Căn cứ để điều động giáo viên, chế độ làm thêm giờ, thầy cô quan tâm

15/09/2023 06:52
Nguyễn Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc điều động giáo viên thế nào là đúng luật, đúng thẩm quyền, và chế độ chi trả tiền làm ngoài giờ cho giáo viên như thế nào là đúng quy định?

Trước thềm năm học mới 2023-2024 là những ngày nghỉ mừng lễ Quốc khánh 2/9, với số ngày nghỉ dành cho viên chức là 4 ngày từ 1/9 đến 4/9 (Theo văn bản 8056/VPCP-KGVX ngày 1/12/2022 của Văn phòng Chính phủ).

Giáo viên cũng là viên chức, lại chưa bắt đầu chính thức vào chương trình dạy học nhưng nhiều thầy cô phản ánh với người viết rằng chỉ được nghỉ đúng ngày 2/9 cộng thêm ngày chủ nhật 3/9, ngày 1/9 và ngày 4/9 phải lên trường họp, làm việc, dọn dẹp cơ sở vật chất, tập luyện chuẩn bị lễ khai giảng, quản lý lao động theo điều động của hiệu trưởng nhưng hoàn toàn không được nhận chế độ làm ngoài giờ, thêm giờ, nhất lại là trong ngày cả nước đang nghỉ lễ.

Nhiều thầy cô đặt câu hỏi về việc nhà trường sử dụng lao động như vậy có thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động không?

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Không chỉ như thế, trong năm học việc điều động giáo viên làm những công việc ngoài giờ hành chính, không đúng chuyên môn, như quản lý học trò tham gia các phong trào Đoàn Đội ban đêm, ngày Chủ Nhật, giáo viên chủ nhiệm phải có mặt sớm trước giờ vào học để quản lý học trò, thậm chí trực quản lý học sinh ban đêm (đối với các trường dân tộc nội trú) nhưng không bồi dưỡng, chi trả đúng chế độ khiến không ít giáo viên tâm tư.

Vậy việc điều động giáo viên thế nào là đúng luật, đúng thẩm quyền, và chế độ chi trả tiền làm ngoài giờ cho giáo viên như thế nào là đúng quy định?

Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Trường hợp người lao động nói chung, giáo viên nói riêng khi được điều động làm thêm giớ cũng được quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

(1) Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

- Phải được sự đồng ý của người lao động;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản (2).

(2) Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản (2), người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của giáo viên cũng đã được quy định cụ thể tại thông tư Số: 32/2020/TT-BGDĐT:

Điều 26. Giáo viên, nhân viên trường trung học

1. Giáo viên làm nhiệm vụ dạy học, giáo dục học sinh trong trường trung học.

2. Nhân viên làm công tác hỗ trợ, phục vụ hoạt động dạy học, giáo dục học sinh trong trường trung học.

Điều 27. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

4. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.

6. Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

7. Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN – BGDĐT năm 2017 về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông thì:

2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

[…]

3. Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định”.

Như vậy, với những quy định pháp lý trên, các trường phải xác định rõ bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, việc điều động giáo viên trong các trường hợp làm ngoài giờ, thêm giờ, nhất là vào các ngày nghỉ lễ, ngày Chủ nhật, hay trực ban đêm ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp thì nhà trường cần có sự đồng ý thống nhất từ phía giáo viên, và dù trong trường hợp nào phải thực hiện đúng và đủ các chế độ đã Luật quy định như đã viết ở trên.

Trường học hạnh phúc là khái niệm được nhắc đến nhiều trong năm học này, và để thực hiện điều đó, thầy cô phải hạnh phúc. Mà thầy cô chỉ hạnh phúc khi làm các công việc trong tâm thế phải được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi theo quy định của luật pháp, để từ đó mới có thể hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Quân