Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn có chính sách thu hút GV trình độ cao

02/07/2024 06:35
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn và nghiên cứu công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.

Theo chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030 tầm nhìn 2045 của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2045, Học viện phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo đại học trong nhóm đầu, có uy tín ở Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, lãnh đạo trẻ có chất lượng cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hệ thống chính trị và đáp ứng nguồn nhân lực của xã hội; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tính ứng dụng trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.

Công tác Đoàn có tính đặc thù, cán bộ đoàn cần có độ tuổi sát với độ tuổi thanh niên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: "Đến nay, Học viện đã chuẩn bị xong hồ sơ theo quy trình thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Dự kiến sau khi đạt chuẩn kiểm định Học viện sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung nói trên, đặc biệt tập trung mở thêm một số ngành đào tạo trọng điểm như: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước trình độ tiến sĩ; ngành Luật, Công tác thanh thiếu niên trình độ thạc sĩ; ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh trình độ đại học.

Hàng năm, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp do các nhóm giảng viên của Học viện tham gia và chủ trì ngày càng tăng. Hiện nay Học viện đang có 4 nhóm nghiên cứu thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và nhiều đề tài cấp bộ".

GDVN_SVHV.png

Bên cạnh đó, theo thầy Đăng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn có chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và cơ chế hỗ trợ kinh phí để gia tăng công bố quốc tế đối với các nhóm nghiên cứu mạnh. Các giảng viên có nhiều cơ hội chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp nếu bảo đảm được các cam kết đầu ra là công bố quốc tế hoặc sản phẩm ứng dụng có thể biên soạn tài liệu, giáo trình sử dụng trực tiếp cho đào tạo đại học, sau đại học đạt yêu cầu thẩm định.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng cũng nhìn nhận, công tác Đoàn có tính đặc thù, nên cán bộ đoàn cần có độ tuổi sát với độ tuổi thanh niên, thời gian giữ chức vụ ngắn, có sự thay đổi nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thầy Đăng thông tin: "Theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định Bí thư tỉnh đoàn giữ chức vụ không quá 40 tuổi, phó bí thư không quá 38 tuổi; Cán bộ đoàn cấp huyện, cấp xã giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Điều này không phải là hạn chế mà công tác cán bộ đoàn là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đoàn, đồng thời tạo nguồn bổ sung cán bộ cho hệ thống chính trị".

Cơ sở giáo dục duy nhất đào tạo ngành đặc thù về công tác thanh thiếu niên

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng khẳng định, công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo học sinh trên cả nước thông qua truyền thông và sức lan tỏa của các hoạt động của phong trào thanh thiếu nhi các địa phương. Đầu ra của Trung ương Đoàn, nhiều tỉnh thành đoàn trên cả nước xác định vị trí việc làm gắn với các ngành đào tạo do Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cấp bằng.

Tuy nhiên, do quy mô đào tạo gắn với các chuẩn về đội ngũ, hiện nay số lượng các ngành đào tạo trình độ sau đại học chưa tương xứng so với tiềm năng nhu cầu của người học. Trong đó, có những đặc thù về công tác thanh thiếu niên mà ở Việt Nam chỉ có Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học duy nhất nên Học viện gặp khó khăn trong mở ngành đào tạo sau đại học về công tác thanh niên, nhất là khó đáp ứng về đội ngũ giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị đúng ngành.

GDVN_TH DANG.png

Một trong những quan điểm chiến lược phát triển của nhà trường là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và thúc đẩy hợp tác đào tạo, nhà trường mở thêm các ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ một cách hợp lý; tỷ lệ dự kiến giữa các bậc đào tạo là 3-5% tiến sĩ; 10-15% thạc sĩ; 80-87% đại học; sớm nâng cấp phân viện miền Nam thành phân hiệu và phát triển đào tạo đại học, sau đại học.

Phấn đấu đến năm 2030, giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ 40%, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 3%. Đến năm 2045, giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ 50%, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 5%; 100% cán bộ, viên chức đạt tiêu chuẩn theo chức danh, vị trí việc làm, đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ…

Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Các nội dung này đang được triển khai và chuẩn bị các điều kiện đạt chuẩn, một số khoa chuyên môn hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra”.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng cho hay, Khoa Chính trị học đạt 50% giảng viên trình độ tiến sĩ. Phân hiệu Học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và đi vào hoạt động, cho phép tuyển sinh ba ngành đại học gồm: Công tác thanh thiếu niên, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Luật.

Về mục tiêu trong hoạt động khoa học công nghệ, theo nghị quyết về việc ban hành chiến lược phát triển Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 nêu: Hàng năm 100% giảng viên có công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước hoặc quốc tế; có ít nhất 01 báo cáo tại các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài.

Mỗi năm triển khai ít nhất 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ; phấn đấu 5 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải cấp bộ; tổ chức ít nhất 1 hội nghị khoa học quốc tế; công bố từ 01-02 cuốn sách chuyên khảo.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng cho biết, hàng năm Học viện đều đảm bảo đạt được các chỉ tiêu nêu trên do đã được xác định trong quy chế giảng viên phục vụ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo năm, quý, tháng.

Năm 2023 Học viện tiếp tục triển khai 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo quốc tế kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới. Ngoài ra, Học viện phối hợp với Nhà xuất bản Đại học quốc xuất bản gần 10 đầu sách chuyên khảo và giáo trình phục vụ đào tạo. Năm học 2023-2024 Học viện gửi 03 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên dự thi cấp Bộ trong đó đạt 01 giải nhì, 01 giải ba và 01 giải khuyến khích cấp Bộ.

GDVN_HV.png

Về các giải pháp tự chủ tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng cho biết, theo chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030 tầm nhìn 2045:

Thứ nhất, chủ động liên kết khai thác cơ sở vật chất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích phát triển các dịch vụ, tạo thêm nguồn thu; quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ; xây dựng môi trường làm việc trẻ trung, năng động, sáng tạo, đoàn kết, nhân văn.

Thứ hai, nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu dịch vụ của các ngành kinh tế, xã hội, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp gắn với các lĩnh vực đào tạo của Học viện để triển khai thực hiện dịch vụ.

Thứ ba, tiếp tục duy trì, phát triển các trung tâm để thực hiện dịch vụ; xây dựng kế hoạch, lộ trình để lựa chọn khoán thí điểm thu, chi cho một số trung tâm.

Thứ năm, chủ động đa dạng hóa nguồn thu từ đào tạo, dịch vụ khoa học, sản phẩm khoa học, hợp tác quốc tế, hỗ trợ có mục tiêu của doanh nghiệp. Chủ động tìm nguồn kinh phí ngoài nhà nước, nguồn đầu tư của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế.

Thi Thi