Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, chỉ có một số ít trường đại học đào tạo về lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo mỹ thuật. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là 2 cơ sở đào tạo có truyền thống về lĩnh vực này.
Tại hai trường đại học trên, những ngành là thế mạnh của nhà trường nhưng vẫn chỉ có số lượng ít người học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Gíao dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã có một số chia sẻ chi tiết về thu nhập, cơ hội việc làm và ưu thế đào tạo liên quan lĩnh vực này.
Lương sinh viên ngành Đồ họa cao hơn giảng viên thâm niên
Ngành Đồ hoạ (tạo hình) của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là ngành đào tạo ra các họa sỹ sáng tác, giảng viên về đồ họa, họa sỹ minh họa...
Là ngành thuộc thế mạnh đào tạo của nhà trường nhưng chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng sinh viên còn khá khiêm tốn. Đơn cử như năm 2021, 2022 nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt 13 và 12, số sinh viên nhập học đều là 10.
Chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng nhập học của ngành Đồ họa, Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: cắt màn hình) |
Chia sẻ về nội dung này, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay, ngành Đồ hoạ là ngành có truyền thống đào tạo của Khoa Đồ hoạ - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Việc tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành trên được ổn định với chất lượng tốt trong nhiều năm qua.
"Về mục tiêu đào tạo, nhà trường có chủ trương đào tạo chất lượng cao chứ không có mục tiêu chạy theo số lượng. Hiện tại, Khoa đang thực hiện các lớp của đề án đào tạo tài năng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao chỉ tiêu hằng năm.
Các giảng viên của ngành này đều có các thành tích cao trong hoạt động nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, có vị trí trong Ban chấp hành hoặc Hội đồng nghệ thuật các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp khác như Hội Mỹ thuật Việt Nam", lãnh đạo nhà trường chia sẻ.
Khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan cho hay, theo khảo sát, sinh viên ra trường đa số đều có công việc và thu nhập ổn định (thậm chí cao hơn nhiều so với thu nhập của giảng viên trong Khoa Đồ hoạ hiện nay).
"Lương của giảng viên nhà trường khởi điểm là hệ số 2,67, sau 8-9 năm có hệ số 3,3 nhân với lương cơ bản và hệ số giảng dạy. Mức lương chưa tới 10 triệu đồng.
Trong khi đó, lương khởi điểm của sinh viên ngành Đồ họa tại các công ty thiết kế là 10 triệu đồng, sau khi vào chính thức là 12 triệu đồng và tăng ngay sau năm đầu. Còn đối với nhân viên thiết kế đồ họa công ty lớn, liên doanh nước ngoài thường là 17-20 triệu đồng.
Với sinh viên ngành Đồ họa làm cho ngân hàng, trung tâm thương mại lớn khoảng 15-17 triệu đồng. Sinh viên ra trường đi học thạc sĩ và dạy tại các trường dân lập có thể đạt 15-20 triệu đồng", Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
Không chỉ ngành Đồ họa, số lượng sinh viên nhập học ngành Điêu khắc cũng khá khiêm tốn.
Chia sẻ về ngành học trên, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh và nhập học chuyên ngành Điêu khắc có số lượng không nhiều, để đảm bảo phù hợp với ngành đào tạo đặc thù này.
Nhà trường luôn duy trì mục tiêu đào tạo chất lượng và tinh hoa. Vì vậy, có năm số thí sinh trúng tuyển và nhập học có thể ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh đó, ở các ngành đào tạo về sáng tác, sinh viên thực hành là chủ yếu tại các xưởng họa, xưởng điêu khắc, do vậy cần điều kiện cơ sở vật chất đặc thù, không như đào tạo các ngành nghề đại trà là trên giảng đường.
Cơ hội việc làm của ngành Điêu khắc, Sơn mài, Gốm là rất tốt
Khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Cũng là trường đại học đào tạo về lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng có những ngành đào tạo tạo thế mạnh như Gốm, Sơn mài, Điêu khắc nhưng số lượng sinh viên nhập học còn thấp.
Chỉ tiêu tuyển sinh, nhập học của một số ngành như Điêu khắc, Sơn mài... của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp còn thấp. (Ảnh: cắt màn hình). |
Chia sẻ về nội dung trên, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thông tin, trong năm học tới, nhà trường tiếp tục giữ ổn định phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây để lựa chọn các thí sinh có năng khiếu nổi trội vào trường học. Về quy mô, đơn vị sẽ theo lộ trình tăng dần để đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội.
Những năm trước số lượng thí sinh lựa chọn ngành đào tạo truyền thống như Gốm, Sơn mài, Điêu khắc… chưa đông do tác động của sự phát triển về công nghệ thông tin.
"Một hai năm gần đây, số thí sinh đăng ký theo học các ngành này đã tăng dần. Trên thực tế, cơ hội việc làm của sinh viên học các ngành này cũng rất tốt. Nhà trường có kế hoạch truyền thông giúp cho người học hiểu để có những lựa chọn ngành nghề đúng đắn, phù hợp, đồng thời củng cố duy trì và phát triển các ngành đào tạo truyền thống của nhà trường", thầy Cường chia sẻ.
Hiệu trưởng nhà trường cũng thông tin thêm, với hoạt động đào tạo, bên cạnh việc học tập lý thuyết và rèn luyện kỹ năng thực hành trong trường và tại các cơ sở sản xuất, nhà trường luôn mở rộng các hoạt động hợp tác, tạo điều kiện cho người học tham gia các cuộc thi, các dự án nghệ thuật để sinh viên có cơ hội học hỏi, trải nghiệm thực tiễn và khẳng định mình.
Nhà trường cũng đang chuẩn bị các bước để liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục mỹ thuật công nghiệp nước ngoài, nhằm đa dạng hóa các hình thức học tập".