Lãnh đạo trường đại học kiến nghị nhà nước cấp bù phần học phí không được tăng

12/09/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không được cấp bù ngân sách cho phần thâm hụt từ học phí thì các trường đại học sẽ rất khó khăn trong khoản thu - chi. 

Dự kiến việc điều chỉnh Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học mới 2023-2024 để chia sẻ với người học nhưng theo lãnh đạo một số trường đại học, chưa tăng học phí trong khi chi lương cho giảng viên tăng khiến trường gặp nhiều khó khăn về cân đối khoản thu - chi.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, dù nhất trí với chủ trương không tăng học phí của Chính phủ trong năm học 2023-2024, nhưng đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học khác nói chung, không được tăng học phí khiến trường phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Nhà trường chủ trương đầu tư chi tiêu tiết kiệm tối đa. Ví dụ, trường xem xét những khoản chi chưa thực sự cần thiết sẽ chi sau (như việc đầu tư trang thiết bị,...). Ưu tiên những khoản chi phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy, đảm bảo đời sống cán bộ giảng viên (tiền lương, thưởng).

“Trường quán triệt việc thực hiện chi tiêu tiết kiệm nhưng phải nhất định không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Điều này cũng đã được nhà trường thực hiện trong những năm học trước do không được tăng học phí”, thầy Anh Đức chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong tiết học. (Ảnh: website nhà trường).

Cũng theo thầy Anh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có nguồn thu từ học phí khoảng hơn 80% trong tổng thu của trường/năm. Khi không được tăng học phí, trường xây dựng kế hoạch nhằm tăng các nguồn thu khác từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để khắc phục khó khăn, đảm bảo thu – chi cho trường.

Với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu từ hoạt động này đang chiếm khoảng 20% tổng thu của trường. Hiện việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu đến từ nhà nước hoặc các doanh nghiệp. Song, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa được nhà nước đầu tư nhiều cho các dự án nghiên cứu khoa học. Như vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường chỉ còn từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện quy định pháp luật liên quan đến thương mại hóa các sáng chế, sáng tạo, chuyển giao công nghệ giữa nhà trường – doanh nghiệp chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Do vậy, vị Chủ tịch Hội đồng trường đề nghị Chính phủ tiếp tục có phương án nghiên cứu nhằm hỗ trợ các trường đại học khi không tăng học phí.

Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng cho biết, không được tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường đại học, nhất là những trường đại học công lập tự chủ tài chính, không được nhận ngân sách nhà nước.

“Với mức học phí hiện nay của trường là 295.000 đồng/tín chỉ, nếu được tăng học phí, trường sẽ thu về thêm khoảng từ 300-500 triệu đồng/năm học từ học phí”, thầy Tường chia sẻ.

Trước khó khăn khi không được tăng học phí, thầy Tường cho rằng, nhà nước có thể hỗ trợ các trường đại học bằng nhiều cách như: giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để tạo nguồn thu cho trường, đầu tư dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí cấp bù phần học phí không tăng; đặt hàng đào tạo,...

“Các trường đại học thực hiện tự chủ nên được nhà nước cấp bù phần thâm hụt do không được tăng học phí. Song, việc cấp bù kinh phí cũng không thể cào bằng, mà phải căn cứ đặc điểm, đặc thù của từng trường đại học để có quy định mức bù kinh phí sao cho phù hợp”, thầy Tường chia sẻ.

Trước đề xuất nhà nước cấp bù phần thâm hụt từ học phí không tăng, một vị phó hiệu trưởng trường đại học ở Hà Nội cho rằng việc này khó thực hiện vì còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Theo vị này, năm học 2023-2024 không tăng học phí là thử thách với các trường đại học, đặc biệt là trường đại học đào tạo khối kỹ thuật.

“Nguồn thu chủ yếu của trường đại học đến từ học phí. Chúng ta phải xác định học phí là nguồn để đảm bảo chi cho các hoạt động giáo dục và đào tạo, cũng như các hoạt động của nhà trường. Do đó, không tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo”, phó hiệu trưởng chia sẻ.

Trong năm học mới 2023-2024, để đảm bảo nguồn chi cho các nhiệm vụ thiết yếu (tiền lương giảng viên, hoạt động giáo dục đào tạo), nhà trường giảm chi điện, nước, và những khoản chưa cần thiết theo từng tháng để dễ dàng điều tiết.

Tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học cũng là giải pháp được trường đại học tập trung triển khai khi không tăng học phí. Tuy nhiên, theo vị phó hiệu trưởng, việc tăng nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cũng gặp khó khăn vì phải chi tiền của nhà trường ra để giảng viên thực hiện đề tài.

Thực tế trước đây, đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, nhà trường chi khoảng 30 triệu đồng/đề tài (tổng 1 năm chi từ 3-4 tỷ cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở), còn sắp tới, để đảm bảo kinh phí hoạt động, trường chỉ chi 20 triệu đồng/đề tài.

Vị này kiến nghị cần các chính sách đủ mạnh của Chính phủ để chia sẻ với trường đại học trong bối cảnh không được tăng học phí năm học 2023-2024, nhất là việc vẫn phải chi tăng tiền lương cho giảng viên.

"Nhà trường muốn ưu tiên chi trả tiền lương cho giảng viên, giảng viên phấn khởi nhưng nhà trường “lấy đâu ra tiền” khi học phí không tăng.

Về lâu dài, nếu không tăng học phí, trường sẽ phải giảm quy mô đào tạo, giảm số lượng giảng viên, giảm chi (chi cho nghiên cứu khoa học, hoạt động giáo dục và đào tạo,... - PV)", thầy phó hiệu trưởng chia sẻ.

Ngọc Mai