Chi 500 triệu, ưu tiên tuyển dụng nhưng có địa phương vẫn không thu hút được GS

04/12/2023 06:21
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều địa phương gặp khó khi thu hút GS, PGS về địa bàn làm việc dù có nhiều chính sách ưu đãi. Có trường đại học địa phương hiện chỉ có duy nhất 1 PGS.

Theo thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dựa theo nơi làm việc của các ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong 3 năm gần đây (thống kê từ 26/28 Hội đồng - dựa theo danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021, 2022, 2023 do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố) cho thấy, có khoảng 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm làm việc tại Hà Nội. Xếp sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

Điều đó dẫn tới lo ngại về việc mất cân bằng về cơ cấu giáo sư, phó giáo sư giữa các địa phương. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố không trực thuộc trung ương sẽ khó thu hút giáo sư, phó giáo sư.

Có nhiều ưu đãi vẫn không thu hút được ai

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Các, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) cho hay: Những năm vừa qua, nhà trường có nhiều chế độ rất tốt cho giáo sư, phó giáo sư về trường nhưng số lượng ứng viên vào trường còn hạn chế. Gần đây trường mới có 1 giảng viên có học hàm phó giáo sư, chưa có giáo sư nào.

“Nhà trường cũng có chế độ cho những ứng viên từ tiến sĩ trở lên. Đồng thời, trường rất tích cực thông báo tuyển dụng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn vì ứng viên nộp hồ sơ vào trường không đáng kể, nhất là ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Nguyên nhân chủ yếu là do trường ở xa, không phải ở thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh”, thầy Các bày tỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Các, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương). Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Các, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương). Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, ở tỉnh Bạc Liêu từ năm 2013 tỉnh đã công bố sẽ đón các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về công tác tại địa phương với mức hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ là 500 triệu đồng/giáo sư. Nhưng từ đó đến nay, chưa có giáo sư nào về tỉnh và chính thức nhận mức hỗ trợ này.

Bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Theo như tôi cập nhật, năm 2010, Nghị quyết số 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định một số chính sách đối với cán bộ tỉnh Bạc Liêu, trong đó có chế độ đối với cán bộ tự nguyện về tỉnh công tác nhưng đến nay chưa có trường hợp nào theo đối tượng quy định đăng ký về công tác tại tỉnh. Chủ yếu là hỗ trợ cho cán bộ tại các đơn vị sau khi tốt nghiệp các loại hình đào tạo theo quy định”.

Chia sẻ về chất lượng nguồn nhân lực hiện tại ở tỉnh Bạc Liêu, bà Thảo cho biết thêm: Hiện nay, tỉnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là yêu cầu về ngoại ngữ. Đây cũng là lý do khiến các dự án hợp tác quốc tế còn hạn chế. Chính vì thế, tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn thu hút được các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành về công tác để khắc phục tình trạng này.

“Hiện, tỉnh còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế; Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực trọng tâm, trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, y tế chất lượng cao…”, bà Thảo thông tin.

Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết thêm, với chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cũng xác định đó là một chính sách cần thời gian lâu dài. Mặc dù chưa thu hút được các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành song tỉnh đặt mục tiêu trước mắt là thu hút những người con ở quê hương Bạc Liêu về cống hiến cho tỉnh nhà.

Bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong một buổi làm việc tại tỉnh. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Bà Trương Ngọc Thảo, Trưởng Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong một buổi làm việc tại tỉnh. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Cần có chính sách đặt hàng đào tạo, thu hút cả sinh viên xuất sắc

Cũng bàn về vấn đề này, đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại đang ở bước làm thủ tục, hồ sơ để xin chủ trương.

Trước đó, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương làm việc, tỉnh đã có chính sách đặt hàng đào tạo cho nguồn nhân lực ngành y tế, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức.

“Tỉnh Đồng Tháp cũng chuẩn bị ban hành thí điểm đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Việc thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu đặt ra của từng địa phương.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, nguồn nhân lực chất lượng cao mà chúng tôi chú trọng bên cạnh đội ngũ giáo sư, phó giáo sư còn là các bạn sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Các bạn khi về cống hiến cho địa phương sẽ được tỉnh tạo điều kiện phát huy hết năng lực, sở trường của mình. Hay các công chức, viên chức ở những tỉnh khác có chuyên môn mà có nhu cầu về làm việc tại tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ được hỗ trợ tối đa”, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông tin.

Cũng theo vị này, hiện nay để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đã khó, để giữ chân được họ ở lại địa phương làm việc lâu dài lại càng khó hơn. Chính vì thế, tỉnh Đồng Tháp cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị quyết nhằm khắc phục vấn đề này.

“Để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, trong chính sách thu hút không chỉ là thưởng tiền mà cũng cần tạo cơ hội để họ phát huy năng lực, sở trường của mình. Bởi vì nếu chỉ có số tiền ban đầu thì họ cũng không thể phát huy được hết năng lực của mình. Đồng thời cũng không đủ sức hút để họ phải đánh đổi việc bỏ các thành phố lớn về địa phương làm việc.

Hơn nữa, nếu so về tiền thưởng thì tỉnh Đồng Tháp chắc chắn không thể so sánh được với các tỉnh/ thành lớn hơn. Do đó, cần phải có các chính sách khác kèm theo như cơ hội học tập, cơ hội phát triển bản thân,... mới đủ hấp dẫn và thu hút được”, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.

Theo thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hàng năm có khoảng 25-26/63 tỉnh, thành phố có ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đang công tác. Trong đó, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là 6 tỉnh, thành phố tập trung đông số lượng giáo sư, phó giáo sư đang công tác nhất (liên tiếp trong 3 năm gần nhất - 2021, 2022, 2023 đều thuộc top 6 địa phương có nhiều giáo sư, phó giáo sư nhất).

Nhật Lệ