Chọn đội tuyển học sinh giỏi môn tích hợp, nhiều trường vẫn "án binh bất động"

31/07/2024 09:20
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thể có học sinh rất giỏi môn Vật lý nhưng học trung bình các môn Hóa học, Sinh học và ngược lại, rất khó để tìm được 1 học sinh giỏi được cả 2,3 phân môn

Từ tháng 9 tới, năm học 2024-2025 sẽ bắt đầu. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ được thực hiện ở toàn bộ bậc học phổ thông. Tuy nhiên, những bất cập về các môn học mới thường được gọi là môn học “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở vẫn là những thách thức lớn đối với nhà trường, giáo viên và học sinh.

Hai môn tích hợp khó thực hiện nhất, nhiều vướng mắc đến thời điểm này vẫn là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khi vẫn phải phân công 2,3 giáo viên dạy 1 môn trong đó việc tổ chức thi học sinh giỏi cuối cấp cũng chưa tìm được lối ra thích hợp.

GDVN- tích hợp.jpg
Ảnh minh họa

Năm học 2024-2025, bậc trung học cơ sở có thể thi học sinh giỏi chỉ còn 7 môn

Ngoài nhiều khó khăn, vướng mắc về phân công giảng dạy, ra đề kiểm tra, chấm điểm, vào điểm, nhận xét, kiểm tra lại,….còn một vấn đề khó tìm được hướng giải quyết đó là kỳ thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ do ai dạy? Chế độ chi trả ra sao?

Ở đa số các địa phương đều thực hiện bồi dưỡng và tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cho học sinh lớp 9.

Năm học 2023-2024, do lớp 9 thực hiện chương trình 2006 nên các môn được tổ chức kỳ thi học sinh giỏi gồm 10 môn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân, Tin học.

Nhưng từ năm 2024-2025, học sinh lớp 9 đã thực hiện chương trình mới 2018, không còn các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học mà chỉ còn môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý), môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, hóa học, Sinh học).

Như vậy, nếu đúng với các môn học của chương trình mới thì năm học 2024-2025 tổ chức kỳ thi học sinh giỏi chỉ còn 7 môn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học.

Tổ chức dạy và chi trả chế độ bồi dưỡng các môn tích hợp ra sao?

Để tạo không khí thi đua, tạo mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài để định hướng nghề nghiệp,…các trường thường thành lập đội tuyển học sinh giỏi vào cuối năm lớp 8 sau khi có kết quả tổng kết năm học.

Nhiều nơi sau khi chọn đội tuyển học sinh giỏi sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức nâng cao, chuyên sâu cho các em để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi, nhiều nơi tận dụng dịp hè để bồi dưỡng cho các em để nâng cao cơ hội đạt giải trong kỳ thi và giáo viên khi có học sinh đạt giải ngoài việc được tuyên dương, ghi nhận còn được nhận kinh phí khen thưởng, cũng như chế độ dạy bồi dưỡng theo quy chế chi tiêu của đơn vị.

Tuy nhiên, năm học này, khi có kết quả kết thúc năm học, các môn khác vẫn lựa chọn, thành lập đội tuyển học sinh giỏi, riêng 2 môn tích hợp vẫn “án binh bất động”.

Bởi, đến thời điểm này chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn việc thành lập đội tuyển và tổ chức thi học sinh giỏi các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Về phía giáo viên, nếu thi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì không có giáo viên nào đủ trình độ, kiến thức để bồi dưỡng cả 2,3 phân môn, nhất là môn Khoa học tự nhiên với kiến thức 3 môn rất khó là Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Thời gian qua, các địa phương dù có giáo viên có bồi dưỡng hay chưa, nhiều địa phương vẫn tổ chức giáo viên đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó, tức 2,3 giáo viên dạy 1 phân môn. Ở lớp 9, gần như cũng sẽ có 2,3 giáo viên dạy một môn.

Do đó, khó có thể có việc 1 giáo viên dạy được kiến thức chuyên sâu của các phân môn trong môn tích hợp để dạy bồi dưỡng học sinh giỏi khi trong các trường vẫn phân môn nào dạy phân môn đó.

Hiện nay, tìm được 1 giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi 1 đơn môn đã không đơn giản, tìm đâu ra 1 giáo viên đủ kiến thức chuyên sâu để bồi dưỡng cả 2,3 phân môn ở bậc trung học cơ sở.

Nếu 1 môn mà do 2,3 giáo viên bồi dưỡng thì cũng rất khó, khi đó chỉ tính 1 môn nhưng do 2,3 giáo viên bồi dưỡng việc chi trả chế độ bồi dưỡng ra sao? Khi bồi dưỡng, tính chế độ bồi dưỡng dễ xảy ra những mâu thuẫn, mất đoàn kết.

Nếu tổ chức thi đơn môn, vẫn là môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thì không có gì khác chương trình cũ và quan trọng là rất khó chi trả chế độ khi trong chương trình không có các môn trên nhưng vẫn tổ chức thi học sinh giỏi.

Về phía học sinh nếu học sinh thi đầy đủ các môn tích hợp thì sẽ khó tìm được học sinh giỏi được cả 2,3 phân môn. Có thể có học sinh rất giỏi môn Vật lý nhưng học trung bình các môn Hóa học, Sinh học và ngược lại.

Các em cũng không đủ tự tin để ôn luyện, bồi dưỡng để thi học sinh giỏi cả 2,3 phân môn trong môn tích hợp.

Ở bậc trung học cơ sở không còn các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ còn 2 môn tích hợp nhưng sang bậc trung học phổ thông vẫn còn các môn này.

Bên cạnh đó, người viết là giáo viên trung học cơ sở cũng rất băn khoăn và hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thi các môn chuyên từ năm 2024-2025 khi ở bậc trung học cơ sở chỉ có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng ở các trường chuyên tuyển sinh các đơn môn nên học sinh sẽ rất khó để định hướng, chọn môn để thi.

Rất mong, ngành giáo dục sớm có những buổi hội thảo cũng các chuyên gia, nhà giáo dục, những giáo viên cốt cán để tìm lối ra hợp lý cho các môn tích hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi