Lương nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất: GV sống được bằng lương, yên tâm giảng dạy

16/08/2024 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".[1]

Kết luận 91 Bộ Chính trị.jpg
Trích Kết luận 91-KL/TW - Ảnh minh họa

Lương nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó có nội dung: "Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.”

Theo đó, nội dung rất quan trọng được hàng triệu cán bộ quản lý, nhà giáo cả nước quan tâm đã được nêu trong Kết luận 91-KL/TW. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

Việc xếp lương nhà giáo cao nhất và có phụ cấp phù hợp tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 29-NQ/TW, cải thiện thu nhập nhà giáo, nâng cao vai trò vị thế nhà giáo trong giai đoạn hội nhập và phát triển, phù hợp xu thế của thế giới.

Cán bộ quản lý, giáo viên cả nước vui mừng

Sau khi Kết luận 91-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị được thông tin rộng rãi, giáo viên cả nước vô cùng vui mừng, mọi người đều đang trong tâm trạng phấn khởi, chia sẻ rầm rộ Kết luận này. Điều này giúp giáo viên vững tin tới đây thu nhập của nhà giáo sẽ được nâng lên, nhà giáo sống được bằng lương.

Từ 01/7/2024, mức lương cơ sở được cấp có thẩm quyền tăng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%), giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (công tác từ 05 năm trở lên), thu nhập giáo viên cả nước đã được cải thiện một phần. Có giáo viên công tác lâu năm ở vùng có điều kiện bình thường có thu nhập hơn 20 triệu mỗi tháng. Giáo viên công tác vùng khó khăn có người nhận hơn 30 triệu đồng mỗi tháng là mức tăng cũng đáng kể. Tất nhiên, số lượng giáo viên có mức thu nhập này không nhiều. Còn nhiều thầy cô mới vào nghề, thu nhập chỉ từ 5-6 triệu đồng một tháng. Với con số này, nếu ở các thành phố, giáo viên phải chật vật, co kéo mới có thể đủ tiền sinh hoạt để bám trụ với nghề.

Theo thống kê hiện nay, cả nước còn thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học, việc tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là thu nhập còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống.

Trước đây, khi mức lương cơ sở thấp, có tình trạng giáo viên nghỉ việc hàng loạt ở nhiều địa phương, tuyển dụng khó khăn.

Tuy nhiên, theo tính toán của người viết, khi mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu thì thu nhập nhà giáo đã cải thiện đáng kể. Nhiều giáo viên có ý định nghỉ việc đã từ bỏ ý định. Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đã đi làm ngành khác có mong muốn được vào sư phạm. Nhiều người đã nghỉ việc có ý định mong muốn quay trở lại bục giảng.

Sau nhiều năm liền không tuyển được giáo sinh, tại đơn vị người viết mới 6 tháng đầu năm năm 2024 cũng đã tuyển được 3 giáo viên mới trong đó có 2 người tốt nghiệp sư phạm đang đi làm nơi khác muốn trở thành giáo viên và 1 người mới ra trường. Điều này giải quyết được đáng kể tình trạng thiếu giáo viên.

Một thông tin cũng rất quan trọng được Bộ giáo dục và Đào tạo thông tin, năm 2024, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng). Mùa tuyển sinh năm 2024 ghi nhận hiện tượng học sinh đổ xô đăng ký nguyện vọng vào các ngành sư phạm. [2]

Số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên đồng nghĩa chất lượng đầu vào ngành sư phạm tăng. Thực tế, không ít thủ khoa một số tổ hợp trên cả nước chia sẻ lý do chọn ngành sư phạm vì không mất học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, có nhiều cơ hội nghề nghiệp, công việc ổn định, cơ hội thăng tiến và quan trọng là hiện nay thu nhập cũng được cải thiện đáng kể, tăng hơn rất nhiều so với trước đây.

Mới nhất, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã có chỉ đạo nội dung “thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng". Đây tiếp tục là thông tin vô cùng quan trọng thúc đẩy cán bộ quản lý, giáo viên gắn bó với nghề. Có thu nhập tốt, ổn định họ sẽ nỗ lực hơn, hạn chế tình trạng “chân trong, chân ngoài”, giữ chân giáo viên giỏi, tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và quan trọng ngành sư phạm sẽ tiếp tục hút sinh viên sư phạm giỏi, để có thêm nhiều giáo viên giỏi. Từ đó, chất lượng nhà giáo được nâng lên góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hội nhập quốc tế, dần tiến tới “bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định” theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-post244820.gd

[2] https://laodong.vn/giao-duc/vi-sao-hoc-sinh-do-xo-chon-nganh-su-pham-nam-2024

[3] Xem toàn văn Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị TẠI ĐÂY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam