Tại sao hiệu trưởng, hiệu phó hay đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở?

30/06/2024 06:46
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu phát hiện quy trình xét thi đua thiếu minh bạch, không công khai, cần kỉ luật nghiêm khắc chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng của cơ sở giáo dục.

Cứ sau mỗi năm học, giáo viên lại tâm tư với câu hỏi: "Tại sao cán bộ quản lý trong trường lại thường hay đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở?".

Nhiều giáo viên băn khoăn, có phải thành phần tham gia hội đồng thi đua hay có các cán bộ, quản lý của trường nên mới như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, phải tìm hiểu quy định về xét thi đua cuối năm trong trường học như thế nào, các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng các quy định đó chưa.

Điều 9 Thông tư Số: 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học nêu về cơ cấu tổ chức của trường học:

Cơ cấu tổ chức trường trung học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỷ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học; tổ phục vụ các hoạt động giáo dục đặc thù của trường chuyên biệt.[1]

Khoản 1 Điều 12 Thông tư Số: 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Các hội đồng khác trong nhà trường

1. Hội đồng thi đua và khen thưởng

Hội đồng thi đua khen thưởng được thành lập vào đầu mỗi năm học để giúp hiệu trưởng tổ chức các phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Hội đồng thi đua khen thưởng do hiệu trưởng thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng gồm: bí thư cấp ủy, phó hiệu trưởng, đại diện hội đồng trường, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng và các giáo viên chủ nhiệm lớp.[1]

Như vậy, chịu trách nhiệm, có quyền hạn xét thi đua trong trường học là Hội đồng thi đua khen thưởng.

Thực tế, thành phần Hội đồng thi đua khen thưởng của các trường học thành lập nhiều nơi cũng không đúng thành phần nêu trên.

Người viết đã tìm hiểu và nhận thấy: thành phần Hội đồng thi đua khen thưởng của các trường học thành lập “trăm hoa đua nở”, có trường thành phần Hội đồng thi đua khen thưởng tương đối đầy đủ, có tất cả giáo viên chủ nhiệm lớp, nhưng thiếu đại diện hội đồng trường.

đủ.png
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Ngược lại, có nhiều trường thành phần hội đồng thi đua khen thưởng không có các giáo viên chủ nhiệm lớp, đại diện hội đồng trường, tổ trưởng tổ văn phòng, nhưng lại có thêm vào hội đồng những thành phần không có trong quy định, như: tổ phó - trưởng ban thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng...

thiếu gv.png
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Khoản 7 Điều 30 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ghi rõ: "Khi họp xét danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, “Cờ thi đua Chính phủ”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng phải tiến hành bỏ phiếu.

…. Đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, “Cờ thi đua Chính phủ” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).[2]

Khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở phải tiến hành bỏ phiếu, nếu thành phần hội đồng thi đua khen thưởng đúng theo quy định, thành phần hội đồng sẽ phong phú, đa dạng, đại diện cho nhiều tổ chức, giáo viên, kết quả bỏ phiếu sẽ khách quan, chính xác, sẽ không thể có chuyện danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ dành cho "chức sắc".

Nếu tiến hành bỏ phiếu với thành phần chỉ gồm ban giám hiệu và giáo viên có “chức sắc” dễ dẫn đến ưu thế với các cá nhân nằm trong ban giám hiệu, giáo viên có “chức sắc”.

Ví dụ, thành phần hội đồng thi đua gồm hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường, 5 tổ trưởng. Như vậy, sẽ có 10 người bỏ phiếu xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, lúc đó nếu 10 người này cũng thuộc diện xem xét danh hiệu này thì chắc chắn họ sẽ chiếm ưu thế hơn so với các giáo viên bình thường.

Từ thực tế, để tránh các ý kiến tâm tư, băn khoăn về việc đánh giá thi đua cuối năm học và muốn biết hội đồng thi đua, khen thưởng của trường có đúng quy định, giáo viên, cần tìm hiểu văn bản pháp luật, tự trang bị kiến thức cho mình để đóng góp ý kiến, xây dựng cơ quan.

Với các cơ sở giáo dục, cần phổ biến, giới thiệu cho giáo viên các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của giáo viên; công khai minh bạch các hoạt động, quyết định của nhà trường, đặc biệt là hoạt động thi đua khen thưởng, để thi đua trở nên thực chất, có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Với cơ quan phụ trách thi đua cấp huyện, cần giám sát công tác xét thi đua của các trường học: Quyết định thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường đã đúng, đủ thành phần chưa, thực hiện đúng quy trình chưa; cần có hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện xét thi đua hằng năm cho các cơ sở giáo dục.

Nếu phát hiện quy trình xét thi đua thiếu minh bạch, không công khai, cần kỉ luật nghiêm khắc chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng của cơ sở giáo dục để hoạt động này đi vào thực chất, là động lực cho người lao động công tác tại đơn vị.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-98-2023-ND-CP-huong-dan-Luat-Thi-dua-khen-thuong-594016.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến