Chính phủ điều chỉnh lộ trình tăng học phí giúp trường đại học “thở phào”

05/01/2024 06:32
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc điều chỉnh lộ trình tăng học phí theo Nghị định 97 được nhiều chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đánh giá là phù hợp với thực tiễn. 

Sau 3 năm thực hiện không tăng học phí để chia sẻ với xã hội, từ năm học 2023 - 2024, Chính phủ đã chính thức cho phép các cơ sở giáo dục đại học được điều chỉnh tăng học phí. Quyết định mới này được nhiều chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đánh giá là phù hợp với thực tiễn.

Ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 97).

Nghị định 97 quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép điều chỉnh tăng học phí theo hướng lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 81). Theo đó, học phí năm học 2023 - 2024 sẽ được thu bằng mức học phí năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Nghị định 81.

Trường đại học gỡ được nút thắt

Lãnh đạo một trường đại học y dược ở miền Bắc chia sẻ, hiện nay nguồn thu của các trường đại học tự chủ vẫn chủ yếu dựa vào học phí. Trong khi đó, vì ảnh hưởng dịch bệnh nên 3 năm học qua các trường không được tăng học phí; điều này đã khiến hầu hết các trường rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí có trường phải vay mượn để có đủ kinh phí trả lương cho giảng viên.

Nghị định 97 là giải pháp quan trọng giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống giảng viên.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo, “sứ mệnh chính của cơ sở giáo dục đại học là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vấn đề tiền bạc là chuyện thiết yếu, nhưng không phải là hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh cảnh kinh tế-xã hội đất nước còn chịu nhiều ảnh hưởng sau đại dịch.

Do đó, các cơ sở giáo dục sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” cân đối các hoạt động trong nhà trường để đảm bảo thực hiện tốt sứ mệnh của mình”, vị lãnh đạo nêu quan điểm.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thực tế hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều đã thực hiện tạm thu học phí năm học 2023 - 2024 theo mức quy định của Nghị định 97.

Là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3, vừa qua, Trường Đại học Nha Trang cũng đã tạm thu học phí năm học 2023-2024 theo khung của năm học 2022-2023 với tinh thần "lùi lộ trình học phí 1 năm" so với Nghị định 81.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho biết, theo quy định tại Nghị định 97, trường sẽ không phải điều chỉnh mức học phí đã thu trước đó.

“Quyết định cho phép điều chỉnh tăng học phí của Chính phủ là chính sách quan trọng giúp trường đại học có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo (thông qua các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đào tạo,...), cải thiện đời sống cán bộ, giảng viên...”, đại diện Trường Đại học Nha Trang chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Phương, Nghị định 97 đã quy định rõ lộ trình học phí từ nay đến năm học 2026-2027. Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng mức thu học phí theo đúng quy định, từ đó chủ động trong việc lập kế hoạch tài chính, đầu tư phát triển phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học,...

Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường thực hiện mức thu học phí khoảng 30 triệu đồng/năm với khóa sinh viên nhập học năm 2023 (sinh viên học 3,5 năm, tương đương khoảng 105 triệu đồng/sinh viên/khóa học).

Với sinh viên nhập học năm 2022, nhà trường thu học phí khoảng 28 triệu đồng/sinh viên/năm (sinh viên học 3,5 năm, tương đương khoảng 98 triệu đồng/sinh viên/khóa học).

Mức thu học phí này không thay đổi trong các năm học của sinh viên.

Đồng tình với những thay đổi về quy định điều chỉnh lộ trình học phí của Chính phủ, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, Nghị định 97 là cơ sở quan trọng để các trường đại học làm căn cứ pháp lý để xây dựng, tính toán mức thu học phí phù hợp. Lộ trình học phí lùi 1 năm so với Nghị định 81 vừa giúp “gỡ khó” cho trường đại học sau nhiều năm không được tăng học phí, đồng thời đảm bảo mức tăng không quá “sốc nhiệt” với người học.

Cũng cho rằng việc điều chỉnh quy định về học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị định 97 là phù hợp với thực tế, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, nhiều năm không tăng học phí đã khiến các trường đại học tự chủ gặp không ít lao đao.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn có chất lượng tốt bắt buộc phải có sự đầu tư xứng đáng. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục tăng học phí phải đi liền với tăng chất lượng đào tạo, có trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch với người học và xã hội.

Đa dạng hình thức hỗ trợ tài chính cho sinh viên

Bên cạnh quyết định lùi lộ trình học phí, các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 vẫn được tiếp tục giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.

Về phía các trường đại học, ngoài các chính sách hỗ trợ sinh viên theo quy định của nhà nước, các trường cũng xây dựng thêm các quỹ học bổng, chính sách hỗ trợ khác thông qua việc phát huy nguồn lực từ doanh nghiệp, cựu sinh viên,...

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Năm học 2023-2024, quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 43 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 5 tỷ đồng so với năm học 2022-2023. Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, quỹ hỗ trợ được dành cho các khoản hỗ trợ học bổng sinh viên có thành tích tốt, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có người thân học cùng học ở trường,...

Thông qua việc tận dụng nguồn lực bên ngoài như từ doanh nghiệp, các mạnh thường quân, cựu sinh viên,... Trường Đại học Nha Trang cũng có các chính sách hỗ trợ cho sinh viên có kết quả học tập tốt, sinh viên có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, sinh viên đạt giải trong các cuộc thi quốc gia/quốc tế, hỗ trợ chi phí cho sinh viên tham gia trao đổi nước ngoài,...

Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh có chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất dành cho sinh viên đóng học phí. Theo Phó giáo sư Trần Thiên Phúc, đây là hoạt động của Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách Khoa (BKA).

Sinh viên được vay tối đa bằng học phí phải đóng mỗi kỳ, mỗi người được vay tối đa 4 lần. Hàng năm, sinh viên thanh toán lãi suất (6-8% một năm) cho ngân hàng. Khi trả hết nợ gốc, toàn bộ tiền lãi trong thời gian vay sẽ được quỹ BKA chuyển lại cho sinh viên.

“Tuy nhiên, nếu trong quá trình đó, sinh viên có kết quả học tập từ 8/10, hoàn cảnh gia đình khó khăn, BKA sẽ xét cấp học bổng bằng 50% hoặc toàn bộ khoản vay”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.

Theo thầy Phúc, chương trình hỗ trợ vay vốn dành cho tất cả sinh viên, không phân biệt giàu, nghèo với thủ tục đơn giản, thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Việc hỗ trợ sinh viên vay vốn đóng học phí cũng là một cách rèn luyện cho sinh viên sự tự lập và có trách nhiệm với khoản vay.

Chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn học tập cũng đang được Chính phủ triển khai. Theo quy định hiện hành, mỗi sinh viên được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng (tối đa tương đương 40 triệu đồng/năm học 10 tháng).Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng cho sinh viên mồ côi; gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… (theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg và Quyết định 05/2022/QĐ-TTg).

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học đều cho rằng, chính sách vay vốn đang có nhiều bất cập khi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.

“Cần mở rộng thêm đối tượng, định mức vay vốn và đơn giản hơn các thủ tục để sinh viên dễ dàng hơn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 97

Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 97

Căn cứ Nghị định 97, mức trần học phí năm học 2023-2024 với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 1,2-2,45 triệu đồng/sinh viên/ tháng, tùy nhóm ngành. Mức thu các năm trước là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Doãn Nhàn