Hạ thấp đầu vào, khó siết đầu ra, đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH bằng cách nào?

30/05/2024 06:38
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dễ dãi trong tuyển sinh, không đảm bảo chất lượng đào tạo là gây lãng phí lớn cho xã hội, lãng phí tài chính, thời gian và cơ hội của cả sinh viên.

Trong những năm gần đây, vấn đề chất lượng tuyển sinh và đào tạo đại học đã trở thành đề tài nóng, được dư luận quan tâm.

Khi một số trường đại học xét tuyển sớm với 15 - 16 điểm học bạ, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu có nên nới lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra, và giải pháp này có đảm bảo được chất lượng đào tạo đại học?

Cần duy trì một cán cân giữa chất lượng đầu vào và đầu ra

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang - Trưởng khoa Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc nới lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra cần được xem xét kỹ lưỡng về mục đích và giá trị mà nó mang lại.

Nếu mục đích của các trường chỉ để đạt được các chỉ tiêu tuyển sinh mà không đảm bảo chất lượng đào tạo, thì đó là một vấn đề đáng lo ngại.

Thầy Quang nhấn mạnh rằng, nới lỏng đầu vào nhưng siết chặt đầu ra có thể dẫn đến việc nhiều sinh viên không thể hoàn thành chương trình học, tạo ra một "chiêu trò" tuyển sinh, để đạt chỉ tiêu mà không đảm bảo chất lượng.

“Không nên nới lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra một cách mất cân bằng, mà cần phải duy trì một cán cân giữa chất lượng đầu vào và đầu ra để đảm bảo chất lượng giáo dục”, thầy Quang nêu quan điểm.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở ra nhiều phương thức xét tuyển để tạo thêm cơ hội cho thí sinh, nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề về sự công bằng khi các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu triển khai tuyển sinh theo những phương thức ấy.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025 vừa qua, đã có những lo ngại về sự chênh lệch giữa phương thức xét tuyển học bạ và phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Khi đối sánh điểm số của các thí sinh trúng tuyển theo hai phương thức này về cùng một thang điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cảnh báo có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến sự thiếu công bằng với thí sinh. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có biện pháp đảm bảo ngưỡng đầu vào phù hợp và công bằng hơn giữa các phương thức xét tuyển.

Thầy Hiệp nói thêm, việc nới lỏng đầu vào giúp nhiều thí sinh có cơ hội trúng tuyển, thế nhưng sau một thời gian học đại học, những sinh viên đó có thể không cảm thấy phù hợp và không đạt được chuẩn đầu ra của trường.

Nếu vậy, việc siết chặt đầu ra có thể giữ được uy tín cho nhà trường nhưng sẽ là không có trách nhiệm và không vì quyền lợi của người học. Bởi lẽ ban đầu thí sinh không biết trước được độ khó của chương trình đào tạo mà cứ thấy có cơ hội là đăng ký học. Trong quá trình học, sinh viên không theo được chương trình thì chính các bạn sẽ mất cả cơ hội, tiền bạc lẫn thời gian.

“Theo tôi, cần thiết lập một chuẩn đầu vào với những yêu cầu nhất định sao cho phù hợp với yêu cầu của chuẩn đầu ra, giúp cân bằng giữa chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học. Ngay từ đầu, cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặt ra ngưỡng đầu vào phù hợp để đảm bảo rằng sinh viên nhập học có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của chương trình đào tạo và đạt được chuẩn đầu ra”, thầy Hiệp bày tỏ.

Thầy Hiệp.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp – Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: PV

Đề cập tới sự lo ngại của nhiều người về nguồn tuyển của các trường đại học địa phương sẽ không còn, bởi nhiều trường đại học ở trung tâm, thành phố lớn có mức đầu vào thấp, dễ dàng trúng tuyển, thầy Hiệp cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quy định và công cụ quản lý để đảm bảo sự công bằng giữa các trường. Chỉ tiêu tuyển sinh được giao cho các cơ sở giáo dục đại học dựa trên cơ sở đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, do đó không thể nói rằng các trường ở khu vực lớn hút hết thí sinh của các trường địa phương.

