quản nó".

Suy nghĩ cho con đi học để cha mẹ làm thêm, nghỉ ngơi là có thật của một bộ phận không nhỏ phụ huynh tiểu học hiện nay.

Với trung học, kiến thức nặng nề, thời gian có hạn, giáo viên không thể giải quyết các vấn đề vận dụng, sáng tạo trên lớp, để giải được phần vận dụng của đề kiểm tra, đề thi, học sinh phải học thêm.

Muốn không có học thêm, dạy thêm, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhà trường, gia đình, xã hội.

Dạy thêm, học thêm vô tư, trong sáng, vì mục đích nâng cao sự hiểu biết, vẫn là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/bac-si-mo-phong-kham-tu-thi-giao-vien-day-them-la-chinh-dang-2216887.html

Nguyễn Mạnh Cường