Tôi thấy dạy thêm ngoài nhà trường ở dự thảo quá "thoáng", khó quản lý hiệu quả

25/08/2024 06:38
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo dự thảo Thông tư của Bộ có phần thuận lợi hơn trước đây sẽ là điều mà phụ huynh, dư luận băn khoăn.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ ban hành hơn 10 năm trước đã tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng dạy thêm, học thêm cho học sinh phổ thông trong những năm vừa qua diễn ra khá phức tạp. Cho dù là chương trình 2006 hoặc bây giờ là chương trình 2018 thì dạy thêm, học thêm vẫn phức tạp, khó quản lý.

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý là việc làm cần thiết với hy vọng chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

Tuy nhiên, khi đọc dự thảo, chúng tôi thấy những quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có phần “thoáng” hơn trước đây. Những ràng buộc về pháp lý dù thấy có nhiều quy định nhưng thực tế lại rất dễ thực hiện, đối phó. Vì thế, những giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường tới đây sẽ thuận lợi hơn trước đây. Trong khi, việc dạy thêm ngoài nhà trường mới là điều mà phụ huynh quan tâm, lo ngại nhiều nhất.

day-them-2-7108-8128-7542.jpg
Ảnh minh họa: Báo Lao động

Dự thảo Thông tư Quy định về việc dạy thêm ngoài nhà trường ra sao?

Khoản 1, Điều 5 của dự thảo quy định:

1. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

b) Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Thực tế, người viết là giáo viên phổ thông nhận thấy, việc đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm hay xin cấp giấy phép dạy thêm như hiện nay không khó, chỉ cần phô tô văn bằng, giấy xin phép; thời gian; mức tiền học phí... Nhưng, liệu giáo viên có trung thực về số lượng, số tiền thu được hay không lại là chuyện khác.

Trong khi đó, tại Khoản 3, Điều 12 dự thảo hướng dẫn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau: "Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: danh mục các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; hồ sơ tài chính theo quy định". Những yêu cầu này không khó đối với những giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

Việc đăng ký kinh doanh không khó và điều kiện để dạy thêm theo dự thảo Thông tư cũng khá dễ dàng.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 5 dự thảo Thông tư quy định việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã hướng dẫn giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này.

b) Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

3. Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông)”.

Với hướng dẫn như thế này, chúng ta thấy việc dạy thêm ở ngoài nhà trường có phần thoáng hơn Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT trước đây.

Việc dự thảo Thông tư yêu cầu giáo viên dạy thêm ở ngoài nhà trường “không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này” nhưng ai kiểm tra, ai quản lý việc này mới là vấn đề dư luận quan tâm. Chẳng có giáo viên nào khi xin phép dạy thêm lại nói mình sẽ vi phạm.

Nếu như trước đây, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa, còn dự thảo Thông tư lần này đã không còn cấm nội dung này.

Đối với yêu cầu giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa phải lập danh sách báo cáo gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm thực ra chỉ mang ý nghĩa… hình thức. Có giáo viên nào dạy thêm ngoài nhà trường mà tự nhận là mình “ép buộc học sinh học thêm” đâu.

Việc “nới lỏng” quy định này được xem là sự thừa nhận cho phép dạy thêm ở ngoài nhà trường. Miễn là Phó Hiệu trưởng, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường chỉ cần báo cáo với Hiệu trưởng địa điểm, thời gian và cam kết không vi phạm là có thể mở lớp dạy thêm.

Riêng, Hiệu trưởng Hiệu nếu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông)” là mọi thứ yên ổn.

Đối với việc thu và quản lý tiền học thêm ngoài nhà trường cũng được dự thảo hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2, Điều 6 như sau: “Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm”.

Lâu nay, mức thu tiền dạy thêm cũng được giáo viên “thỏa thuận” với phụ huynh hoặc thông báo công khai trước khi mở lớp nhưng giáo viên dạy thêm thu bao nhiêu thì phụ huynh và học sinh đều đóng đầy đủ bấy nhiêu. Đã cho con đi học thêm thì có phụ huynh nào mặc cả mức học phí bao giờ.

Quản lý dạy thêm, học thêm vẫn là vấn đề nan giải

Thực ra, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm cũng đã quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cấp quản lý nhưng thực tế rất khó đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ và hạn chế được tình trạng dạy thêm tràn lan ở các cấp học.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm lâu nay và giờ đây trong dự thảo vẫn là: “ tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh”.

Nhưng, mấu chốt của vấn đề là ai quản lý, giám sát việc dạy thêm của giáo viên ở ngoài nhà trường. Họ có thể dạy trái buổi, dạy buổi tối, dạy ở ngày nghỉ cuối tuần. Bởi, họ đã được người đứng đầu đơn vị chấp thuận cho dạy thêm.

Giáo viên dạy thêm dạy tại nhà của họ, hoặc thuê địa điểm thì ai có thể vào đó mà giám sát? Và, làm sao giám sát hết được tất cả giáo viên các cấp học dạy thêm trên địa bàn. Vì thế, trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế sẽ rất khó thực hiện.

Riêng việc quy định “không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình” lại càng khó. Vì phần nhiều học sinh đang học thêm ở nhà thầy cô giáo là học trước chương trình chính khóa. Không dạy trước chương trình thì những lớp không phải là cuối cấp có gì mà dạy thêm?

Họ sẽ dạy trước để học sinh biết trước, khi vào lớp học chính khóa, giáo viên dạy đến đâu, học sinh “hiểu đến đó” mới là mục đích đến của học sinh học thêm.

Việc cấm “không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” như trong dự thảo lại càng khó. Bởi lẽ, phụ huynh cho học sinh đi học thêm là để “biết trước” vấn đề.

Giáo viên dạy thêm mà không “gợi ý” , không “gà bài” các dạng đề kiểm tra, các bài tập giống đề kiểm tra thì đương nhiên học sinh sẽ bị điểm thấp. Điểm thấp, phụ huynh có còn cho con đi học thêm với thầy cô đó nữa không? Mục đích chính của giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường là cải thiện thu nhập. Mục đích chính của phụ huynh cho con em mình đi học thêm là cải thiện điểm số, thành tích học tập.

Mối quan hệ này chặt chẽ và ràng buộc với nhau nên lâu nay giáo viên vẫn gợi ý và tương lại cũng rất khó thay đổi. Bởi, suy cho cùng thì việc dạy thêm ngoài nhà trường hiện nay không được quản lý, thanh tra vì số lượng giáo viên dạy thêm ở những khu vực có điều kiện rất nhiều mà các cơ quan chức năng gần như đang bỏ ngỏ vấn đề này.

Vì thế, dù rất lâu rồi, dư luận trông chờ một văn bản mới thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT phải chặt chẽ hơn để hạn chế việc dạy thêm tràn lan như hiện nay. Nhưng, khi dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm được công bố thì việc dạy thêm ngoài nhà trường có phần lại dễ dàng hơn trước. Tất nhiên, điều này những giáo viên dạy thêm sẽ rất mừng vì việc xin phép, báo cáo, cam kết với Hiệu trưởng có gì khó đâu.

Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo dự thảo Thông tư không bị cấm, không bị hạn chế mà có phần thuận lợi hơn trước đây sẽ là điều mà phụ huynh, dư luận băn khoăn.

Những góc khuất của việc dạy thêm những năm qua đã được dư luận lên tiếng nhiều vì bên cạnh việc nâng cao được hiệu quả học tập của một bộ phận học sinh thì nó cũng đang “góp phần” vào làm cho gian lận, dối trá trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1663

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH