Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo Đề cương chi tiết Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi để lấy ý kiến. Trong đó có nhiều nội dung mới về tuyển dụng giáo viên mầm non cũng như chính sách thu hút đội ngũ nhân lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.
Thực hiện phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên toàn quốc
Theo dự thảo, phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi sẽ được thực hiện trên toàn quốc.
Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển giáo dục mầm non; tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ và đào tạo giáo viên. Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư.
Việc chăm lo để mọi trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục, nhất là tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư; kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ giáo dục mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Phổ cập giáo dục mẫu giáo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ em mẫu giáo vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước.
Dự thảo đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; bảo đảm 100% trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mẫu giáo; đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất thực hiện Phổ cập.
Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn tối thiểu về phổ cập giáo dục mẫu giáo vào năm 2030.
Cho phép tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non
Theo dự thảo, từ năm học 2025 - 2026, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ được tuyển dụng mới để thực hiện nhiệm vụ phổ cập. Các giáo viên sẽ được hưởng chính sách thu hút tối thiểu 1 năm tiền lương cơ bản và phải cam kết công tác tại cơ sở giáo dục mầm non được tuyển dụng ít nhất 5 năm.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng, hưởng không quá 09 tháng/năm học.
Chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ cần bố trí, tuyển dụng đủ giáo viên theo quy định, bảo đảm tối thiểu có 02 giáo viên/lớp mẫu giáo. Đặc biệt, theo dự thảo, cơ sở giáo dục mầm non được phép tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non. Những giáo viên này phải cam kết hoàn thành việc học nâng chuẩn để chậm nhất đến năm 2030 đạt trình độ chuẩn đào tạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục.
Về mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu đủ 100% phòng học đáp ứng phổ cập mẫu giáo; đến 2030, có 85% số phòng học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất trở lên theo quy định.
Có chương trình, dự án đầu tư phát triển trường, lớp học, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đầu tư xây dựng phát triển cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư (trường công, quản lý tư), không áp dụng quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư cơ sở giáo dục mầm non.
Nguồn kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi
Dự thảo cũng nêu rõ kinh phí thực hiện Nghị quyết bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Cụ thể:
Ngân sách trung ương hỗ trợ:
Nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, được bổ sung ưu tiên cho giáo dục mầm non vùng miền núi và dân tộc thiểu số (Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);
Các khu vực còn lại: Thực hiện theo nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương và cơ chế quản lý điều hành của Chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo thống nhất nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ và mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương, danh mục các công trình theo mục tiêu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc hỗ trợ các địa phương bảo đảm theo các quy định hiện hành của nhà nước và theo hướng: ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư với các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương được tính toán, xác định với các mức khác nhau tùy theo điều kiện và mức độ khó khăn về kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo theo nguyên tắc:
Các địa phương tự cân đối ngân sách và điều tiết về trung ương: Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp cho các cơ sở giáo dục mầm non được hưởng và sử dụng toàn bộ phần vốn được tăng thêm để thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương; mức chi không thấp hơn quy định của Chính phủ đối với các chính sách thực hiện Nghị quyết này.
Các địa phương tự cân đối ngân sách trên 80%: hỗ trợ 40% nhu cầu vốn;
Các địa phương tự cân đối ngân sách trên 60% đến 80%: hỗ trợ 60% nhu cầu vốn;
Các địa phương tự cân đối ngân sách dưới 60%: hỗ trợ 100% nhu cầu vốn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ theo đúng mục tiêu, đối tượng và kế hoạch thực hiện.
Ngân sách địa phương:
Các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu phổ cập mẫu giáo; chủ động bố trí ngân sách địa phương, phân bổ cho các dự án, công trình cụ thể. Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách địa phương để thực hiện theo các mục tiêu của phổ cập giáo dục mẫu giáo, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo của địa phương.
Nguồn huy động khác:
Các địa phương chịu trách nhiệm huy động hợp pháp nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh kinh tế cụ thể để có hình thức huy động các nguồn lực cho phù hợp với từng đối tượng.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành.