Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trước thông tin này, các chuyên gia trong lĩnh vực Khoa học giáo dục đã chia sẻ góc nhìn nhằm thúc đẩy tăng cả về số lượng và chất lượng các nhà nghiên cứu tại Việt Nam trong tương lai.
Cần điều chỉnh quy định về bài báo khoa học
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, sau khi Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg có hiệu lực, ngành Khoa học Giáo dục/Giáo dục học chỉ có 2 giáo sư và đều đạt chuẩn chức danh vào năm 2020. Từ năm 2021 đến nay, ngành không có thêm ứng viên đạt chuẩn giáo sư dù số lượng phó giáo sư có sự tăng trưởng.

Chia sẻ về khó khăn khi phấn đấu đạt chuẩn theo Quyết định số 37, một nữ phó giáo sư vừa được bổ nhiệm chức danh vào năm 2024 chia sẻ: “Một trong những rào cản lớn nhất đối với ứng viên là yêu cầu về công bố quốc tế. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng để khẳng định năng lực học thuật, thì với các nhà nghiên cứu Khoa học giáo dục, việc công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín lại là thử thách không nhỏ.
Do vậy, việc áp dụng một tiêu chí đánh giá chung cho mọi ngành là chưa phù hợp. Cần có sự điều chỉnh theo hướng linh hoạt, xét đến đặc thù riêng của từng lĩnh vực. Tiêu chí công bố nên được đánh giá không chỉ dựa trên số lượng và cấp độ tạp chí, mà còn xét đến tác động thực tiễn, giá trị ứng dụng và sự đóng góp của công trình đối với nền giáo dục trong nước. Có như vậy mới khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học trong ngành phát triển bền vững và thực chất hơn”.
Nữ phó giáo sư giải thích thêm, trong những năm gần đây, một số trường đại học đã có bước chuyển tích cực khi tăng cường hỗ trợ cho giảng viên và nhà nghiên cứu về mặt tài chính, thời gian và điều kiện nghiên cứu. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần khích lệ hoạt động khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự hỗ trợ này chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều trường đại học vẫn chưa có chính sách tài trợ cụ thể cho nghiên cứu khoa học, hoặc nếu có thì kinh phí lại rất hạn chế, không đủ để trang trải cho các hoạt động nghiên cứu bài bản và công bố quốc tế – vốn đòi hỏi chi phí cao và nguồn lực bền vững.
Chi phí để thực hiện nghiên cứu bài bản, cũng như chi phí công bố quốc tế hiện nay rất lớn. Do đó, Nhà nước và các trường đại học cần có chính sách đầu tư dài hạn cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cụ thể, cần xây dựng các chương trình tài trợ cho các đề tài chất lượng cao, ưu tiên các công trình có tiềm năng công bố quốc tế, và hỗ trợ chi phí xuất bản trên các tạp chí học thuật uy tín – vốn là một rào cản lớn với nhiều nhà khoa học hiện nay.
Cùng trao đổi về chủ đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Cao Cự Giác, Giảng viên cao cấp tại Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh bày tỏ: “Kinh phí nghiên cứu khoa học hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí từ các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, như cấp tỉnh hoặc cấp bộ. Đối với ngành Khoa học giáo dục, mức kinh phí được phân bổ cho các đề tài thường thấp hơn so với các ngành khoa học cơ bản, điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai những nghiên cứu có quy mô lớn và chiều sâu.
Lý do xuất phát từ quan điểm các ngành khoa học cơ bản đòi hỏi đầu tư lớn vào các thiết bị thí nghiệm, máy móc hiện đại và cơ sở vật chất kỹ thuật cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học giáo dục cũng đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là với các hướng nghiên cứu mới như giáo dục STEM. Những nghiên cứu này không chỉ cần triển khai thực nghiệm ở quy mô lớn, mà còn đòi hỏi hệ thống xử lý dữ liệu hiện đại, đáng tin cậy, nên cũng cần được đầu tư nguồn lực tài chính tương xứng để đảm bảo chất lượng và tính khả thi của kết quả nghiên cứu”.

Vì vậy, thầy Giác cũng cho rằng để vừa tăng số lượng, vừa bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà nghiên cứu trong nước, cần xem xét linh hoạt tiêu chí công bố quốc tế.
“Hiện tại, ứng viên phó giáo sư cần ít nhất 3 bài báo khoa học là tác giả chính được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (tính từ sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ), còn ứng viên giáo sư cần 5 bài (tính từ sau khi đạt chuẩn phó giáo sư).
Có thể điều chỉnh giảm số lượng bắt buộc xuống còn 2 bài đối với phó giáo sư và 4 bài đối với giáo sư, nhưng yêu cầu ít nhất một bài phải có chỉ số trích dẫn (citation) đáng kể hoặc được đăng trên các tạp chí thuộc quartile Q1/Q2 theo Scopus hoặc WoS. Nội dung các bài công bố phải đi đúng hướng nghiên cứu chuyên sâu của ứng viên.
Đồng thời, nên cho phép thay thế một phần bài báo quốc tế bằng các công trình khoa học có giá trị thực tiễn cao, như sách chuyên khảo được xuất bản bởi nhà xuất bản quốc tế uy tín hoặc giải pháp công nghệ có ứng dụng thực tế kèm bằng sáng chế. Việc linh hoạt hóa tiêu chí công bố quốc tế sẽ giảm bớt áp lực về số lượng, đồng thời vẫn giữ được chất lượng, đặc biệt phù hợp với đặc thù của các ngành khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục”.
Bên cạnh đó, thầy Giác cho rằng cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ nhà nghiên cứu trẻ nhằm tạo điều kiện để họ đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư. Nhà nghiên cứu trẻ thường thiếu kinh nghiệm và nguồn lực, dẫn đến khó đáp ứng tiêu chuẩn. Hỗ trợ tài chính và chuyên môn sẽ giúp họ phát triển nhanh hơn, từ đó tăng cả số lượng và chất lượng.
Một đề xuất thiết thực là thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu dành riêng cho ứng viên dưới 40 tuổi, bao gồm kinh phí công bố quốc tế, tham gia hội thảo học thuật ở nước ngoài và học ngoại ngữ. Cùng với đó, nên xây dựng chương trình cố vấn (mentorship) nhằm kết nối các giáo sư, phó giáo sư giàu kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu trẻ, giúp định hướng nghiên cứu, hướng dẫn công bố và thực hiện đề tài. Việc hỗ trợ đồng thời về tài chính và chuyên môn sẽ giúp nhà khoa học trẻ rút ngắn thời gian phát triển học thuật, từ đó gia tăng cả về số lượng và chất lượng ứng viên trong tương lai.
Cũng theo thầy Giác, việc đảm bảo liêm chính học thuật cần được coi là yếu tố cốt lõi trong toàn bộ quá trình xét duyệt chức danh. Đề xuất thành lập một ủy ban độc lập để kiểm tra tính trung thực trong học thuật là rất cần thiết, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi như đạo văn, khai sai thành tích hoặc mua bài báo trên các “tạp chí săn mồi”. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về hình thức xử phạt các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe và giữ gìn liêm chính học thuật.
“Thực tế đã có một số trường hợp lợi dụng tiêu chí định lượng để đạt chuẩn chức danh bằng cách mua bài công bố không đạt chất lượng, làm suy giảm uy tín học thuật và niềm tin xã hội. Do đó, việc tăng cường kiểm soát và nâng cao đạo đức học thuật không chỉ là biện pháp bảo vệ chất lượng giáo sư, phó giáo sư mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu khoa học lành mạnh, bền vững và đáng tin cậy” – thầy Giác bày tỏ.
Giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục năm 2024, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Về công trình khoa học, cần có cái nhìn linh hoạt và toàn diện hơn trong đánh giá. Không nên tuyệt đối hóa các bài báo đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus, bởi hiện nay vẫn có nhiều tạp chí khoa học chất lượng cao, được giới chuyên môn đánh giá tích cực nhưng chưa nằm trong hai hệ thống này.
Đặc biệt, các tạp chí khoa học trong nước cần được nhìn nhận đúng vai trò và giá trị để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống xuất bản học thuật nội địa. Những tạp chí trong nước có tính hội nhập quốc tế cao cần được đánh giá tương đương với các bài báo quốc tế.
Đây là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng và vị thế của các tạp chí học thuật trong nước, vốn đang đứng trước nguy cơ bị xem nhẹ. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, bài báo công bố bằng tiếng Việt có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng độc giả trong nước và vì thế, càng cần được đánh giá đúng mức”.

