Bộ GDĐT yêu cầu thực hiện “4 đúng”, “3 không” trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2024

20/06/2024 13:20
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu đảm bảo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thân thiện.

Ngày 20/6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố để rà soát công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 diễn ra tới đây.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 chủ trì.

Hội nghị về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Hội nghị về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là các địa phương, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh/thành phố để triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi theo đúng kế hoạch.

Hội nghị trực tuyến nhằm rà soát công tác chuẩn bị, trao đổi, thảo luận những vấn đề để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị sáng ngày 20/6. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị sáng ngày 20/6. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như các năm 2022, 2023.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã báo cáo về công tác ban hành văn bản, công tác chuyên môn, thanh tra và truyền thông cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2024. Trong đó, Giáo sư Huỳnh Văn Chương khẳng định kỳ thi tốt nghiệp phải đạt được 3 mục tiêu (sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp; đánh giá kết quả dạy và học của 12 năm học; sử dụng điểm thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng).

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh năm 2024 là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp dành cho thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do đó, các địa phương cần thực hiện đúng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Quy chế thi và một số văn bản liên quan đến hướng dẫn thực hiện kỳ thi tốt nghiệp năm 2024.

Với các địa phương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của địa phương trong việc thành lập ban chỉ đạo kỳ thi và hội đồng coi thi, cập nhật thường xuyên việc thay đổi nhân sự. Tuy nhiên, các địa phương cần lưu ý trong thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện công tác tổ chức kỳ thi.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương trình bày báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tại hội thảo. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương trình bày báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tại hội thảo. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo Giáo sư Huỳnh Văn Chương, tính đến sáng ngày 20/6, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có tổng 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Trong đó, có 46.978 thí sinh tự do (chiếm 4,38% tổng số thí sinh dự thi).

Cũng theo Giáo sư Huỳnh Văn Chương, qua công tác kiểm tra, địa phương cần khắc phục một số khó khăn:

Thứ nhất, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi ở một số địa phương còn hạn chế về không gian làm việc cho đội ngũ in sao đề thi.

Thứ hai, việc đăng ký dự thi đã được thực hiện tốt, tập huấn kỹ nhưng một số địa phương còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt.

Thứ ba, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến phương án ứng phó với biến động thời tiết, nhất là ở những tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 tiếp tục làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi, chấm thi. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cũng sẽ tiếp tục tổ chức 10 đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 của địa phương. Yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình học, ôn tập cho thí sinh theo đúng kế hoạch, trong đó lưu ý phải có thời gian cho học sinh được nghỉ ngơi trước kỳ thi.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia yêu cầu thực hiện công tác báo cáo, cập nhật số liệu về công tác tổ chức thi, chấm thi theo đúng quy định. Các địa phương cần tổ chức hoạt động kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của pháp luật.

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương cần quán triệt thực hiện công tác tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương phải có phương án dự phòng về thời tiết, phòng thi và điểm thi dự phòng; công tác truyền thông từ trung ương đến địa phương cần đảm bảo đúng, đủ, kịp thời và không quá dồn dập.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu các địa phương xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của các công việc để phân công công tác phù hợp. Trong đó, việc in sao đề, vận chuyển đề thi, bảo quản bài thi của thí sinh cần được chú trọng và tăng cường chỉ đạo thực hiện. Công tác coi thi tốt nghiệp chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng số lượng cán bộ tham gia làm thi đông nên tính rủi ro xảy ra rất cao. Do đó, Thứ trưởng quán triệt cán bộ tham gia công tác thi phải tập trung cao độ vào công tác coi thi, tuyệt đối không lấy kinh nghiệm có sẵn mà sinh ra chủ quan trong chỉ đạo công tác thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, về mặt nguyên lý, những nơi có quy mô thí sinh dự thi lớn thì độ rủi ro lớn. Nhưng qua kiểm tra, khảo sát thực tế cho thấy, những tỉnh/thành phố có quy mô thí sinh dự thi lớn thì công tác làm thi rất tốt, còn những tỉnh/thành phố có quy mô thí sinh dự thi nhỏ lại thường xảy ra sai phạm, thậm chí có nơi phải xử lý hình sự. Do vậy, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương cần quán triệt công tác lựa chọn cán bộ làm công tác thi và thực hiện đúng quy trình, quy chế.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý, công tác chấm thi cần phải hoàn thành đúng thời gian và gửi kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng tiến độ; đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và thân thiện.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu thực hiện “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Cụ thể, “4 đúng” - đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” - không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Ngọc Mai