Ngược lại, các trường địa phương có lợi thế lớn khi chi phí sinh hoạt ở địa phương thấp hơn tại các khu vực trung tâm rất nhiều. Nếu chất lượng đào tạo tại địa phương đảm bảo để sinh viên có khả năng xin việc trong chuyên môn của họ sau khi ra trường, thì đó là một thế mạnh trong cạnh tranh giáo dục và thu hút thí sinh. Cần nhìn nhận theo hướng tích cực thay vì đổ lỗi cho các trường ở trung tâm nới lỏng đầu vào, thu hút hết thí sinh từ các trường địa phương.

Bàn thêm về phương thức xét tuyển học bạ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, nhiều trường đại học đang áp dụng đa dạng các phương thức xét tuyển để mở rộng cơ hội trúng tuyển cho học sinh và tăng cường phạm vi tuyển chọn, bao gồm cả xét tuyển học bạ.

Việc mở rộng phương thức tuyển sinh không ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh và kết quả đào tạo. Chẳng hạn, phương thức xét tuyển học bạ có lợi thế là phản ánh quá trình học tập của học sinh qua các năm, từ đó có thể đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh so với ngưỡng đầu vào tối thiểu của chương trình.

Thầy Hồng cũng nói thêm, việc xét tuyển bằng học bạ hoàn toàn phù hợp nếu kết quả học tập của học sinh đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nếu học sinh trúng tuyển có kết quả học bạ thấp hơn ngưỡng đầu vào tối thiểu, hoặc năng lực thực tế không tương xứng với điểm số trong học bạ, thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của chương trình. Để tránh tình trạng này, các trường nên xét tuyển học bạ trong phạm vi an toàn, không nên sử dụng điểm học bạ sát ngưỡng đầu vào tối thiểu của chương trình.

bff72a55316f9f31c67e.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng (đứng ngoài cùng phía bên trái) cùng các sinh viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Chất lượng đầu vào có phải yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra?

Không chỉ băn khoăn về chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra cũng là một vấn đề quan trọng của giáo dục đại học. Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các trường đại học chưa thực sự làm tốt việc siết chặt đầu ra, dẫn đến việc không đảm bảo được nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như “đầu vào được nới lỏng liệu có làm sụt giảm chất lượng đầu ra của sinh viên?”, “ngoài yếu tố chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra chưa tốt còn do đâu?”,...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng cho rằng, chất lượng đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào ngưỡng đầu vào tối thiểu của chương trình và quá trình tổ chức đào tạo, bao gồm cả hoạt động giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Khi mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đã được xác định, cả yếu tố đầu vào và quá trình đào tạo đều đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng đầu ra của sinh viên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang, việc nhận định rằng đầu ra của các trường đại học tại Việt Nam chưa thực sự được siết chặt cần được đánh giá và phân tích từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau.

Những yếu tố này bao gồm lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo; loại hình trường học (đại học quốc gia, trường đại học công lập hay tư thục); định hướng của nhà trường là nghiên cứu hay ứng dụng; và cách thiết kế chương trình đào tạo với các chuẩn đầu ra được phân bổ vào các môn học và học phần. Chỉ khi xem xét toàn diện những khía cạnh này, chúng ta mới có thể đưa ra nhận định chính xác về chất lượng đầu ra của các trường đại học.

“Theo quan điểm của tôi, việc đầu ra của sinh viên chưa được siết chặt có nhiều nguyên nhân, bao gồm một số trường đại học cho rằng với mức độ đầu vào như vậy thì chuẩn đầu ra cũng nên thiết kế vừa phải. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại về tỷ lệ tốt nghiệp thấp cũng khiến các trường hạ thấp chuẩn và điều chỉnh để tăng tỷ lệ tốt nghiệp”, thầy Quang cho hay.

Nhận xét về chất lượng đầu ra của sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp phân tích, từ năm 2017-2018, các phương thức xét tuyển cùng với các tổ hợp xét tuyển đa dạng hơn đã được áp dụng, không chỉ giới hạn trong các tổ hợp truyền thống. Điều này dẫn đến chất lượng đầu vào và đầu ra không còn nhất quán như trước.

Việc doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên mới ra trường không chỉ do quá trình tuyển sinh, mà còn do xu hướng xã hội, quan niệm của học sinh phổ thông và cách thức hướng nghiệp đã thay đổi nhiều.

Thầy Hiệp ví dụ, nhiều học sinh đăng ký vào đại học mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và suy nghĩ thấu đáo, nên khi ra trường, tìm việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo không còn là mối quan tâm hay động lực lớn với các bạn. Thay vào đó, một số sinh viên sẵn sàng rẽ hướng sang những lĩnh vực khác.

Điều này khác xa so với những thế hệ trước, khi sinh viên không quan tâm, không yêu nghề, họ sẽ không bỏ nhiều tâm huyết và thời gian đầu tư vào việc học tập để có thể đứng vững chuyên môn khi ra trường như trước đây.

Ngược lại, có những nhóm sinh viên rất xuất sắc, các bạn có thể bắt kịp kiến thức và có kỹ năng tốt, nhờ vậy khi ra trường họ có khả năng tiếp cận công nghệ và phát triển nghề nghiệp rất thuận lợi. Điều này thể hiện sự phân tầng rõ rệt về chất lượng sinh viên mới ra trường trong những năm gần đây.

Ngoài ra, trong quá trình học, các yếu tố như cải tiến, cập nhật và hội nhập quốc tế của chương trình đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng đầu ra của sinh viên. Đặc biệt, đối với các trường định hướng ứng dụng, việc đầu tư cơ sở vật chất tốt, có nhiều sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành chuyên môn… sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên.

Hạ thấp đầu vào sẽ khó siết chặt đầu ra

Để nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Quang đề xuất một số giải pháp mà các trường đại học nên thực hiện ngay từ bước đầu tuyển sinh.

Thứ nhất, các trường cần xác định rõ trường theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng, từ đó xây dựng chiến lược tuyển sinh đầu vào phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Thứ hai, trường đại học phải cung cấp thông tin và tư vấn cho người học để họ có thể lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của sinh viên.

Thứ ba, bên cạnh việc sử dụng kết quả từ các kỳ thi chung như đánh giá năng lực, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét học bạ, các cơ sở giáo dục đại học nên bổ sung thêm các bài thi trắc nghiệm chuyên ngành và phỏng vấn chuyên sâu với thí sinh.

Thứ tư, các trường cần công khai khung chương trình đào tạo cùng các chuẩn đầu ra cụ thể để người học có thể tham chiếu và đánh giá khả năng đáp ứng của mình khi lựa chọn ngành học. Mặc dù nhiều trường đã thực hiện việc này, nhưng cần đảm bảo tính cập nhật và sự chính xác của thông tin.

Những biện pháp này sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp cho rằng, tự chủ trong giáo dục đại học là cơ hội lớn cho các trường trong việc huy động nguồn lực, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, cũng như đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho sinh viên. Điều này giúp cải thiện chất lượng đầu ra mà không quá phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư của Nhà nước.

Cũng theo thầy Hiệp, sự đầu tư dàn trải của Nhà nước, dù một phần giúp giảm học phí cho sinh viên, lại không đủ để tạo ra những đột phá cần thiết cho các ngành đòi hỏi nguồn lực mạnh. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của sinh viên sau khi tốt nghiệp ở cả thị trường lao động trong nước và quốc tế. Chính vì thế, các trường cần có lộ trình tự chủ và huy động nguồn lực hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, thầy Hiệp cũng trăn trở, trong khi các trường đại học tự chủ đào tạo những ngành học "hot" thường thu hút nhiều sinh viên và có được nhiều cơ hội phát triển hơn, thì các trường đào tạo những ngành nghề mang tính “xương sống” của nền kinh tế nhưng lại không hấp dẫn sẽ gặp bất lợi lớn.

“Những ngành này đã khó tuyển sinh, nếu các trường muốn tăng học phí để đầu tư nâng cao chất lượng thì số lượng thí sinh e là sẽ càng giảm, tạo nên một vòng luẩn quẩn về việc chất lượng đầu vào và đầu ra chưa đảm bảo. Duy trì ngưỡng đầu vào phù hợp mới đảm bảo hài hòa cho sự phát triển lâu dài của các trường đại học và quyền lợi của người học.

Dễ dãi trong xét tuyển, không đảm bảo chất lượng đào tạo là gây lãng phí lớn cho xã hội, lãng phí tài chính, thời gian và cơ hội của cả sinh viên. Hạ thấp đầu vào đại học cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn của tiêu cực phát sinh, khiến đầu ra khó mà siết chặt”, thầy Hiệp nêu quan điểm.

Châu Anh