Theo tìm hiểu của phóng viên, trên website của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội hiển thị duy nhất báo cáo ba công khai của năm học 2022-2023.
Trong báo cáo ba công khai và Đề án tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây cho thấy, nhà trường chỉ có 1 phó giáo sư.
Cụ thể, tại báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 thống kê, nhà trường có 1 phó giáo sư (ngành Công nghệ may), 24 tiến sĩ, 198 thạc sĩ và 43 cử nhân. Ngành học có số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ nhiều nhất là ngành Công nghệ may (17 tiến sĩ), số thạc sĩ của chuyên ngành này cũng nhiều nhất với 103 thầy cô.
Tiếp đó là số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ của ngành Thiết kế thời trang và ngành Quản lý công nghiệp lần lượt là 34 và 21.
Thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho hay, thời gian qua, việc thu hút giảng viên, trong đó có giảng viên có trình độ giáo sư về làm việc tại địa bàn xa trung tâm thành phố không thuận lợi như các trường trong khu vực nội thành Hà Nội.
Số lượng giảng viên cơ hữu của nhà trường trong năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, Đề án tuyển sinh của nhà trường trong những năm gần đây cũng chỉ có 1 phó giáo sư. (Ảnh: cắt màn hình) |
Hiện nay, trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, không phải định hướng nghiên cứu, hơn nữa, trình độ đào tạo cao nhất của nhà trường mới là bậc đại học. Do đó, theo yêu cầu của Luật Giáo dục đại học 2018 thì trình độ tối thiểu của giảng viên là thạc sĩ, chủ trì ngành đào tạo và thực hiện các thành phần trong chương trình đào tạo là tiến sĩ. Do đó, việc chưa có giảng viên có học hàm giáo sư không ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo của nhà trường.
"Mặc dù vậy, nhà trường đã có kế hoạch, hỗ trợ để các giảng viên đã có trình độ tiến sĩ chuẩn bị đủ điều kiện để được phong hàm phó giáo sư trong giai đoạn 2023-2025", thầy Đức chia sẻ.
Vì sao quy mô đào tạo liên thông thấp?
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023, quy mô đào tạo hệ liên thông lên đại học trong những năm gần đây có những ngành khá thấp.
Cụ thể, tính đến 31/12/2021 quy mô đào tạo liên thông lên đại học ngành Công nghệ may là 14, và ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là 1.
Đến 31/12/2022, ngành Công nghệ may có quy mô đào tạo liên thông lên đại học chỉ còn 1.
Quy mô đào tạo liên thông tính đến cuối năm 2021 và 2022. |
Trả lời câu hỏi về việc với quy mô thấp như trên, việc bố trí giảng viên liệu có gặp khó khăn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Việc bố trí tiến độ học tập không khó khăn, chúng tôi thực hiện việc học ghép cho sinh viên này với sinh viên chính quy. Vì cùng ngành, cùng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra như nhau nên sinh viên chỉ cần học bổ sung các học phần còn thiếu về nội dung và khối lượng tín chỉ".
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên thấp, người học được hưởng lợi
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi của nhà trường đều thấp hơn (11,07-14,9 sinh viên/giảng viên) so với quy định tại Thông tư 03/2022/TT- BGDĐT (15-25 sinh viên/giảng viên, tùy vào lĩnh vực).
Thông tin về nội dung trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức cho hay, với tỷ lệ quy đổi sinh viên/giảng viên thấp thì người học sẽ được hưởng lợi, nhất là những học phần đồ án, thí nghiệm, thực hành và khóa luận tốt nghiệp. Giảng viên dành nhiều thời gian hướng dẫn cho sinh viên hơn.
Mặt khác, trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên được linh hoạt lựa chọn giảng viên theo nhu cầu.
Tổng diện tích sàn giảm gần 4.000m2, không phải là 3.000m2
Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, tổng diện tích sàn của bị giảm từ 41.399m2 xuống còn 38.449m2 (tương đương giảm 2.950m2) so với năm 2022.
Tổng diện tích sàn của nhà trường năm 2022 là 41.399 m2 và năm 2023 là 38.449 m2. (Ảnh: cắn màn hình) |
Tuy nhiên, theo cách tính tổng số liệu mà nhà trường cung cấp cho thấy, tổng diện tích sàn của năm 2023 đã giảm 3.890m2 so với năm 2022, chứ không phải giảm 2.950m2 (thống kê của phóng viên chênh lệch 940 m2 so với số liệu của nhà trường đưa ra).
Cụ thể, phòng Hội trường - giảng đường giảm 940m2 (18.670m2 xuống còn 17.730m2), phòng Hội trường - phòng học lớn trên 200 chỗ giảm 940m2 (2.056m2 xuống 1116m2), và Trung tâm nghiên cứu - phòng thí nghiệm - thực hành giảm 2.010m2 sàn (21.954m2 xuống 19.944m2).
Như vậy, tổng diện tích sàn của nhà trường năm 2023 chỉ còn là 37.509m2.
Về nội dung nêu trên, Phó Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận những con số mà phóng viên đưa ra. Theo đó, trong quá trình rà soát, đo đạc thực địa các phòng học, giảng đường, năm nay (2023) nhà trường đã có sự điều chỉnh về số liệu.
"Trước đây, cán bộ phụ trách căn cứ vào thiết kế của công trình đã lấy số liệu cả hành lang và các bộ phận phụ trợ của giảng đường, hội trường cộng chung.
Năm nay, nhà trường cho đo thực địa diện tích thực tế trong phòng để đưa vào báo cáo, nên có sự chênh lệch giảm về diện tích sàn như vậy", thầy Đức thông tin.
Không bắt buộc công khai toàn bộ báo cáo ba công khai các năm trước
Lý giải nguyên nhân hiện website của trường chỉ hiển thị báo cáo ba công khai của năm 2022-2023, những năm học còn lại phóng viên không tìm thấy dữ liệu, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đức cho hay, theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/12/2017 (còn hiệu lực), tại Điều 8 quy định hình thức và thời điểm công khai, nhà trường không phải bắt buộc công khai toàn bộ báo cáo ba công khai các năm trước đó.
Tuy vậy, những năm trước đây nhà trường đều công bố các báo cáo 3 công khai.
"Hiện nay, hệ thống máy chủ webite đang trong giai đoạn cấu hình lại để triển khai phần mềm Quản trị đại học số (Dschool) – đây là hệ thống đòi hỏi không gian hạ tầng lớn nên khả năng lưu trữ của máy chủ bị hạn chế, sắp tới khi hoàn tất nhà trường sẽ cập nhật đầy đủ báo cáo ba công khai lên website khi có yêu cầu.
Ngoài ra, giảng viên, sinh viên, người học và các bên liên quan muốn tiếp cận, có thể vào bảng tin tại thư viện nhà trường, hoặc liên hệ với đơn vị đầu mối là Trung tâm đảm bảo chất lượng để được cung cấp", thầy Đức thông tin.