Bằng cấp đại học đã có giá trị như nhau thì quan trọng gì kỳ thi quốc gia nữa?

18/04/2020 06:32
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Việc xét và công nhận tốt nghiệp trả về cho các địa phương, trường trung học phổ thông đảm nhận, tuyển sinh đại học thì Bộ hãy trả lại cho các trường đại học.

Khoảng 20 năm về trước, lúc ấy các thí sinh thi vào đại học khó vô cùng bởi học sinh lớp 12 khi đó đang phải tham gia 2 kỳ thi chứ không phải 1 kỳ thi như bây giờ. Vì thế mà nhiều người phải trầy trật lắm mới cơ thể bước vào giảng đường đại học.

Vậy nhưng, khoảng chục năm nay thì chỉ trừ một số trường đại học tốp trên còn khó khăn, còn đa phần các trường đại học bây giờ xét tuyển rất đơn giản nên chuyện để vào học ở các trường đại học bây giờ tương đối nhẹ nhàng.

Ngay cả chuyện bằng cấp chính quy, không chính quy thì từ ngày 01/7/2019 cũng đã không còn ghi trên văn bằng đại học. Cánh cửa cuối cùng đã mở toang cho các loại hình đào tạo để các em sinh viên bước vào đời…

Bộ vẫn muốn tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông trong năm nay (Ảnh minh họa: TTXVN)
Bộ vẫn muốn tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông trong năm nay (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bằng đại học đã “mở toang”, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia “đóng” làm gì?

Khi bằng cấp các loại hình đào tạo đại học có giá trị như nhau từ ngày 01/7/2019 thì trên trang giaoduc.net.vn này đã có hàng chục bài viết phân tích khá kĩ lưỡng nên chúng tôi không muốn đề cập lại vấn đề này.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là tại sao bằng cấp đại học thì Bộ đã đề xuất để bỏ ghi loại hình đào tạo và công nhận giá trị như nhau nhưng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong một hoàn cảnh rất đặc biệt như năm nay thì Bộ lại vẫn muốn quyết tâm tổ chức để làm gì?

Dù ai cũng biết rằng nếu tổ chức được kỳ thi này thì cũng đồng nghĩa các trường đại học sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng hơn cho mình. Điều cơ bản là qua kỳ thi này thì các trường sẽ tuyển được những thí sinh phù hợp cho trường mình.

Thế nhưng, dịch bệnh xảy ra suốt nhiều tháng qua, học sinh lớp 12 của nhiều địa phương nghỉ học từ Tết đến giờ. Vậy mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết là nếu học sinh đi học chậm nhất vào ngày 15/6 thì Bộ sẽ tổ chức kỳ thi như dự kiến vào ngày 8 đến 11/8/2020.

Một tháng để học sinh học gần như kiến thức của cả 1 học kỳ, sau đó ôn cấp tốc vài tuần mà Bộ vẫn muốn tổ chức kỳ thi quả thực là điều đáng phải suy ngẫm.

Trong khi, có rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nguyên lãnh đạo ngành giáo dục đề xuất là nên bỏ kỳ thi này trong năm nay. Nhiều tờ báo đã lấy ý kiến tham khảo của bạn đọc đều cho kết quả số lượng người muốn bỏ kỳ thi nhiều hơn là những người muốn tổ chức kỳ thi trong năm nay.

Bằng cấp đại học đã có giá trị như nhau thì quan trọng gì kỳ thi quốc gia nữa? ảnh 2Muốn duy trì kỳ thi quốc gia, Bộ Giáo dục cần có lập luận khoa học, thuyết phục

Nhưng, có lẽ  lãnh đạo Bộ Giáo dục không muốn vậy vì theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thì tổ chức kỳ thi này để "duy trì động lực học tập" cho học trò trong khoảng thời gian còn lại của năm học.

Như vậy, chúng ta thấy một điều là Bộ đã rất đề cao kỳ thi quốc gia, cho dù nhiều thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học mà vẫn phải tham gia kỳ thi này giống như những thí sinh có nguyện vọng đại học.

Chẳng hạn, năm 2019 có tổng số 886. 000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng có tới có 279.001 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (chiếm khoảng 27,8%). Năm nay, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng chắc chắn số lượng thí sinh không có nguyện vọng vào đại học cũng không hề ít vì xu thế này đã có từ nhiều năm qua.

Vấn đề đặt ra là tại sao đối với bằng cấp đại học thi Bộ lại sẵn sàng đánh đồng các loại hình đào tạo với nhau- dù đầu vào, cách đào tạo các loại hình này rất khác nhau.  Vô hình trung, các cấp học phổ thông thì quản lý chặt chẽ nhưng đại học thì lại rất thoáng?

Trước sau gì thì việc tuyển sinh đại học cũng phải trả lại cho các nhà trường

Thực tế cho thấy kỳ thi “hai trong một” mà Bộ Giáo dục tổ chức hàng năm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đỉnh điểm của những bất cập, hạn chế này là tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình…

Để giải quyết hậu quả này, gần 2 năm qua thì ngành giáo dục và các cơ quan chức năng vẫn còn nhì nhằng mãi chưa xong. Nhiều nghi vấn cũng được chỉ ra, hàng chục nhà giáo ở các địa phương này bị ra tòa và lĩnh án tù…

Bằng cấp đại học đã có giá trị như nhau thì quan trọng gì kỳ thi quốc gia nữa? ảnh 3
Bộ Giáo dục cần cân nhắc việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong năm nay

Thực tế cho thấy với 63 tỉnh thành như hiện nay cùng thi vào một thời điểm, cùng một đề thi mà bệnh thành tích, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn thì Bộ rất khó để kiểm soát hết được.

Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng Bộ cũng không cần thiết phải tổ chức kỳ thi  quốc gia nữa, nhất là trong năm 2020 này. Bởi thực tế thì đến thời điểm này các địa phương vẫn chưa thể cho học sinh đi học trở lại

Việc xét và công nhận tốt nghiệp hãy trả về cho các địa phương, trường Trung học phổ thông đảm nhận, tuyển sinh đại học thì Bộ hãy trả lại cho các trường đại học. Một khi giao tự chủ đại học và họ không tự chủ trong tuyển sinh thì sự tự chủ ấy cũng chỉ là nửa vời mà thôi.

Các trường đại học, học viện sẽ tự lên phương án tuyển sinh cho trường mình- họ có thể kiểm tra năng lực thí sinh hoặc cũng có thể xét học bạ…

Thực tế từ mấy năm nay, chỉ trừ một số trường đại học lớn có quyền “kén cá chọn canh” còn phần nhiều các trường đại học, cao đẳng phải “vơ bèo vạt tép” mới đủ nguồn tuyển vì trường đại học thì nhiều mà thí sinh thì giờ đây có nhiều lựa chọn để vào đời. Đại học không còn là cánh cửa duy nhất để các em vào đời…

Điều quan trọng nhất là giờ đây bằng chính quy hay không chính quy đã có giá trị như nhau thì thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức học tập khác nhau để vào đời. Vì thế, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bây giờ có lẽ đã không còn thực sự cần thiết nữa, nhất là trong hoàn cảnh như năm học này.

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/ky-thi-co-the-duy-tri-dong-luc-cua-hoc-sinh-20200414090937295.htm

KIM OANH