Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo (lần 2) Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên trung học phổ thông xin có đôi điều cùng chia sẻ về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
Thứ nhất, Điều 4 dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc xác định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông như sau:
"Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường." (Khoản 2)
Hiện nay, nhiều nhà trường phổ thông đang thừa thiếu giáo viên giữa các bộ môn, dẫn đến có giáo viên dạy thiếu định mức nhưng vẫn hưởng nguyên lương.
Ví dụ, giáo viên bậc trung học phổ thông dạy các môn ít tiết như Tin học, Giáo dục kinh tế pháp luật, Công nghệ,... thường dạy vượt định mức. Còn giáo viên dạy các môn ít được học sinh lựa chọn như Sinh học lại dạy không đủ định mức.
Cho nên, quy định phân công nhiệm vụ bảo đảm công bằng về định mức tiết dạy giữa các giáo viên trong cùng trường là rất thiết thực, đúng đắn.
Khoản 2 quy định: "Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần."
Người viết góp ý nên sửa lại cách diễn đạt để nội dung được rõ ràng hơn. Theo đó, nên sửa lại: "... số tiết dạy không vượt quá 25% định mức tiết dạy..." (thay vì "số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy").
Hiện nay giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần. Theo quy định này, giáo viên cấp học này chỉ được dạy thêm 4,25 tiết/tuần, tổng tiết dạy tối đa là 21,25 tiết/tuần.
Theo người viết, quy định số tiết dạy của giáo viên không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần là ít. Giáo viên hoàn toàn có thể dạy vượt định mức 8 tiết/tuần mà vẫn đảm bảo sức khoẻ, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Thực tế có nhiều giáo viên trung học phổ thông vừa dạy ở trường công lập và tư thục lên đến khoảng 40 tiết/tuần. Nếu trường công lập sắp xếp thời khoá biểu gọn thì giáo viên có thể thỉnh giảng ở trường tư thục khoảng 20 tiết/tuần.
Hơn nữa, quy định số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần sẽ khiến một số môn học đặc thù như Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật không đủ giáo viên để dạy.
Ví dụ, kể từ khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển đủ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật do rất ít nguồn.
Thứ hai, khoản 3 quy định: "Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này" là rất đúng đắn.
Hiện nay có tình trạng một giáo viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ dẫn đến công việc giảng dạy và giáo dục học sinh chưa hiệu quả.
Người viết ghi nhận một số đồng nghiệp ngoài dạy học theo chuyên môn còn kiêm nhiệm một số công việc như: tổ trưởng chuyên môn, giáo viên mạng lưới, chủ nhiệm lớp,... dẫn đến công việc quá tải.
Theo Luật Giáo dục, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh. Theo thảo Thông tư, đa số giáo viên sẽ kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp và có thể làm thêm 01 nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công là phù hợp.
Thứ ba, người viết thấy rằng, Điều 5 quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên rất rõ ràng, hợp lí.
Cụ thể, thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần, trong đó: 37 tuần dành cho việc giảng dạy, bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng; 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.
Như vậy, giáo viên sẽ có 08 tuần nghỉ hè, nghỉ phép hàng năm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Cùng với đó, theo tìm hiểu của người viết, nhiều giáo viên đồng tình với quy định (trích):
"Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù" (Khoản 3).
"Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động".
"Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ của giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định, đảm bảo khung thời gian năm học."
Theo các quy định này, giáo viên không phải dạy bù khi nghỉ chế độ thai sản (vợ sinh), nghỉ lễ, tết và được hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hè hợp lý (08 tuần).
Thứ tư, Điều 7 quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần.
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định: "Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại khoản 2 Điều này."
Liên quan đến việc hiệu trưởng phải học dạy 2 tiết/tuần, một số ý kiến đã từng cho rằng, quy định này rất khó thực hiện vì một số lí do khác nhau.
Đó là, đối với các khối trường tiểu học thì mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy nhiều môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó.
Đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều hiệu trưởng chia sẻ, họ quá bận rộn với những công việc khác như quản lí, họp hành… nên không còn thời gian dạy học.
Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, hiệu trưởng trường tiểu học thì không nhất thiết phải tham gia giảng dạy vì giáo viên chủ nhiệm hiện đảm nhiệm nhiều môn. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát lại nội dung này ở dự thảo Thông tư, bằng cách lấy ý kiến từ hiệu trưởng các nhà trường tiểu học.
Tuy nhiên, hiệu trưởng bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì phải tham gia giảng dạy để nắm chương trình và củng cố chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi khi lãnh đạo có uy tín về chuyên môn thì cũng sẽ quản lí tốt hơn.
Thứ năm, Điều 12 quy định quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thấu đáo.
Chẳng hạn, quy đổi 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) bằng 1,5 tiết định mức đối với hoạt động chuyên môn như: Báo cáo viên tại lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên do hiệu trưởng hoặc cấp có thẩm quyền tổ chức;
Hay "Báo cáo tại hoạt động ngoại khóa, dạy hoạt động trải nghiệm (đối với cấp tiểu học), đảm nhận hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông) do nhà trường tổ chức cho học sinh theo quy mô khối lớp hoặc quy mô trường (có giáo án/kế hoạch dạy học hoặc đề cương báo cáo)".
Một số nội dung mới rất đáng chú ý như: "Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh tham gia hội khỏe phù đổng, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức."
Hay "Giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường (các cuộc thi hoặc hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì 01 tiết tham gia chấm trực tiếp được tính bằng 01 tiết định mức."
Những quy định này nhằm ghi nhận công lao của giáo viên khi thầy cô được hiệu trưởng phân công làm một số nhiệm vụ như dạy học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật hay giám khảo trong các cuộc thi, hội thi.
Quy định này còn là cơ sở dùng để quy đổi định mức tiết dạy nếu giáo viên dạy không đủ số tiết theo quy định.
Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học TẠI ĐÂY.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.