Đại học Thủ đô Hà Nội: Đề án không kê khai chuyên môn đào tạo của GV thỉnh giảng

15/06/2024 06:24
Thanh Thuý
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo đề án tuyển sinh 2024 của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, thông tin về chuyên môn đào tạo của giảng viên thỉnh giảng không được kê khai. 

Tại Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022) của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Theo tìm hiểu, ngày 20/03/2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy một số thông tin trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không được kê khai.

Số sinh viên nhập học của 2 năm gần nhất không được kê khai

Trong năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (2) Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên (tính đến thời điểm nộp hồ sơ còn thời gian sử dụng theo quy định; (3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 bậc trung học phổ thông; (4) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tại mục 8.2 tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các đầu mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; Phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

Mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình.
Mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, ở bảng thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong Đề án tuyển sinh 2024 của nhà trường chỉ kê khai chỉ tiêu, điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông và phương thức xét tuyển bằng học bạ. Còn thông tin về số thí sinh nhập học của từng phương thức và điểm chuẩn của các phương thức còn lại không được nhà trường kê khai chi tiết.

Bên cạnh đó, tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, thông tin về tổ hợp xét tuyển của từng ngành/nhóm ngành cũng bị lược bỏ. Cụ thể trong Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường chỉ thống kê như sau:

Thông tin điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bị thiếu nhiều thông tin so với yêu cầu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2024
Thông tin điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bị thiếu nhiều thông tin so với yêu cầu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2024

Kê khai thông tin về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng không đầy đủ

Tại mục 10.3, chương I về danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, theo quy định tại biểu mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu thông tin giảng viên toàn thời gian phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy, cụ thể như sau:

Mẫu kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình
Mẫu kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình

Đối chiếu với đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn được đào tạo, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian đều được kê khai đầy đủ.

Tuy nhiên nhà trường không thống kê tổng số giảng viên toàn trường theo yêu cầu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Thông tin giảng viên toàn thời gian được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình
Thông tin giảng viên toàn thời gian được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu thông tin về giảng viên thỉnh giảng ngoài những mục như đối với giảng viên toàn thời gian thì phải kê khai thông tin về cơ quan công tác, cụ thể theo mẫu sau:

Mẫu kê khai danh sách giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình
Mẫu kê khai danh sách giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình

Khi đối sánh với kê khai của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho thấy chuyên môn đào tạo của từng giảng viên thỉnh giảng cũng như tổng số giảng viên thỉnh giảng đều không có.

Thông tin giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình
Thông tin giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công khai tại đề án tuyển sinh 2024. Ảnh chụp màn hình

Cũng qua báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho thấy, về quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 như sau:

Đào tạo trình độ tiến sĩ có 24 người học lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Đào tạo trình độ thạc sĩ có 601 người học ngành Quản lý giáo dục, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; 41 người học ngành Ngôn ngữ Anh, lĩnh vực Nhân văn.

Đối với quy mô đào tạo của đại học chính quy có 7.255 sinh viên (Lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin có 414 sinh viên; Lĩnh vực du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có 920 sinh viên; Lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có 2745 sinh viên; lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 633 sinh viên; lĩnh vực Pháp luật có 418 sinh viên; lĩnh vực Toán và thống kê có 128 sinh viên; lĩnh vực công nghệ kỹ thuật có 486 sinh viên; lĩnh vực dịch vụ xã hội có 169 sinh viên; lĩnh vực nhân văn có 1051 sinh viên; lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi có 291 sinh viên).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học của trường là 1043 sinh viên.

Về cơ sở vật chất, hiện trường có tổng diện tích đất là 24,1 ha; Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 3,65m2/sinh viên.

Từ thông tin tại đề án, được biết năm 2024 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xét tuyển theo 4 phương thức: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; (2) Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên (tính đến thời điểm nộp hồ sơ còn thời gian sử dụng theo quy định); (3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 bậc trung học phổ thông; (4) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đề án tuyển sinh, năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự kiến mức học phí như sau:

Về lộ trình học phí của khoá học 2024 với khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên và Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 1.410.000 triệu đồng/tháng;

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 1.520.000 triệu đồng/tháng;

Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, thú y là 1.640.000 triệu đồng/tháng;

Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường là 1.500.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, theo đề án tuyển sinh 2024 của trường cũng ghi rõ chế độ học phí đối với các ngành đào tạo giáo viên như sau:

Chế độ học phí đối với ngành đào tạo giáo viên. Ảnh chụp màn hình từ đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Chế độ học phí đối với ngành đào tạo giáo viên. Ảnh chụp màn hình từ đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Thanh Thuý