Tuyển GV nước ngoài: Trường ĐH công lập rất cần nhưng thủ tục lại không dễ

14/01/2024 08:05
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thủ tục xin cấp phép lao động khó khăn, chi phí chi trả cao,... là một số lý do khiến nhiều trường đại học công lập khó tuyển dụng giảng viên người nước ngoài.

Việc sử dụng giảng viên người nước ngoài ở các trường đại học nhằm giúp cho người học và nhà trường tiệm cận hơn với chất lượng đào tạo quốc tế. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đội ngũ này lại không phải đơn giản.

Tốn nhiều thời gian cho giấy phép lao động của giảng viên người nước ngoài

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, việc sử dụng giảng viên người nước ngoài đến từ những nước tiên tiến, phát triển về giáo dục, khoa học - công nghệ, có mô hình nghiên cứu, mô hình đào tạo tiên tiến là rất quan trọng và cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học của nước ta hiện nay.

Bởi, bên cạnh việc truyền bá kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, việc sử dụng đội ngũ này còn góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và tiên tiến cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế cũng như đáp ứng đòi hỏi về sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Ảnh minh họa (Nguồn: VNU).

Ảnh minh họa (Nguồn: VNU).

Tuy nhiên, không giống với các trường đại học tư thục, hiện các trường đại học công lập muốn tuyển dụng được đội ngũ giảng viên người nước ngoài để đáp ứng chiến lược, mục tiêu phát triển đặt ra không phải điều đơn giản.

Đơn cử như số lượng giảng viên người nước ngoài đang làm việc ở Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện cũng chỉ có khoảng hai người. Theo thầy Trình, việc tuyển dụng đội ngũ này chưa được như mong muốn bởi trường có nhu cầu nhưng số lượng đối tượng giảng viên phù hợp lại tương đối ít.

Số lượng đã không có nhiều mà thủ tục xin giấy phép lao động để tuyển dụng giảng viên người nước ngoài, thậm chí là khi xin gia hạn thêm thời gian cho đội ngũ này cũng rất khó khăn và tốn thời gian.

Thầy Trình chia sẻ, nhà trường đang có sự gắn kết rất tốt với nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu phát triển.

Chính vì vậy, vừa qua, trường đã tuyển dụng một giảng viên người Hàn Quốc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhằm gia tăng hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho giảng viên này lại rất khó khăn, phải tốn hàng tháng trời mới thực hiện xong.

Việc khó khăn khi làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho đội ngũ cán bộ, giảng viên người nước ngoài cũng là vướng mắc mà Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải.

Theo chia sẻ từ Thạc sỹ Dương Minh Mẫn – Phó trưởng phòng Quản trị nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện đội ngũ nhân lực người nước ngoài của nhà trường có 04 người (giảng viên toàn thời gian) và 104 đối tượng hợp tác nghiên cứu (research fellowship).

Theo thầy Mẫn, phần lớn đội ngũ này đến từ những quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, … và hầu hết là có trình độ tiến sĩ trở lên (riêng 01 trường hợp thạc sĩ là tình nguyện viên tiếp nhận do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thông qua cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam là Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp một tình nguyện viên từ Chương trình Giảng viên Anh ngữ Tình nguyện, đến làm việc tại nhà trường trong năm học 2023-2024).

Trong giai đoạn hiện nay, số lượng giảng viên người nước ngoài tương đối đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của nhà trường.

Cụ thể, giảng viên người nước ngoài tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo mà còn tham gia tích cực trong việc hỗ trợ giảng viên trong nước nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp giảng dạy hiện đại... Hầu hết các giảng viên đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, hướng đến mục tiêu hội nhập toàn diện trong nghiên cứu, đào tạo, hợp tác và quản trị.

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thuận lợi khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, đảm bảo thu nhập thỏa đáng cho viên chức, người lao động; mạng lưới đối tác quốc tế rộng cùng với nhiều dự án quốc tế đa dạng; có các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; nhiều chương trình liên kết quốc tế,…

Tuy nhiên, việc sử dụng đội ngũ nhân lực người nước ngoài của trường vẫn gặp một số khó khăn do thủ tục xin giấy phép lao động đòi hỏi khá nhiều thời gian; khái niệm giảng viên làm việc toàn thời gian chưa phân định rõ những đối tượng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu theo chế độ làm việc từ xa.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), số lượng giảng viên là người nước ngoài của trường không nhiều. Thông thường, đội ngũ này chỉ đảm nhận giảng dạy các chương trình liên kết quốc tế hoặc một số học phần về ngôn ngữ; tham gia hợp tác, trao đổi với nhà trường trong thực hiện các dự án nghiên cứu.

Lý giải nguyên nhân vì sao trường không tuyển dụng nhiều giảng viên là người nước ngoài, thầy Phi Anh bày tỏ, đội ngũ giảng viên người Việt của nhà trường hầu hết được đi học nâng cao trình độ từ các quốc gia tiên tiến, phát triển trên thế giới như Anh, Úc, Mỹ,... nên hoàn toàn có thể đảm nhận giảng dạy được các chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Hiện, đội ngũ giảng viên của nhà trường cũng có nhiều thầy cô giỏi về nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, được công bố trên nhiều tạp chí quốc tế có uy tín.

Cũng theo thầy Phi Anh, việc chi trả chi phí cho đội ngũ giảng viên nước ngoài thường lớn hơn so với giảng viên người Việt. Đây là khó khăn chung đối với nhiều trường đại học công lập.

Do đó, với cách làm trên, trường cũng khá chủ động trong việc sử dụng đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, mỗi trường có một định hướng phát triển khác nhau, có thể nhiều đơn vị bắt buộc cần đến đội ngũ giảng viên là người nước ngoài, khi không có đội ngũ giảng viên trong nước đáp ứng được yêu cầu cho những chương trình quốc tế.

Bộ cần có cơ chế liên kết cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Trước băn khoăn, thắc mắc của một số người về việc tại sao lại phải tuyển dụng giảng viên người nước ngoài và liệu việc tuyển dụng đó có làm mất đi cơ hội việc làm của người Việt Nam, Giáo sư Chử Đức Trình cho hay, đối với vấn đề này, chúng ta không thể tư duy một cách cơ học như bình thường. Bởi, nếu các đơn vị có chiến lược phát triển và chính sách tốt, chính những giảng viên nước ngoài này lại tạo ra nhiều vị trí việc làm hơn, tăng thêm cơ hội cho nhiều người.

Do vậy, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài để thực hiện mong muốn là xây dựng môi trường giảng dạy, học tập và nghiên cứu quốc tế.

Ảnh minh họa (Nguồn: UEH).

Ảnh minh họa (Nguồn: UEH).

Trong đó, mỗi chương trình đào tạo của nhà trường sẽ đều có sự tham gia của các giảng viên và sinh viên người nước ngoài. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhiệm vụ chiến lược là xây dựng môi trường làm việc và học tập quốc tế của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Môi trường làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu quốc tế là cơ sở để nhà trường triển khai thành công được các phương pháp quản trị tiên tiến, phương pháp giảng dạy hiện đại, nghiên cứu đỉnh cao, tăng cường các kênh kết nối trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi có được môi trường và văn hóa làm việc tốt, hiện đại như vậy, tất yếu kỷ luật lao động, năng suất lao động và quan trọng nhất là chuẩn đầu ra của người học đều sẽ tăng lên.

Ngoài ra, trước yêu cầu về kinh nghiệm làm việc của ứng viên người nước ngoài muốn giảng dạy tại trường đại học phải có từ 3-5 năm kinh nghiệm chuyên môn theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ, thầy Trình cho rằng, đây là quy định đúng đắn.

Bởi, các trường đại học tuyển dụng đối tượng này không phải để đào tạo lại mà để có thể khai thác được những kỹ năng, ưu điểm, kiến thức mà họ đã có khi đã làm việc ở môi trường tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay, tất yếu cũng tạo ra những ngành học mà thị trường lao động và xã hội trong nước cần mà có thể trên thế giới chưa có ngành học đó. Và để tuyển dụng giảng viên người nước ngoài có kinh nghiệm đúng chuyên môn như quy định trên sẽ là bài toán khó.

Để thu hút giảng viên nước ngoài, bên cạnh bài toán tài chính, môi trường và văn hóa làm việc cũng là yếu tố rất quan trọng.

Trên thực tế, nhiều sinh viên Việt Nam khi học trong nước còn có thái độ học tập thụ động, thiếu tinh thần sáng tạo, nhưng khi đi du học, tham gia vào môi trường quốc tế, các bạn lại có tinh thần rất chủ động và tự chủ.

Do đó, nếu muốn thu hút nguồn giảng viên là người nước ngoài có chất lượng, các trường cũng cần phải thay đổi văn hóa làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học, người học phải chủ động hơn, sáng tạo hơn và kỹ năng học tập và tự học chuyên nghiệp hơn.

Hơn nữa, các trường cũng phải dần nâng cao yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên như nâng cao chỉ số về nghiên cứu khoa học. Bên cạnh yếu tố tài chính, việc xây dựng được môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại chính là góp phần thúc đẩy triển khai việc “dọn ổ cho đại bàng”, để thu hút được các nhân lực “đại bàng” về làm tổ.

Không những vậy, đối với các quy định, thủ tục về cấp giấy phép lao động, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt hơn đối với riêng các cơ sở giáo dục đại học để các trường dễ dàng, thuận lợi hơn khi tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài nhằm xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Ngoài ra, đối với các ngành học mới mở, cần phải có chính sách linh hoạt trong việc tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài thay vì cứng nhắc như đối với các ngành truyền thống.

Mặt khác, theo Giáo sư Chử Đức Trình, việc trả lương cũng nên dựa vào vị trí việc làm để đảm bảo sự công bằng cho tất cả cán bộ, giảng viên dù là người nước ngoài hay người Việt. Bên cạnh tiền lương, để cán bộ yên tâm công tác, các cơ sở giáo dục đại học nên có chính sách hỗ trợ về chỗ ở, đi lại cho các giảng viên nước ngoài; mỗi nhà trường cần có chính sách riêng và mạnh mẽ hơn đối với những chuyên gia đầu đàn, đầu ngành.

Đối với yêu cầu về số năm kinh nghiệm chuyên môn của giảng viên người nước ngoài theo quy định hiện hành, Phó trưởng phòng Quản trị nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là vấn đề chung không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn đối với các tổ chức khác có sử dụng nguồn lực người nước ngoài.

Do vậy, khi có ngành đào tạo mới, trường phải có báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Theo đó, báo cáo phải nêu rõ về điều kiện, tiêu chuẩn đối với vị trí việc làm cần tuyển bao gồm tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, chuyên môn tương ứng.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2024, người sử dụng lao động thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm). Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh về nguồn lực ngày càng cao, ông Mẫn cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế liên kết cùng với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để thủ tục xin cấp giấy phép lao động trở nên đơn giản hơn.

Tường San