Trong vòng 5 năm qua, lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Đặc biệt, công nghiệp thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được Chính phủ ưu tiên phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2035 [1].
Theo tìm hiểu của phóng viên, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội có đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm.
Cơ hội cho sinh viên được thực tập ở nước ngoài và nhận học bổng du học
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cựu sinh viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, Viện luôn là “địa chỉ” mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hữu Nghị rất biết ơn vì có cán bộ, giảng viên nhiệt tình, tâm huyết trong giảng dạy, nghiêm túc và dành điều tốt nhất cho người học.
“Dù đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng tôi vẫn thường xuyên về Viện để tham gia các hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, hay dự hội thảo và giảng dạy một số chuyên đề cho học viên cao học của Viện.
Điều mà tôi mong mỏi nhất là được thấy các bạn sinh viên yêu thích và dành thời gian cho việc tìm hiểu các kỹ thuật công nghệ mới, vì không ai tiếp cận công nghệ nhanh bằng người trẻ. Và sau này, chính các bạn trẻ là người thay đổi tương lai của xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hữu Nghị bày tỏ.
Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hạnh – cựu sinh viên của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Công nghiệp hóa Thực phẩm, Đại học Quốc gia Seoul cho hay, với các sinh viên học ngành Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Mở Hà Nội, chị Hạnh nhận thấy có một số sinh viên rất đam mê và năng khiếu. Do vậy, nếu gặp đúng thầy, đúng nhóm nghiên cứu, các bạn sinh viên của Viện sẽ học, nghiên cứu tốt và tiến xa hơn trong tương lai.
“Một trong những điểm mà tôi rất ủng hộ Viện đó là ý tưởng tổ chức các buổi tọa đàm của cựu sinh viên để truyền kinh nghiệm cho các em sinh viên đang theo học tại Viện. Thông qua các buổi tọa đàm có thể giúp sinh viên nhận thức được những nội dung học cần tập trung trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, cung cấp thông tin cho sinh viên nhận thức nội dung, kỹ năng mà sinh viên cần phải tìm hiểu thêm để các em không lãng phí thời gian vào những cám dỗ xung quanh, định hướng tốt và tầm nhìn xa để phấn đấu”, cô Hạnh chia sẻ.
Còn sinh viên Ngô Thị Phương Thảo – lớp 22-02 ngành Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội cảm thấy rất đúng đắn khi chọn học ngành Công nghệ thực phẩm của nhà trường.
Lý do Thảo chọn học ngành này của Trường Đại học Mở Hà Nội là vì được biết Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm có nhiều chương trình liên kết quốc tế, sinh viên có cơ hội đi thực tập ở ngoài nước và nhận học bổng du học.
“Bản thân em là một người rất thích đi và trải nghiệm nên em đã nhanh chóng đăng ký học ngành Công nghệ thực phẩm của Viện. Sau khi vào trường, em đã có nhiều cơ hội được gặp gỡ các anh chị là cựu sinh viên của Viện, những người thành công và tài giỏi, được lắng nghe câu chuyện thời sinh viên cũng như đi làm của anh chị ra sao, tự khởi nghiệp như thế nào.
Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với những câu chuyện của các anh chị khi được đi thực tập ở nước ngoài, dù được các công ty đó mời ở lại làm việc nhưng anh chị vẫn lựa chọn trở về quê hương để làm việc và cống hiến. Em thực sự cảm thấy rất ngưỡng mộ, tự hào và mong muốn một ngày không xa bản thân cũng sẽ được ngồi vào vị trí diễn giả để chia sẻ cùng sinh viên”, Thảo cho biết.
Sinh viên tốt nghiệp Công nghệ thực phẩm có thể làm phân tích chất lượng thực phẩm
Để hiểu hơn về ngành Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Anh – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Kỹ thuật thực phẩm của nhà trường chia sẻ, ngành Công nghệ thực phẩm (Food Technology) là ngành học chuyên về lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo ra nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm hay hóa học,...
“Thực phẩm rất phong phú và không thể thiếu trong đời sống ngày nay của con người. Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, mức thu nhập của người dân tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành mối lo ngại cho toàn xã hội, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng của người Việt lại càng cao hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là điều kiện tạo bước đà vững chắc cho sự phát triển của ngành Công nghệ thực phẩm ở thời điểm hiện tại và cả tương lai”, cô Việt Anh chia sẻ.
Về công tác tuyển sinh của ngành Công nghệ thực phẩm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, năm 2024, ngành Công nghệ thực phẩm của trường tuyển sinh với 150 chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thực phẩm của Viện năm 2023 là 17,25 điểm.
Theo Viện trưởng, ngành Công nghệ thực phẩm của trường là ngành khá kén người học. Bởi, đa số người học chưa thực sự hiểu về tầm quan trọng, cơ hội nghề nghiệp của ngành Công nghệ thực phẩm. Chính vì kén người học nên Viện luôn chú trọng công tác truyền thông để ngành Công nghệ thực phẩm đến gần hơn với nhiều người.
Chỉ ra điểm khác biệt trong đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm của Viện, theo cô Thủy, từ năm thứ 2 đại học, sinh viên có cơ hội được thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại của Viện. Sinh viên được đến các doanh nghiệp để thực tập, kiến tập. Sau mỗi đợt thực tập, kiến tập, sinh viên có cơ hội được doanh nghiệp nhận vào làm chính thức ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp mà trường tổ chức. Đồng thời, trường cũng hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi ngoài trường, cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia (nếu có).
“Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, Viện cũng dành nhiều học bổng, chương trình thực tập hưởng lương và tổ chức cho sinh viên học trao đổi tại nước ngoài”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Thu Thủy chia sẻ.
Cũng theo cô Thuỷ, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm của Viện được rà soát 2 năm một lần. Lần gần nhất, năm 2023, Viện đã cải tiến căn bản về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung và thời lượng của các học phần ngành Công nghệ thực phẩm.
Chia sẻ về một số vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, cô Thuỷ cho biết, các em có thể làm ở các vị trí như: trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm (các công ty sản xuất rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, chế biến, sản xuất thực phẩm từ chăn nuôi, hải sản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch rau, quả).
Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thực phẩm, các em có thể tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng ngành Công nghệ thực phẩm; nghiên cứu ứng dụng tạo sản phẩm mới, tư vấn chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm có thể tham gia làm kiểm nghiệm, phân tích chất lượng thực phẩm; kinh doanh và tư vấn kỹ thuật sản phẩm thực phẩm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-phat-trien-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-635567.html