LTS: Triển khai thư viện số đang trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học, nhằm tạo ra một không gian để người dùng của các trường có thể truy cập, khai thác tối đa kho tài nguyên thông tin, tri thức phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện thư viện số trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có một số chia sẻ về nội dung này.
Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về vai trò của triển khai thư viện số trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay?
Bà Kiều Thúy Nga: Việc triển khai thư viện số trong các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích.
Đối với người sử dụng là sinh viên, học viên, giảng viên trong các trường đại học, thư viện số sẽ giúp tăng cường khả năng tìm kiếm, khai thác thông tin trực tuyến từ xa nhanh chóng, không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
Đối với các nhà trường, với sự phát triển của công nghệ đặc biệt công nghệ số, công tác đào tạo không chỉ thực hiện bằng hình thức trực tiếp mà có thể đào tạo từ xa một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Phóng viên: Xin bà cho biết những khó khăn trong thực tiễn triển khai thực hiện thư viện số trong thời gian qua?
Bà Kiều Thúy Nga: Thực tiễn triển khai thực hiện thư viện số trong thời gian qua còn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như sau:
Trước hết, hạ tầng trang thiết bị cho việc số hóa tài liệu, tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số tại các thư viện còn thiếu; hệ thống các phần mềm chuyên ngành các thư viện cả nước đang dùng rất nhiều loại phần mềm khác nhau để quản trị thư viện điện tử, thư viện số, đa phần là các giải pháp công nghệ không đạt chuẩn đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung cho các loại hình thư viện.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam, và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Thứ hai, dữ liệu số, các bộ sưu tập số tuy đã được các thư viện chủ động tạo lập và phát triển, tuy nhiên số lượng tài liệu còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân như vấn đề bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách... Thực tế, phần lớn các thư viện vẫn chỉ khai thác một cách độc lập mà chưa có cơ chế, chính sách, công cụ để chia sẻ, liên kết với các thư viện khác trong cùng hệ thống cũng như liên hệ thống.
Thứ ba, nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thư viện số tại các thư viện còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về công tác triển khai thư viện số của các cấp lãnh đạo Ban, Ngành, địa phương còn chưa đạt như mong muốn; nguồn kinh phí dành cho phát triển hạ tầng công nghệ số, số hóa tài liệu tại phần lớn các thư viện còn rất hạn hẹp.
Phóng viên: Đứng trước những khó khăn, thách thức ấy, làm sao để triển khai hệ thống thư viện số ngày càng hiệu quả hơn nữa, thưa bà?
Bà Kiều Thúy Nga: Để tháo gỡ những khó khăn này, các thư viện cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, phần cứng, các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số đạt chuẩn nghiệp vụ quốc tế sẵn sàng kết nối, chia sẻ.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển tài nguyên thông tin số, xây dựng mô hình liên thông phù hợp cho các loại hình thư viện; nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ người làm công tác thư viện.
Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, nội dung số hóa cho các thư viện, nhất là các thư viện có vai trò quan trọng.
Mặt khác, cần có sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo Ban, ngành, địa phương trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thư viện số và sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội để tạo cơ hội, động lực phát triển mới cho ngành thư viện Việt Nam.
Phóng viên: Theo bà, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi những yêu cầu gì đối với đội ngũ làm công tác thư viện? Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực ngành thư viện liệu đã đáp ứng được những yêu cầu trên và cần thay đổi gì trong công tác đào tạo, thưa bà?
Bà Kiều Thúy Nga: Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi cách các thư viện, trung tâm thông tin thu thập, tổ chức, phổ biến, chia sẻ, phân tích và xử lý thông tin từ đó tham gia vào chuỗi các giá trị mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ làm công tác thư viện phải thay đổi, cập nhật về kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn, đảm bảo vai trò như là những “thủ thư số”, có khả năng làm chủ công nghệ và triển khai các dịch vụ số.
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực ngành thư viện cần quan tâm đổi mới nội dung chương trình đào tạo nguồn nhân lực thư viện. Trong đó, cập nhật chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới về công nghệ, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức pháp lý đặc biệt là vấn đề bản quyền tác giả trong môi trường số.
Phóng viên: Bà có kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao chất lượng đội ngũ thư viện, cũng như đảm bảo chính sách cho đội ngũ?
Bà Kiều Thúy Nga: Phát triển thư viện số gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao, do đó đã chuyển đổi quy trình công việc trong thư viện, đòi hỏi nguồn nhân lực thư viện phải đáp ứng và có khả năng làm chủ công nghệ, có trình độ quản lý và triển khai các dịch vụ số.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thư viện, các thư viện cần có kế hoạch cử người tham gia các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng số; tạo môi trường làm việc, cơ hội phát triển cho nguồn nhân lực. Cán bộ thư viện cũng cần chủ động tự nghiên cứu, học hỏi kiến thức về công nghệ mới, đặc biệt công nghệ mới nổi để làm chủ được các hệ thống công nghệ thông tin lớn, phức tạp trong thư viện.