Định mức giờ dạy làm khó giảng viên
Khoản 3, Điều 4 của Quyết định 37 về tiêu chuẩn chung của giáo sư, phó giáo sư có nêu: "Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản này".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Cự Giác chia sẻ: “Chức danh giáo sư, phó giáo sư gắn liền với đội ngũ giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu, do đó ngoài yêu cầu về năng lực nghiên cứu khoa học, các ứng viên còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về giờ giảng dạy ở các hệ đào tạo như đại học và sau đại học. Đây là một tiêu chí quan trọng nhằm đảm bảo sự kết nối giữa nghiên cứu và đào tạo, cũng như góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, đối với những người chuyên làm công tác nghiên cứu, không trực tiếp tham gia giảng dạy thường xuyên, việc áp dụng cứng nhắc tiêu chuẩn giờ giảng có thể gây khó khăn không cần thiết.
Do đó, cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn trong việc đánh giá tiêu chí giảng dạy đối với từng đối tượng, nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích sự phát triển đa dạng trong đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên, phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học của đất nước”.
Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, ứng viên muốn có học hàm giáo sư, phó giáo sư thì việc tham gia giảng dạy là điều bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay định mức giờ dạy đối với ứng viên phó giáo sư và đặc biệt là giáo sư đang được quy định ở mức khá cao.
“Không nên hiểu rằng học hàm càng cao thì số giờ giảng dạy bắt buộc cũng phải nhiều hơn. Trái lại, những người mang học hàm cao cần có thời gian tập trung cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ kế cận.
Việc áp dụng định mức giờ dạy như với giảng viên thông thường là chưa phù hợp. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh theo hướng giảm định mức giờ dạy, đồng thời tăng cường yêu cầu về công tác hướng dẫn nghiên cứu sinh, bồi dưỡng cán bộ trẻ và tham gia xây dựng, phát triển các chuyên ngành mới” – cô Lộc cho hay.
Bỏ thủ tục rườm rà, tập trung vào năng lực nghiên cứu
Bên cạnh những khó khăn về nghiên cứu, giảng dạy, nữ phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục bày tỏ, một trong những rào cản khiến nhiều ứng viên cảm thấy nản lòng trong quá trình xét công nhận chức danh phó giáo sư, giáo sư là khâu chuẩn bị hồ sơ – vốn được đánh giá là còn quá rườm rà và tốn nhiều công sức.
“Hiện nay, ứng viên vẫn phải thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính, trong đó có không ít bước mang tính hình thức như sao y, công chứng giấy tờ, xác nhận lý lịch khoa học… Những thủ tục này không chỉ tiêu tốn thời gian, chi phí mà còn tạo thêm áp lực tâm lý cho người nộp hồ sơ – vốn đã phải đầu tư rất nhiều công sức cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy và hoàn thiện các tiêu chí học thuật.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn quốc, việc duy trì mô hình hồ sơ giấy truyền thống, xử lý thủ công là một điểm nghẽn lớn, làm giảm tính hiệu quả và minh bạch của quy trình xét duyệt. Cần nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống hồ sơ trực tuyến, cho phép ứng viên nộp tài liệu, minh chứng, công trình khoa học và các thông tin cá nhân một cách dễ dàng, có thể kiểm tra và cập nhật theo thời gian thực” – nữ giảng viên chia sẻ.
Là người trực tiếp xét duyệt nhiều hồ sơ ứng viên, cô Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng việc trình bày hồ sơ ứng viên cần được thay đổi, tập trung làm nổi bật các hướng nghiên cứu chính thay vì chỉ liệt kê, tính cho đủ điểm.
“Nhiều ứng viên có điểm số “cơ học” cao nhưng không thể hiện được họ là chuyên gia ở lĩnh vực nào. Ứng viên nên trình bày hồ sơ theo đúng hướng nghiên cứu chính của mình, làm rõ những sản phẩm khoa học tiêu biểu, kết quả đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng như các đóng góp phục vụ cộng đồng. Việc đánh giá cần tập trung vào năng lực chuyên môn thực chất, phản ánh đúng vai trò của ứng viên như một chuyên gia đầu ngành” – cô Lộc chia sẻ.
Bên cạnh đó, giáo sư cho rằng, Hội đồng giáo sư cơ sở cần có trách nhiệm chính trong việc xác minh các yếu tố liên quan đến lý lịch, nhân thân của ứng viên, không để Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành phải kiểm tra lại thông tin này.
Ngược lại, các Hội đồng giáo sư cơ sở thường hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nên sẽ gặp khó khăn trong việc thẩm định chuyên môn sâu. Do đó, việc đánh giá về chuyên môn nên được giao cho Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành – nơi quy tụ các chuyên gia có năng lực chuyên sâu và sự am hiểu về lĩnh vực hẹp của ứng viên.