Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Quốc Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết, hiện cơ sở này đang có phương án chuyển đổi trở thành phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, phương án này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thống nhất từ tháng 2/2022, đồng thời, hai bên cũng đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ. Tuy nhiên, đến nay (tháng 4/2023), chia sẻ với phóng viên, thầy Trọng cho biết phương án vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai.
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ảnh: AN |
Cũng như nhiều trường cao đẳng sư phạm khác, quy định mới của Luật Giáo dục 2019 (thay đổi về yêu cầu trình độ đội ngũ giáo viên, cụ thể, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải đạt chuẩn trình độ đào tạo từ đại học trở lên) đã khiến nhiều đơn vị rơi vào tình thế khó khăn khi bị thu hẹp hoạt động đào tạo, trong đó có Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Theo Luật Giáo dục 2019, nhà trường không còn chức năng, nhiệm vụ đào tạo rộng rãi như trước đây. Hoạt động tuyển sinh ngành cao đẳng sư phạm mầm non cũng gặp không ít khó khăn, do vậy từ 2 năm nay trường đã dừng các hoạt động đào tạo.
Việc dừng đào tạo đã làm lãng phí rất lớn nguồn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết, đơn vị đang có 50 giảng viên; trong đó, khoảng 10 người được bố trí ở lại trường để tiếp tục duy trì hoạt động của bộ máy, còn lại các giảng viên được bố trí dạy tăng cường tại các trường phổ thông khác trên địa bàn. Tiền lương của các giảng viên vẫn được cấp phát đầy đủ. Tuy nhiên, việc phải đi dạy tăng cường nhiều cũng khiến nhiều giảng viên trăn trở.
Là người lãnh đạo, thầy Trọng chia sẻ sự đồng cảm và niềm trăn trở của các thầy cô. Về định hướng phát triển tiếp theo của đơn vị, mặc dù đã có phương án trở thành phân hiệu của trường đại học, tuy nhiên, trước thực tế nhiều mô hình phân hiệu trường đại học giai đoạn đầu mới thành lập cũng đều gặp rất nhiều khó khăn, điều này khiến vị lãnh đạo khá băn khoăn và lo lắng.
Tại Gia Lai, địa phương cũng đã có 2 phân hiệu trường đại học khác đang hoạt động, đó là phân hiệu Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh và phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp. Thực tế hiệu quả tuyển sinh của 2 cơ sở này cũng chưa cao do nhu cầu người học cùng tâm lý thích thành phố lớn đã phần nào ảnh hưởng.
Do vậy, theo thầy Trọng, khi lên phương án xây dựng phân trường hiệu đại học, phải chú trọng tới nhu cầu người học và tình hình thực tế, nhu cầu tại địa phương để cân nhắc. Với cá nhân thầy Trọng, thầy chia sẻ mong muốn sau khi nhà trường đã trở thành phân hiệu đại học của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị có thể thành lập một trường phổ thông trong phân hiệu mới đó.
Vị phó hiệu trưởng cho rằng phương án này có thể giải quyết được những khó khăn bước đầu của một phân hiệu mới thành lập. Điều quan trọng hơn, thực tế xã hội cũng đang có nhu cầu về một trường phổ thông chất lượng cao.
Có khả quan hơn so với các đơn vị khác khi thực hiện đào tạo đa ngành từ sớm, đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn vẫn đang duy trì khá tốt hoạt động đào tạo tại trường. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Quý Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“So với các cơ sở đào tạo khác, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có hoạt động thuận lợi hơn vì chúng tôi đã đào tạo đa ngành từ sớm. Hiện ngoài đào tạo sư phạm mầm non, nhà trường còn đào tạo thêm các ngành ngoài sư phạm như: Tiếng Trung, Kế toán, Tiếng Anh, Tin học, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh,... Ngoài ra, nhà trường cũng tham gia thêm hoạt động bồi dưỡng giáo viên khác như bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, bồi dưỡng thường xuyên,... Cùng trường thực hành trong nhà trường nữa nên giảng viên có cơ hội tham gia giảng dạy thêm nhiều hơn bên cạnh việc đào tạo giáo viên".
Mặc dù vậy, theo thầy Sơn, thực tế cũng có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại đơn vị như có bộ môn giáo viên nhiều giờ giảng, có bộ môn giảng viên giờ giảng không đạt chuẩn; những ngành đào tạo giáo viên cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, giảng viên phải dạy thêm chuyên ngành đào tạo khác chuyên môn,...
Các trường cao đẳng sư phạm hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Đại đoàn kết |
Trước thực tế này, thầy Sơn chia sẻ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường cao đẳng địa phương phối hợp với các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở. Trong đó, có thể thực hiện phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm). Đây cũng là một trong những đề xuất kiến nghị được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại trường cao đẳng sư phạm.
Từ những ngày đầu thành lập tới nay, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế-xã hội phát triển, kéo theo các quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giáo viên có sự thay đổi, đối tượng tuyển sinh của nhà trường bị thu hẹp đã khiến nhiều trường cao đẳng sư phạm rơi vào tình thế khó. Nhiều năm qua, bài toán giải quyết hướng đi cho các trường cao đẳng sư phạm vẫn là một vấn đề khiến nhiều người trong cuộc trăn trở.
Chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển của các trường cao đẳng sư phạm, Thạc sĩ Phùng Quý Sơn cho rằng, định hướng phát triển cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường:
“Ví dụ, trường chỉ đào tạo duy nhất về giáo viên thì việc trở thành phân hiệu sẽ thuận lợi hơn; Đối với các trường đào tạo đa ngành có thể chuyển đổi mô hình, đổi tên và thực hiện đổi mới tuyển sinh, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh đào tạo đa ngành. Ngoài ra, với các tỉnh mạnh về nguồn lực, nguồn tuyển sinh dồi dào, nhu cầu người học cao thì có thể phát triển lên thành trường đại học…”.