Đào tạo báo chí gắn với thực hành, cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở

21/06/2024 06:32
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo TS. Trần Duy, yêu cầu với nhà báo hiện đại không chỉ là đi săn tin, viết bài mà còn phải am hiểu các nền tảng mạng xã hội và sự ứng dụng của công nghệ mới.

Ngày 21/6/1925, cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên. Qua báo chí, những đường lối, chủ trương của Đảng cùng các bước tiến cách mạng đã cổ vũ, khích lệ tinh thần kháng chiến của quần chúng nhân dân để tiến tới thắng lợi lịch sử vào tháng 8 năm 1945. Sau đó, ngày 21/6 hàng năm được lấy làm Ngày Báo chí Việt Nam.

Đến ngày 21/6/2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ về công tác đào tạo báo chí hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo.

Đào tạo báo chí bài bản tại cơ sở giáo dục đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định: Ngày 21/6 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Mỗi dịp kỷ niệm này là 1 lần những người làm báo được nhắc về truyền thống, về giá trị cốt lõi của báo chí, đặc biệt trong bối cảnh báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Sinh viên theo học ngành Báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) được tiếp cận với nền tảng và công cụ công nghệ số trong báo chí qua một chương trình học có nhiều điểm khác biệt; được trải nghiệm mô hình báo chí truyền thông hội tụ hiện đại ngay tại Học viện.

Các bạn được “học đi đôi với hành” kiến thức và kỹ năng thuộc 3 nhóm ngành: báo chí, công nghệ và thiết kế. Trong đó, công nghệ được xác định là nền tảng, trụ cột của đào tạo báo chí tại PTIT. Các học phần như: Báo chí dữ liệu; công cụ xử lý hiệu ứng trong báo chí số; thu thập và xử lý dữ liệu báo chí số; công nghệ AI trong phân tích dữ liệu báo chí số; thiết kế UX, UI, Data Visualization, Data storytelling, quản trị tòa soạn số... sẽ lần đầu tiên được đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Việt Nam.

z5153362095049_e872fb14c6af4dda6a567de25791d872.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông có tiền thân là Khoa Báo chí thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với gần 35 năm đào tạo nhân lực cho ngành báo chí truyền thông nước nhà, viện đã đào tạo hơn 10 ngàn nhà báo, phóng viên hoạt động tại các báo, đài trên toàn quốc và hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ báo chí học, quản trị báo chí truyền thông cung cấp cho các cơ quan báo chí, các công ty truyền thông và các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trên cả nước.

Hiện nay Viện đang đào tạo 2 chương trình cử nhân (Báo chí và Quan hệ công chúng), 2 chương trình thạc sĩ (Báo chí học và Quản trị Báo chí Truyền thông) và chương trình Tiến sĩ Báo chí học.

“Các nhà báo tương lai tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được đào tạo một cách bài bản, tổng hợp nhiều mặt để có thể làm nghề chuyên nghiệp khi ra trường. Viện chú trọng 3 yếu tố cốt lõi: Thứ nhất là tri thức nền tảng để có thể phát triển sâu về nghề nghiệp. Thứ hai là đạo đức, trách nhiệm với nghề nghiệp để không bị chệch hướng trong quá trình tác nghiệp. Thứ ba là cập nhật các kỹ năng, công nghệ hiện đại để bắt kịp với nhịp phát triển của thời đại", thầy Kiền nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Kiền, không gian thực hành là một lợi thế của sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Viện có hệ thống thiết bị hiện đại, hệ thống phòng học thực hành gồm các trường quay thực, trường quay ảo, các phòng thu âm, phòng multimedia, phòng thực hành ảnh… trị giá hàng chục tỷ đồng từ các dự án đầu tư chiều sâu từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong chương trình học, sinh viên được học các chuyên đề thực tế tại toà soạn, tác nghiệp tại hiện trường, thực tập tốt nghiệp tại toà soạn như là các môn học bắt buộc. Các học phần liên quan tới các môn học thực tế và kỹ năng nghề nghiệp được đảm nhận bởi các nhà báo giàu kinh nghiệm và năng lực tốt tại các cơ quan báo chí.

21b1cf0f75d3d68d8fc2.jpg
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Yêu cầu đối với một nhà báo hiện đại không chỉ là đi săn tin mà phải am hiểu sâu chuyên môn

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo ngành báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Tiến sĩ Trần Duy - phụ trách tổ báo chí, Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho hay: "Theo thống kê từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO), cuộc cách mạng về công nghệ mới trong ngành báo chí, truyền thông đang thay đổi nhanh chóng cách thức làm việc của nhà báo. 80% nhà báo thu thập thông tin từ mạng internet và chủ yếu xuất bản sản phẩm trên môi trường trực tuyến. Yêu cầu đối với một nhà báo hiện đại không chỉ là đi săn tin, viết bài mà còn phải am hiểu về các nền tảng mạng xã hội và sự ứng dụng của công nghệ mới (ví dụ như trí tuệ nhân tạo), cùng lúc lên ý tưởng kịch bản tin tức cho nhiều nền tảng khác nhau bằng một số định dạng như bài viết, video, ảnh, đồ họa…

Xu hướng ngành báo chí truyền thông thay đổi đã đặt ra bài toán về nguồn nhân lực, đòi hỏi chương trình giáo dục đại học cũng cần phải thay đổi theo. Nắm bắt xu thế này, năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tiên phong mở ngành báo chí theo định hướng công nghệ số, với những thay đổi lớn trong nội dung và cách thức đào tạo. Đây cũng là thế mạnh của học viện, nơi có nền tảng về công nghệ rất lâu đời.

Chúng tôi có nhiều chương trình nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ với nhiều môn học được các chuyên gia uy tín đảm nhiệm giảng dạy. Thậm chí sắp tới đây, học viện còn mở khoa Trí tuệ nhân tạo nhằm đào tạo chuyên sâu về AI và ứng dụng trong các ngành đào tạo khác tại PTIT.

Tuy nhiên, những thuận lợi trên cũng đồng thời sẽ là thách thức với chúng tôi. Báo chí đang phát triển đồng hành cùng với công nghệ, nhưng công nghệ không phải là tất cả trong báo chí. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo cho sinh viên ngành báo nắm được những nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề báo, về kiến thức xã hội đa dạng và tâm thế vững vàng khi đi làm nghề sau này. Đó là áp lực không nhỏ với các giảng viên của Khoa Đa phương tiện thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông”.

HVBCVT.png
Sinh viên báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thực hành nghề nghiệp. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Cùng bàn về vấn đề này, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Trong quá trình đào tạo nhân lực ngành Báo chí truyền thông, Viện có thuận lợi là có điểm chuẩn đầu vào rất cao nên thường lựa chọn được những ứng viên ưu tú, có năng lực và phẩm chất tốt để đào tạo. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến trên thế giới, chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật và kiểm định… đã giúp sinh viên có cơ hội học tập ở một môi trường đào tạo hiện đại, năng động và giàu trải nghiệm.

Bên cạnh đó, theo thầy Kiền, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng như nhiều cơ sở đào tạo báo chí khác đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và chuyển đổi số như hiện nay.

“Có một thách thức với hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông là làm thế nào để vừa đảm bảo tính hàn lâm, học thuật (vốn là vẻ đẹp của một trường đại học) nhưng cũng không bị tụt hậu quá xa với thực tế. Trong khi, ngành Báo chí truyền thông là một ngành gắn bó rất khăng khít với sự thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ. Mà công nghệ truyền thông, như chúng ta thấy, thay đổi hàng ngày.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc dung hoà hai quy luật ngược nhau ấy luôn được đưa ra thảo luận mỗi học kỳ, mỗi năm học. Chúng tôi hiểu rằng các kỹ năng nghề nghiệp là chiếc áo, còn kiến thức chiều sâu văn hoá là căn cốt của một nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng nếu không có chiếc áo ấy, nhà báo rất có thể bị tụt hậu trước sự thay đổi chóng mặt của báo chí truyền thông hiện đại".

0B2A8980.JPG
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hành. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo thầy Kiền, triết lý đào tạo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là đào tạo ra những nhà báo có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội nhân văn, đồng thời, cập nhật nhanh các xu hướng thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ.

"Bên cạnh việc kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng cho các nhà báo tương lai, chương trình đào tạo đại học của viện đã đưa các kiến thức, kỹ năng như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ… vào giảng dạy cho người học. Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo mới nhất, chúng tôi đã đưa vào chương trình đào tạo môn học Công nghệ truyền thông số. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông mới vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...

Dù rất quan tâm tới việc cập nhật các xu hướng mới cho các nhà báo tương lai, chúng tôi vẫn kiên định rằng người làm báo dù trong bối cảnh nào cũng cần phải được trang bị một nền tảng tri thức hiểu biết vừa sâu vừa rộng về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là hành trang quan trọng để thích ứng với mọi biến đổi của thời cuộc.

Vì vậy, tôi nghĩ, dù có nhiều thay đổi khiến cả người dạy và người học báo chí phải cập nhật để thích nghi nhưng bản chất của báo chí vẫn nằm ở nội dung hơn là công nghệ. Chính vì thế, bên cạnh việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới thì người làm báo vẫn phải thường xuyên trau dồi điều cốt lõi nhất với mình là tri thức và bản lĩnh, đạo đức và trách nhiệm của một người làm nghề thông tin”, thầy Kiền nêu quan điểm.

1 (11).jpg
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đưa các môn học về công nghệ gắn với báo chí vào giảng dạy. (Ảnh: NTCC)

Những kỹ năng mà sinh viên báo chí cần có trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo

Theo Tiến sĩ Trần Duy, sinh viên báo chí luôn gặp áp lực trong việc phải săn tìm “cái mới”: tin tức mới, sự kiện mới, góc nhìn mới. Vì thế, một mặt các bạn cần trau dồi và tích lũy cho mình những kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực để có thể sáng tạo nội dung được hấp dẫn, mặt khác vẫn phải chuẩn bị tâm thế để tự học, tự đào tạo khi đã làm nghề. Đó sẽ là thách thức mà chỉ có ai thực sự yêu nghề mới vượt qua được.

Bên cạnh đó, theo thầy Duy các cơ sở giáo dục đại học đào tạo báo chí cũng cần tăng cường liên kết hợp tác với các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông để sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và thực tập nghề nghiệp.

“Các thầy cô dạy báo chí của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn xác định báo chí phải gắn với thực hành và tạo điều kiện tốt nhất để các em được đến thực tập ở các tòa soạn báo uy tín. Tuy nhiên, không phải bạn nào học báo ra trường cũng sẽ trở thành nhà báo (điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan).

Cơ hội nghề nghiệp cho các bạn học báo chí cũng rất rộng mở. Sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí tại PTIT được đào tạo thành thạo kỹ năng số và có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm (All-in-One) như: Phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn, các đài phát thanh - truyền hình, nhà xuất bản; thiết kế sản phẩm, phân tích dữ liệu báo chí số, quản lý các dự án báo chí thông tấn trong các tòa soạn, quan hệ báo chí của tập đoàn, công ty; quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí có thể tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi, bổ sung những kiến thức chuyên ngành gần khác để theo học các chương trình đào tạo văn bằng kép hoặc học tiếp ở các bậc cao hơn”, thầy Duy khẳng định.

HVBCVT-4.png
Tiến sĩ Trần Duy - phụ trách tổ báo chí, Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Văn Kiền cho rằng: Sinh viên báo chí phải được đào tạo để thích nghi với mọi sự thay đổi của nghề nghiệp chứ không đơn thuần là thực hành những kỹ năng nghề nghiệp căn bản. Vì vậy, một người được đào tạo để làm báo có rất nhiều lợi thế để làm các nội dung truyền thông. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và xu hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành như hiện nay, sinh viên phải học cách thích nghi với sự thay đổi thường xuyên, liên tục của thị trường lao động.

“Và một điều quan trọng nữa tôi nghĩ chúng ta phải rạch ròi ở chỗ, trường đại học không phải là trường dạy nghề. Vì vậy, kỹ năng nghề nghiệp để trực tiếp phục vụ cho công việc khi ra trường hiển nhiên là cần thiết nhưng không phải/không nên là nội dung chủ đạo của một ngành đào tạo ở bậc đại học, dù là ngành có tính ứng dụng cao như báo chí. Nhiệm vụ của trường đại học là cung cấp một nền tảng đủ sâu và rộng để người học thích ứng với các biến đổi của thực tiễn nghề nghiệp, đồng thời trang bị cho họ bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức về nghề nghiệp mà họ sẽ theo đuổi.

Với tư cách là một trong những đơn vị đào tạo báo chí truyền thông hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì thế mạnh truyền thống của mình là đào tạo báo chí. Bên cạnh đó, mở rộng biên độ ra các ngành thuộc lĩnh vực truyền thông như PR - quảng cáo, quản trị báo chí truyền thông, truyền thông đa phương tiện… Trong bối cảnh kỹ thuật số, viện cũng sẽ quan tâm tới lĩnh vực báo chí số, truyền thông số… để phát triển các ngành này”, thầy Kiền thông tin.

1 (19).JPG
Trong bối cảnh kỹ thuật số, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chú trọng tới lĩnh vực báo chí số, truyền thông số. (Ảnh: NTCC)

Còn đối với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Tiến sĩ Trần Duy cho biết: Trong tương lai, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự kiến sẽ mở rộng các chương trình đào tạo báo chí. Học viện không chỉ đào tạo cử nhân, mà sẽ có các khóa ngắn hạn về báo chí số dành cho các phóng viên/biên tập viên đã đi làm.

“Chúng tôi cũng dự kiến tham gia tư vấn về mặt công nghệ báo chí cho các tòa soạn báo địa phương tại Việt Nam với mục đích đem công nghệ, big data, AI đến gần hơn với báo chí địa phương.

Để việc đào tạo báo chí được hiệu quả hơn trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta cần hội nhập hơn với các chương trình đào tạo báo chí trên thế giới, xây dựng được mạng lưới các cơ sở đào tạo báo chí ở Việt Nam với các cơ sở đào tạo báo chí ở các nước có nền kinh tế báo chí truyền thông phát triển. Điều này sẽ giúp báo chí chúng ta sớm đạt được các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số báo chí mà Chính phủ đã đề ra”, thầy Duy bày tỏ.

Nhật Lệ