Ngày Sức khỏe Thế giới (WHD), được tổ chức vào ngày 7/4 hàng năm, đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1948. Đây cũng là dịp các vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng được quan tâm.
Trong lĩnh vực giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe học đường luôn là vấn đề nóng thu hút sự chú ý của dư luận. Hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường tại các trường học đang diễn ra như thế nào? Cần làm gì để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?
Chăm sóc sức khỏe học đường cần chú trọng từ bữa ăn đến các hoạt động thể thao
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam cho biết: “Hàng ngày, học sinh của Trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội đều được chăm sóc bán trú. Nhà trường cũng có phòng y tế để học sinh nếu có sự cố đặc biệt hoặc các bạn bị ốm, sốt hay gặp vấn đề về sức khỏe trong ngày đều được các cán bộ y tế kiểm tra và sơ cứu kịp thời.
Với các bạn đang bị ốm, cần uống thuốc trong ngày thì cán bộ y tế cũng trao đổi với phụ huynh để nắm được tình hình của học sinh và có biện pháp chăm sóc kịp thời. Ngoài ra, hàng năm nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho các em tại trường”.
Cũng theo bà Bình, để cải thiện sức khỏe, tầm vóc của học sinh, các trường nên chú trọng bắt đầu từ bữa ăn sau đó đến các hoạt động thể dục thể thao. Tại Trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội hiện đã tăng thời lượng các hoạt động thể dục thể thao, khuyến khích học sinh vận động, vui chơi. Nội dung này được nhà trường tích hợp thẳng vào các môn học.
“Ở trường hầu như học sinh nào cũng được học bóng rổ, cầu lông, võ cổ truyền hoặc đá bóng. Những môn học này các em được học ngoài trời. Việc vận động ngoài trời ra mồ hôi cũng kích thích thêm quá trình trao đổi chất, giúp trẻ năng động, dẻo dai hơn đồng thời hấp thụ thêm vitamin D tốt hơn.
Ngoài ra, học sinh ăn bán trú tại trường cũng được sử dụng chế độ ăn uống hợp lý. Mỗi bữa ăn đều được tính toán kỹ lưỡng định lượng calo, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho các em học tập và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam thông tin thêm.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hàng Đào (Hà Nội) cho biết: “Nhà trường có rất nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh. Có thể kể đến một số hoạt động như: công tác phòng dịch, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho trẻ, thành lập kiện toàn các ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Trường Mầm non Hàng Đào cũng tuyển dụng nhân viên y tế chuyên phụ trách chăm sóc sức khỏe học đường cho các bé. Hàng tháng học sinh đều được đo chiều cao, cân nặng để phát hiện kịp thời các bạn suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì. Từ đó phối hợp với gia đình thay đổi chế độ ăn uống hợp lý”.
Theo cô Hạnh, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe học đường cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng bữa ăn bán trú. Trong đó, khâu tuyển chọn thực phẩm đầu vào là quan trọng nhất. Các thực phẩm lựa chọn cần đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau đó, công tác chế biến, lưu mẫu cũng cần đảm bảo đúng quy trình.
Bên cạnh bữa ăn bán trú, theo cô Hạnh hoạt động thể dục thể thao, tăng cường cho học sinh vận động cũng nên được quan tâm hơn. Như vậy có thể tăng thể lực cho học sinh, giúp các bạn tăng sức đề kháng hơn.
Tích hợp giáo dục sức khỏe học đường, chú trọng cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh
Chia sẻ về các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường tại Trường Tiểu học Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội), cô Lê Thị Thơm - hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Công tác chăm sóc sức khỏe học đường được nhà trường rất quan tâm. Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với trạm y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Đồng thời, ban giám hiệu cũng chỉ đạo mở các chuyên đề về an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho các em như: chuyên đề phòng chống ngộ độc các thức ăn ở cổng trường, những quán hàng rong không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay các hoạt động phòng chống dịch bệnh như phun thuốc khử khuẩn, phun thuốc diệt côn trùng…
Ngoài ra, nhà trường cũng tích hợp công tác chăm sóc sức khỏe học đường vào các môn học. Trong các giờ học khoa học, đạo đức hay sinh hoạt nội dung về chăm sóc sức khỏe được các cô giáo lồng ghép trong giờ học.