Về chính sách, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ cao về nghiệp vụ thư viện, đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin làm việc tại các thư viện.
Đặc biệt, cần có kế hoạch cải cách chế độ tiền lương cho người làm công tác thư viện, để mức thu nhập của cán bộ thư viện không quá thấp và cách quá xa so với những ngành khác; đồng thời, có quy định về ưu đãi về đặc thù ngành nghề, để cán bộ thư viện yên tâm và tích cực hơn trong công tác, tập trung xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Đào tạo nhân lực chú trọng, tăng cường các môn học liên quan đến tổ chức tài nguyên số
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số, Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc cũng cho biết: “Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chuyển đổi số rất mạnh mẽ như hiện nay, thư viện đương nhiên không thể nằm ngoài xu hướng chung. Chưa kể, bản thân thư viện là một tổ chức dùng chung thông tin, tư liệu, tri thức, thì việc số hóa sẽ mang lại cho hoạt động thư viện những thời cơ, thách thức lớn.
Trước đây, khi thư viện ở giai đoạn truyền thống, bạn đọc đến thư viện đọc sách, tài liệu in ấn, việc chia sẻ, dùng chung rất hạn chế. Với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin, đặc biệt là các giải pháp số hóa, tất cả nguồn tài liệu, sách, báo, tạp chí, các bài giảng, công trình, kết quả nghiên cứu,... đều có thể được số hóa và cung cấp rất nhanh chóng cho người dùng ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào mà không hạn chế số lượng người dùng.
Một trong các nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) hiện nay chính là xây dựng thư viện số dùng chung. Viện có chức năng tổ chức, chia sẻ và kết nối các tài nguyên số, tri thức số của tất cả các trường đại học, để bất kỳ một thành viên, một cán bộ, giảng viên hay sinh viên của bất kỳ trường nào đều có thể truy cập không giới hạn, khai thác tài nguyên thông tin từ kho tri thức khổng lồ của các trường đại học trong nước cũng như của các tổ chức, các cơ sở giáo dục tại nước ngoài”.
Với tư cách là một giảng viên khoa Thông tin - Thư viện (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương chia sẻ thêm về cơ hội việc làm của người học: “Trực tiếp tham gia giảng dạy từ bậc cử nhân đến thạc sĩ và đào tạo tiến sĩ ngành này, tôi thấy rằng, trong nội dung đào tạo của khoa, luôn luôn chú trọng và tăng cường các môn học liên quan đến tổ chức tài nguyên số, nâng cao liên quan đến những giải pháp xử lý nghiệp vụ và kết nối, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dùng truy cập.
Có thể nói rằng, về công tác đào tạo nhân lực ngành này đang cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc tạo lập và chia sẻ, cung cấp tri thức số cho người dùng nói chung. Tôi cho rằng, với một số kiến thức được trang bị phù hợp với chuyển đổi số, trước tiên, các em sinh viên sau khi tốt nghiệp, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc tại các thư viện. Hơn nữa, các em có thể làm việc tại nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, bởi một khi đã nắm được phương pháp tổ chức, thu thập, chia sẻ thông tin, thì có thể hỗ trợ cho rất nhiều cơ quan, đơn vị... Cũng hy vọng rằng, thời gian tới, sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm được công việc có thu nhập tốt hơn”.
Đội ngũ phụ trách thư viện số cần có kỹ năng tốt về công nghệ thông tin
Đại diện cho một trong số các cơ sở giáo dục đại học đang tích cực triển khai mô hình thư viện số, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng thư viện số trong thời đại 4.0.
Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang đánh giá: “Thư viện số tại các cơ sở giáo dục đại học có vai trò: Mở rộng phạm vi truy cập tới nguồn tài nguyên thông tin; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, hỗ trợ học tập và nghiên cứu từ xa; tối ưu hóa sự tiện ích và sự linh hoạt trong việc sử dụng tài nguyên thông tin”.
Từ đó, vị Phó Hiệu trưởng cũng đề cập đến yêu cầu đối với đội ngũ phụ trách thư viện số: “Đội ngũ nhân viên thư viện cần có kiến thức chuyên môn vững về quản lý thư viện, các nguyên tắc phân loại, bảo quản và truy cập thông tin. Đồng thời, cần có kỹ năng làm việc với công nghệ thông tin và phần mềm quản lý thư viện. Không chỉ có vậy, đội ngũ nhân lực ngành cũng đòi hỏi phải có sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm”.