Trước khi lên phó hiệu trưởng một trường trung học, thầy vốn là giáo viên dạy Toán ở một trường trung học cơ sở của huyện.
Đừng giết tương lai của con ở lớp học thêm (Ảnh minh họa VOV) |
Thầy vẫn thường hay mở lớp dạy thêm tại nhà nhưng số lượng học sinh đi học cũng chỉ gói gọn trong vài ba lớp thầy dạy trên trường.
Lũ học trò cứ kháo nhau: “Thầy dạy toán khó hiểu lắm nhưng vì thầy dạy ở lớp chính khóa mà không đi học thầy để cuối năm thi lại à?”
So với nhiều đồng nghiệp, thầy có thua họ một chút về năng lực chuyên môn nhưng bù lại thầy lại rất hoạt bát, ngoại giao rất rộng.
Ai cũng nói thầy có tài ăn nói hơn người.
Bởi thế, khi thầy được đề bạt lên làm phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở cũng chẳng mấy ai bất ngờ nhiều, bởi chuyện này nhiều người cũng đã đoán định từ trước.
Một điều lạ rằng, kể từ ngày thầy lên phó hiệu trưởng thì thầy không còn phải dạy thêm trong căn nhà vốn chật hẹp nữa mà xây thẳng một căn phòng to, rộng rãi để dạy hết ca này đến ca khác.
Học sinh đến học nhà thầy, không còn hạn chế vào một số em thầy dạy trên lớp (mà từ ngày lên phó hiệu trưởng thầy có còn dạy Toán một lớp cố định nào đâu).
Thế mà, khác với dạo trước, học sinh đến nhà thầy xin học thời gian này, cứ mỗi ngày một đông hơn.
Thôi thì đủ các khối lớp trong trường. Mỗi ca thầy dạy số lượng học sinh lên đến dăm chục em một lớp chứ chẳng ít.
Học phí thu mỗi em từ 250-300 ngàn đồng/em/ 8 buổi học.
Một số người hàng xóm tỏ ra thắc mắc: “Không hiểu sao dạo này thầy ăn nên làm ra nhiều như thế”.
Học trò thì kháo nhau “Thầy thật là siêu, khi nào thầy cũng toàn đoán trúng đề thi, đề kiểm tra không à”.
Thế là điều thắc mắc của nhiều người xung quanh đã được bật mí.
Nhưng với giáo viên, họ lại chẳng lạ gì cái tài luôn đoán trúng đề của thầy.
Do làm phó hiệu trưởng nên đề kiểm tra, đề thi của nhà trường đều phải qua tay thầy kiểm duyệt và do chính thầy chọn thi đề nào, bỏ đề nào.
Có giáo viên cười châm biếm: “kiểu này thì muốn trúng đề bao nhiêu phần trăm mà chẳng được!”.
Học trò đi học thêm nhà thầy phần lớn không phải là học sinh giỏi xuất sắc.
Những em có lực học nổi trội như thế thường có lòng tự trọng rất cao.
Con của một cậu bạn làm cùng cơ quan tôi nói rằng: “Con không thích kiếm điểm kiểu ăn xổi như thế.
Dù có giỏi cũng chẳng vinh quang gì và cô bé nhất định chọn thầy cô mà mình tin tưởng để đi học”.
Còn phần đông học sinh xem kiến thức chỉ là thứ yếu, cái các em cần là điểm cao và danh hiệu.
Một số phụ huynh cũng không hiểu tường tận nên cũng khuyến khích cho con đi học với thầy vì theo họ từ ngày đăng kí học ở đây, thấy lực học của con tiến bộ hẳn.
Cha mẹ các em đâu nghĩ được rằng, những điểm 9,10 kia không phải là thực lực của con đạt được.
Đó là nhờ sự “mớm” bài, là bí quyết để thầy kéo học sinh về lớp dạy thêm của mình.
Cũng có không ít người thắc mắc đặt câu hỏi: “Là phó hiệu trưởng một trường học với dăm chục lớp như thế, công việc trường chắc ngợp đầu sao vẫn thấy thầy ung dung dạy thêm trong ngày?”
Tìm hiểu ra được biết, Ban giám hiệu (không chỉ riêng trường thầy) mà hầu như nhiều trường trong huyện chúng tôi họ đều tự phân công nhau trực ở trường và dành những buổi nghỉ ấy đi dạy thêm.
|
Chẳng hạn, hiệu trưởng trực các buổi sáng, phó hiệu trưởng trực các buổi chiều.
Có trường phân theo ngày như 2, 4, 6 hiệu trưởng trực và 3, 5, 7 là phiên của phó hiệu trưởng.
Thế nên họ muốn dạy thêm bao nhiêu ca mà chẳng có thời gian?
Cũng không riêng gì thầy hiệu phó dạy thêm.
Hiệu trưởng cũng tranh thủ kiểu này để kiếm tiền. Trên trường tuần dạy 2 tiết hiệu trưởng vẫn thường nhờ giáo viên đứng lớp hộ.
Nhưng dạy thêm ở nhà, hiệu trưởng lại chẳng bỏ ca nào.
Chuyện hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường tổ chức dạy thêm ở nhà đã gây cho giáo viên và phụ huynh nhiều bức xúc nhưng cũng chẳng ai dám nói, dám lên tiếng.
Bởi, phụ huynh sợ con bị đì, giáo viên sợ bị làm khó đủ chuyện và cái sợ lớn nhất là bị chuyển trường đi thật xa.
Thế nên họ cứ nhắn nhủ nhau “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho yên thân.
Xét cho cùng, chỉ có học sinh là chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Bởi trước mắt, các em sẽ rất vui mừng, rất mãn nguyện vì những con điểm cao ngất ngưỡng đạt được kia.
Có em còn tự bằng lòng, mãn nguyện với mình mà không còn muốn nỗ lực phấn đấu.
Chỉ đến khi đối diện với kì thi mà đề ra không còn trong phạm vi trường học thì các em mới nhận về những điểm số không thể nào thấp hơn thế.
Lúc này, chợt tỉnh cũng đã muộn rồi.
Không ít người đặt câu hỏi, đã là Ban giám hiệu thì có quyền dạy thêm hay không?
Hình như chưa có văn bản nào quy định điều này.
Thế nhưng, ngành giáo dục cũng cần bổ sung thêm quy định "Nghiêm cấm Ban giám hiệu dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào".
Làm thế để hạn chế những tiêu cực không đáng có sẽ xảy ra.
Bởi, Ban giám hiệu các trường bậc trung học sẽ là người trực tiếp duyệt đề thi, đề kiểm tra của tất cả các khối lớp trong trường.
Có thế mới hạn chế được việc họ dùng quyền uy, dùng những thủ thuật như nhá đề, mớm đề để kéo học sinh đến lớp dạy thêm, gây nên sự bất bình và mất đi sự công bằng giữa các học sinh với nhau.
Làm được điều này không ai khác là Phòng Giáo dục, Ủy ban nhân dân huyện nơi cấp giấy phép dạy thêm cho họ.