Ví dụ để phòng chống bệnh sốt xuất huyết thì các em cần phải làm gì, hoặc triệu chứng của các loại bệnh theo mùa. Thông thường mỗi mùa sẽ có những loại bệnh đặc trưng riêng. Khi chuẩn bị tới thời điểm giao mùa, ban giám hiệu cũng chỉ đạo các cô giáo tích hợp nội dung này trong những tiết dạy của mình. Từ đó giúp học sinh có thể nắm bắt rõ hơn các triệu chứng của bệnh cũng như biết cách chủ động phòng bệnh cho bản thân”.
Cô Thơm cũng cho rằng để nâng cao tầm vóc, thể lực và sức khỏe tinh thần của học sinh cần có thêm các chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em được đưa vào trường học. Ngoài ra các chương trình này cần được miễn phí để tất cả học sinh đều có thể tiếp cận được.
“Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với hội chữ thập đỏ huy động nguồn tài trợ sữa học đường cho các bạn học sinh uống miễn phí. Mỗi một đợt như vậy sẽ có đủ sữa cho học sinh toàn trường uống. Khi đến thời gian học sinh ăn bán trú, các bạn sẽ được phát sữa kèm theo bữa ăn của mình", cô Thơm bày tỏ.
Cũng đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường mầm non Hàng Đào cho rằng để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe học đường cần tích hợp giáo dục sức khỏe học đường vào các tiết học.
“Ở trường hiện có chương trình dinh dưỡng học đường. Nội dung này được phòng giáo dục và đào tạo địa phương chỉ đạo cho các giáo viên dạy tích hợp thêm nội dung về dinh dưỡng học đường. Một tiết học dinh dưỡng ở trường sẽ dạy và rèn cho các con về thức ăn, các chất dinh dưỡng, vệ sinh nề nếp khi ăn hay dạy cho các con biết cách tự vệ sinh cá nhân như rửa mặt hoặc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Những hoạt động này giúp các con làm quen với tính nề nếp để khi về nhà học sinh có thể áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày”, cô Hạnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam khẳng định để công tác chăm sóc sức khỏe học đường được thiết thực, ý nghĩa cần chú trọng cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của học sinh.
“Hiện tại, ở Trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngoài hoạt động ăn uống, thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ thì còn có chăm sóc sức khỏe về tinh thần. Nhà trường có phòng tâm lý học đường có giáo viên chuyên phụ trách chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý cho học sinh. Ví dụ khi các bạn muốn tâm sự hay gặp khó khăn, mệt mỏi, stress thì các cô giáo sẽ chia sẻ, động viên. Những cô giáo này có chuyên môn để làm tinh thần các con vui vẻ hơn.
Bên cạnh đó, theo tôi cần phải đầu tư hơn cho hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, để đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh có thể cập nhật kiến thức về sức khỏe thường xuyên. Quan điểm của tôi là nhà trường sẽ làm tất cả những gì tốt nhất cho học sinh.
Với các trường tư, đôi khi thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, với số lượng giáo viên như vậy sẽ không có hiệu quả về mặt tài chính nhưng nếu không có hoạt động này học sinh tới trường sẽ không an toàn. Như vậy thì nhà trường cũng không thể hoạt động lâu dài được", bà Bình nhận định.
Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Ngôi sao Việt Nam, chăm sóc sức khỏe học đường hoạt động bắt buộc phải có trong một cơ sở giáo dục. Một đứa trẻ cần được chăm sóc toàn diện cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần thì mới có thể học giỏi được. Chính vì thế, nếu không làm tốt, ưu tiên thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe học đường thì chất lượng giáo dục sẽ không thể cải thiện được.