Ngày 19/1/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo triển khai Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.
Tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo, Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, một điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo là giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Theo ghi nhận của người viết, trên một số diễn đàn của giáo viên, thầy cô giáo đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Bởi vì thầy cô giáo cho rằng, hầu hết giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, nghĩa là những người đã được đào tạo chuyên sâu về giáo dục lại được yêu cầu phải có giấy phép là không cần thiết.
Tuy vậy, người viết (giáo viên phổ thông) nhận thấy, riêng giáo viên mầm non và phổ thông công lập sẽ được hưởng lợi nếu thầy cô giáo được cơ quan quản lí giáo dục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Cùng với đó, nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ góp phần giúp cải thiện chất lượng dạy học và nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà giáo trong tình hình hiện nay.
Theo ông Vũ Minh Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. [1]
Người viết hiểu rằng, nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trên toàn quốc) thì thầy cô giáo không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Hiện nay, để được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì giáo viên phải tham gia học học tập tại các trường đại học theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai. Học viên đóng kinh phí dao động từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng cùng các chi phí khác.
Như vậy, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo giúp thầy cô giáo tiết kiệm được hàng triệu đồng và không phải mất công sức, thời gian đi lại học tập.
Cần biết, Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong một số trường hợp.
Ví dụ, giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.
Hay quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số V.07.05.14 - phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
Thời gian qua đã từng có luồng ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích hợp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vào bằng bằng tốt nghiệp đại học/cao đẳng sư phạm. Việc này sẽ giúp giáo viên không phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau khi được tuyển dụng mới và khi xét hồ sơ thăng hạng.
Tuy vậy, đề xuất này đến nay vẫn chưa có cơ sở thực hiện vì vướng Luật Viên chức. Luật này quy định viên chức (trong đó có giáo viên) phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, Điều 8 Luật Viên chức định nghĩa: “Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp.”
Nói một cách dễ hiểu, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được coi là “giấy tờ” để chứng minh viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể.
Do đó, với giáo viên, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là chứng chỉ được cấp cho giáo viên đã tham gia khóa bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Ngoài ra, người viết cho rằng, để được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên mầm non và phổ thông công lập thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn cụ thể quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Có thể dựa theo quy định về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo được đánh giá qua Phiếu đánh giá xếp loại chất lượng viên chức của giáo viên hàng năm.
Giáo viên được đánh giá theo tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng như sau: 1) Tiêu chí về chính trị tư tưởng; 2) Tiêu chí về đạo đức, lối sống; 3) Tiêu chí về tác phong làm việc; 4) Tiêu chí ý thức tổ chức kỷ luật; 5) Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Nếu giáo viên nào hoàn thành tốt/xuất sắc nhiệm vụ thì được cơ quan quản lí giáo dục địa phương (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Ngược lại, giáo viên nằm trong quy định về tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì không được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Chẳng hạn, giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm.
Giáo viên có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Hoặc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi ép học sinh học thêm, vi phạm pháp luật... thì dứt khoát không được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Thiết nghĩ, quy định cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ góp phần giúp giáo viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng mục tiêu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, giáo viên yếu, kém chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo thì nhất định sẽ bị đào thải.
Như thế, sẽ chấm dứt việc người yếu kém năng lực, vi phạm đạo lực chuyển từ trường này sang trường kia, từ trường công lập sang tư thục, kể cả trung tâm bồi dưỡng văn hoá (vì không có giấy chứng nhận nghề nghiệp).
Đó là những lí do tôi ủng hộ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/du-kien-nha-giao-se-duoc-cap-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-post240572.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.